Áp lực thuế quan khiến kinh tế Mỹ suy giảm mạnh hơn dự kiến
Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ, với mức suy giảm vượt xa dự báo ban đầu của các chuyên gia.

Áp lực thuế quan khiến kinh tế Mỹ suy giảm mạnh hơn dự kiến
GDP Mỹ giảm sâu hơn dự kiến
Theo các số liệu mới nhất từ Cục Phân tích kinh tế Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quí 1-2025 giảm 0,5% - mức giảm sâu nhất kể từ đỉnh điểm đại dịch Covid-19. Con số này thậm chí còn tệ hơn so với ước tính ban đầu là giảm 0,2%, cho thấy tác động của thuế quan nghiêm trọng hơn dự kiến.
Nguyên nhân chính của sự suy giảm này là nhập khẩu tăng đột biến 42% do doanh nghiệp tích trữ hàng hóa trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế quan mới. Theo nguyên tắc tính GDP, sự gia tăng nhập khẩu sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
S&P Global Market Intelligence dự kiến, tăng trưởng GDP trung bình của Mỹ trong hai quí đầu năm 2025 chỉ đạt 0,8%, giảm mạnh so với mức 2,5% của cùng kỳ năm 2024. Đây được coi là tín hiệu đáng lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lạm phát gia tăng do thuế quan
Lạm phát đã bắt đầu tăng do tác động trực tiếp của thuế quan. Chỉ số Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - trong tháng 5-2025 đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Theo Công ty Logistics ITS, trên thực tế, trong toàn bộ chuỗi phân phối bán lẻ và sản xuất của Mỹ, hàng tồn kho đã bắt đầu được dán nhãn lại với mức giá cao hơn từ 8-15%, bao gồm cả hàng may mặc và hàng tiêu dùng.
Ngành giày dép cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Một khảo sát mới được Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ thực hiện trong quí 2-2025 cho thấy 55% số doanh nghiệp được hỏi dự kiến giá bán lẻ trung bình của họ sẽ tăng từ 6-10% trong năm 2025 do thuế quan.
Bên cạnh giá cả tăng cao, một vấn đề khác là lượng hàng tồn kho tại Mỹ đang giảm xuống. Theo Chỉ số Nhà quản lý Logistics, mức tồn kho tại các kho hàng ở Mỹ trong tháng 5-2025 đã giảm 6% so với tháng trước, do những lo ngại về bất ổn thương mại và sức mua giảm, khiến các doanh nghiệp có xu hướng nhập khẩu ít hơn.
Việc lượng hàng tồn kho giảm mạnh sẽ khiến nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng hóa dẫn đến tăng giá và giảm chi tiêu tiêu dùng. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp cắt giảm sản xuất và đơn hàng, tạo ra vòng xoáy tiêu cực khiến GDP giảm và tăng nguy cơ suy thoái.
Thị trường chứng khoán vẫn lạc quan
Dù các chỉ số kinh tế đáng lo ngại, thị trường chứng khoán Phố Wall lại khá lạc quan. Kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước (27-6-2025), cả ba chỉ số chính đều tăng điểm, trong đó S&P 500 và Nasdaq chạm mức cao kỷ lục, bất chấp dữ liệu kinh tế kém khả quan.
Các nhà đầu tư không quá lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng họ cảm thấy nhẹ nhõm khi những kịch bản tồi tệ nhất được nhắc đến trong những tháng gần đây đã không xảy ra. Thuế quan và những xáo trộn chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump có tạo ra một số tác động kinh tế, nhưng chưa quá nặng nề.
“Nền kinh tế vĩ mô vẫn đang hoạt động khá tốt”, ông Jason Furman, Giáo sư kinh tế tại Harvard, nguyên cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết. Theo ông, trong vấn đề thuế quan, thị trường hiện tự tin hơn rằng “Tổng thống Donald Trump sẽ lùi bước nếu cần thiết”. “Vào tháng 4, nỗi sợ hãi chung là ông Trump sẽ luôn cứng rắn trong mọi tình huống. Bây giờ, có vẻ như ông ấy sẽ không cố gắng vượt qua mọi rào cản”.
Niềm tin tiêu dùng phục hồi nhưng chi tiêu vẫn giảm
Bên cạnh đó, một tín hiệu tích cực khác là niềm tin của người tiêu dùng Mỹ cũng đã phục hồi nhẹ. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng theo khảo sát của Đại học Michigan trong tháng 6-2025 đã tăng 16% so với tháng 5, nhưng vẫn thấp hơn 18% so với mức của tháng 12-2024.
Tuy nhiên, kỳ vọng lạc quan quá mức có thể là sai lầm bởi áp lực từ thuế quan lên lạm phát vẫn rất nặng nề. Mặc dù đã giảm bớt so với đề xuất ban đầu, mức thuế quan trung bình ở Mỹ hiện là 18,8%, cao nhất kể từ những năm 1930, vượt xa mức 2,4% năm 2024. Ông Preston Caldwell, chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ tại Morningstar, dự báo chỉ số giá PCE sẽ tăng từ 2,3% hiện tại lên 3,2% vào đầu năm 2026.
