Áp lực lớn với kinh tế toàn cầu
Kinh tế toàn cầu đang đối mặt nguy cơ bất ổn trước chính sách thuế quan mới của Mỹ. Việc Washington vừa tuyên bố áp thuế 25% với ô-tô nhập khẩu có thể làm tăng rủi ro lạm phát và gây bất ổn trên thị trường tài chính.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ảnh: Tân Hoa xã
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, từ ngày 2/4 tới, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế mới nhằm giảm thâm hụt thương mại hàng hóa toàn cầu trị giá 1.200 tỷ USD.
Mức thuế mới sẽ tương đương với mức thuế mà các nhà xuất khẩu Mỹ phải chịu ở nước ngoài. Các quốc gia bày tỏ quan ngại sâu sắc trước kế hoạch áp thuế của Mỹ, cảnh báo nguy cơ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc nhận định, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng sẽ khiến lạm phát tăng cao và tỷ giá hối đoái bất ổn.
Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, cuộc chiến thuế quan không thể giải quyết căn bản tình trạng dư cung và tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới, mà còn gây thêm bất ổn cho thị trường tài chính.
Cách các nước đối phó với kế hoạch thuế quan mới của Mỹ có nhiều khác biệt. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định, Mỹ áp thuế 25% với ô-tô nhập khẩu từ ngày 3/4 tới sẽ gây tác động rất lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản, do xuất khẩu ô-tô là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Phát biểu trước Quốc hội ngày 28/3, ông Ishiba nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ tìm ra phương thức hiệu quả để thuyết phục Washington rằng chính sách này không mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đàm phán để tìm kiếm giải pháp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại thương Brazil Tatiana Prazeres cảnh báo, thương mại toàn cầu đang có nguy cơ bị “vũ khí hóa” và dẫn đến nhiều rủi ro khó lường. Chính phủ Brazil khẳng định sẽ duy trì hệ thống thương mại đa phương và bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở rộng hợp tác thương mại với các đối tác quốc tế, nhất là thông qua các thỏa thuận như Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR) dự báo quy mô nền kinh tế của Anh có nguy cơ giảm tới 1% do thuế đối ứng của Mỹ. OBR lưu ý, nếu kịch bản này xảy ra sẽ xóa bỏ gần như tất cả “bộ đệm” tài chính của chính phủ. Với kịch bản Mỹ áp thuế đối ứng, lạm phát sẽ tăng cao hơn 0,6% trong năm tài chính tiếp theo do giá hàng nhập khẩu của Mỹ sang Anh sẽ tăng.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves quyết định điều chỉnh giảm mức tăng chi tiêu của chính phủ và đang tìm cách tránh thuế đối ứng thông qua đàm phán một thỏa thuận kinh tế mới với Mỹ. Thủ tướng Canada Mark Carney đã lên án thuế quan của Mỹ là “cuộc tấn công trực tiếp” vào người lao động Canada và cam kết hành động vì lợi ích cộng đồng. Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Canada cũng kêu gọi chính phủ áp thuế trả đũa ngay lập tức đối với Mỹ.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, quyết định của Mỹ là sai lầm; cảnh báo thuế quan sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế và sự thịnh vượng chung. Giới chức Đức tuyên bố, Berlin và EU sẽ bảo vệ thương mại tự do, đồng thời xem xét các biện pháp đáp trả phù hợp.
Tại Italy, Bộ trưởng Nông nghiệp Francesco Lollobrigida cho biết, Italy sẽ không “sợ hãi” trước bất kỳ mức thuế mới nào, sau khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 200% đối với rượu vang, rượu cognac và các loại rượu nhập khẩu khác từ châu Âu. Italy hy vọng những nỗ lực ngoại giao giữa hai bên sẽ giúp ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho rằng, mức thuế đối ứng của Mỹ vi phạm Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Mexico dự kiến sẽ đưa ra “phản ứng toàn diện” vào đầu tháng 4, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Washington. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard cho biết, Nhà trắng đã cam kết các sản phẩm ô-tô có linh kiện sản xuất tại Mỹ sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn và không bị đánh thuế nhiều lần khi qua biên giới.
Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất cắt giảm thuế đối với hơn một nửa trong các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 23 tỷ USD. Tháng trước, Ấn Độ đã giảm thuế nhập khẩu đối với rượu bourbon từ mức 150% xuống còn 100%.
“Cuộc chiến thuế quan” có nguy cơ đẩy các nền kinh tế trở lại thời kỳ suy thoái, khó khăn. Việc các quốc gia dựng hàng rào thuế quan trả đũa lẫn nhau đang và sẽ khiến cho triển vọng kinh tế thế giới thêm u ám. Do vậy, thích ứng linh hoạt và tăng cường hợp tác bảo vệ lợi ích chung của các nền kinh tế thông qua duy trì hệ thống thương mại đa phương là giải pháp tối ưu.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ap-luc-lon-voi-kinh-te-toan-cau-post868715.html