Những dấu hiệu phục hồi tâm lý không che lấp được thực tế: người tiêu dùng Mỹ vẫn đang thắt chặt chi tiêu. Bà Joanne Hsu, Giám đốc phụ trách khảo sát người tiêu dùng tại Đại học Michigan, cho biết người tiêu dùng đang rất lo lắng rằng thuế quan cao và biến động chính sách có thể gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Theo các báo cáo mới, chi tiêu tiêu dùng tháng 5 tại Mỹ đã giảm 0,1%, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 1. Dữ liệu chi tiêu tháng 5 đã điều chỉnh theo lạm phát giảm 0,3%, trong khi thu nhập cá nhân giảm 0,4%. Bộ Thương mại Mỹ cũng điều chỉnh giảm tăng trưởng tiêu dùng quí 1-2025 từ 1,8% xuống 0,5%, cho thấy động lực kinh tế đang chậm lại đáng kể.
Những thách thức đối với nhu cầu nội địa
Trong một ghi chú gần đây, Oxford Economics lưu ý rằng, nhập khẩu hàng tiêu dùng tại Mỹ đang có xu hướng đi xuống với mức giảm 4,3 tỉ đô la trong tháng 5, sau khi đã giảm 33 tỉ đô la vào tháng 4. Sự sụt giảm về đơn hàng nhập khẩu là chỉ báo đáng chú ý cho chu kỳ kinh tế phía trước.
Xu hướng này phản ánh nỗ lực kiểm soát hàng tồn kho trong bối cảnh thuế quan cao, nhưng cũng báo hiệu mức cầu nội địa yếu đi rõ rệt. Giới phân tích dự báo nhập khẩu tại Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong năm 2025 khi thuế quan chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và nền kinh tế tiếp tục chậm lại.
Một điểm mốc quan trọng cần theo dõi là ngày 9-7-2025, khi thời hạn tạm dừng 90 ngày đối với các mức thuế quan cao nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump kết thúc. Tình hình hiện vẫn chưa rõ ràng, khi các quan chức cho biết thời hạn này có thể bị trì hoãn do Mỹ và một số đối tác đang tiến gần đến việc đạt được các thỏa thuận.
Nếu các bên không sớm đạt được thỏa thuận hoặc việc hoãn áp thuế cao không được gia hạn, hàng hóa nhập khẩu mới sẽ chịu thuế suất cao hơn, khiến giá bán lẻ có thể nhảy vọt trong mùa mua sắm cuối năm. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, tình trạng lạm phát thấp trong mùa xuân chỉ là tạm thời, và sau khi doanh nghiệp bán hết lượng hàng tồn kho đã nhập khẩu trước khi áp thuế, giá cả sẽ chịu áp lực tăng mạnh hơn.
Những cảnh báo về đình lạm và suy thoái
Ông James Knightley, Chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ của ING, lưu ý rằng người tiêu dùng đang lo ngại về tác động của sự gia tăng giá cả lên khả năng chi tiêu, trong khi các mối lo về sức bền của thị trường lao động cũng đang ngày càng lớn hơn.
Theo FactSet, giới phân tích dự báo lợi nhuận của các công ty tiêu dùng tùy chọn trong nhóm S&P 500 trong quí 2-2025 sẽ giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một sự đảo ngược so với mức tăng 2,2% trong quí 1, phản ánh triển vọng lợi nhuận đang bị xói mòn.
Ở góc độ người tiêu dùng, chuyên gia Gregory Daco tại EY-Parthenon cảnh báo thu nhập khả dụng thực tế chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng từ mức 3% thường thấy trong năm 2024 xuống gần 1,5% trong những tháng tới và có thể xuống dưới mức 1% vào nửa cuối năm 2025.
Theo chuyên gia Gregory Daco, khi tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng tiệm cận 1%, nền kinh tế sẽ chịu sức ép từ nhiều phía: giá dầu, biến động thuế quan, lãi suất và biến cố thị trường chứng khoán, làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ giảm tốc sâu hơn hoặc trượt vào suy thoái.
Hiện các chuyên gia vẫn có quan điểm khác nhau về triển vọng kinh tế Mỹ. Một số nhà phân tích cảnh báo Mỹ có thể đối mặt với tình trạng đình lạm - kết hợp giữa tăng trưởng chậm và lạm phát dai dẳng - thay vì suy thoái điển hình. Tuy nhiên, xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2025 vẫn ở mức đáng kể, dao động từ 25-40% tùy mô hình và kịch bản. Các dữ liệu mới nhất vẫn chưa đảm bảo sẽ xảy ra suy thoái ngay lập tức, nhưng sự kết hợp giữa thu nhập giảm, chi tiêu yếu và các chỉ số tiêu cực khác đã gia tăng rủi ro và báo hiệu nhiều khó khăn kinh tế phía trước.
Theo CNBC, WSJ, CNN Business, CBS News, Reuters, Quartz, Firstpost