Áp lực vượt khó để tuân thủ ' luật chơi'!

Mặc dù EU là thị trường trọng điểm có tiềm năng lớn nhưng để vào được thị trường khó tính này, doanh nghiệp phải tự nâng cao công nghệ, đáp ứng truy xuất nguyên liệu và đảm bảo an toàn môi trường.

Các sản phẩm may mặc của Việt Nam phải tuân thủ quy định an toàn sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường để xuất khẩu sang EU. Ảnh: TTXVN

Các sản phẩm may mặc của Việt Nam phải tuân thủ quy định an toàn sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường để xuất khẩu sang EU. Ảnh: TTXVN

Thông tin về việc Liên minh châu Âu (EU) siết chặt những quy định an toàn sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng dệt may Việt Nam, đại diện các ngành hàng dệt may, da giày cho hay, đây là vấn đề không mới. Tuy nhiên, để vào được thị trường EU và những thị trường khó tính khác, bản thân doanh nghiệp phải tự nâng cao công nghệ, đáp ứng truy xuất nguyên liệu và đảm bảo an toàn môi trường.

*Tuân thủ "luật chơi"

EU vốn là thị trường truyền thống và trọng điểm của ngành dệt may, da giày. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), doanh nghiệp đã tận dụng tốt ưu đãi để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách (Lefaso), hàng hóa, đặc biệt là giày thể thao xuất khẩu vào thị trường này tăng trưởng đáng kể. Trong 5 tháng của năm 2022, xuất khẩu vào thị trường này đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cũng cho biết, để vào được thị trường EU, chất lượng sản phẩm đòi hỏi tính an toàn cao hơn các sản phẩm đi thị trường khác, do vậy, sự tuân thủ của doanh nghiệp cũng phải nâng lên. Tiếp theo là các quy định về thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt là chứng minh quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp cũng phải tham gia đào tạo, thực thi. Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, khi các sản phẩm xuất khẩu vào EU đòi hỏi các nhà máy đạt được các điều kiện về môi trường, an toàn lao động. Đạt được các tiêu chí đó khách hàng từ EU mới có thể nhập khẩu.

"Để đáp ứng các điều kiện đó thì doanh nghiệp cũng phải cải tiến, đổi mới chất lượng nhân lực, cũng như hệ thống cơ sở sản xuất, đặc biệt là sử dụng năng lượng sạch, công nghệ xanh mới đáp ứng được tiêu chuẩn của EU. Tiêu chí xuất xứ giày dép trong EVFTA khá giống với tiêu chí xuất xứ trong quy tắc xuất xứ mới của EU dành cho da giày Việt Nam nên doanh nghiệp đã quen và đáp ứng tốt", bà Thanh Xuân nói.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Công ty May Hưng Yên, thị trường châu Âu đã đưa ra các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu và điều kiện sản xuất. Những yêu cầu này là rất nghiêm ngặt. Các sản phẩm may mặc của Việt Nam đều phải đạt yêu cầu về thiết kế sinh thái để tăng độ bền, khả năng tái sử dụng, sửa chữa, tái chế. Do vậy, doanh nghiệp phải tuân thủ, từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất.

Để đảm bảo xuất khẩu sang thị trường EU, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt. Song theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị và có thể thích ứng được các quy định mới từ phía thị trường EU. Bởi với các doanh nghiệp lớn đã xuất khẩu sang EU, tuân thủ quy tắc trong EVFTA thì đã làm quen với những điều này. Chỉ những doanh nghiệp nhỏ, còn yếu về công nghệ và năng lực sản xuất đang gặp khó khăn.

*Vượt qua thách thức

Ngành da giày Việt Nam đã tận dụng khá tốt EVFTA để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngành da giày Việt Nam đã tận dụng khá tốt EVFTA để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh minh họa: TTXVN

Mặc dù doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị khá tốt, đáp ứng tiêu chuẩn và tận dụng EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, ngay từ khi EVFTA thực thi, ngành da giày tận dụng khá tốt hiệp định này. Trước đây kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt từ 25-28%, thì nay nâng lên 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. "Chúng tôi kỳ vọng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ mở rộng sản xuất để hướng vào thị trường EU, nhưng sẽ là rất khó", bà Xuân nói.

Thông tin từ ngành da giày cho hay, hiện sản xuất nguyên phụ liệu ngành này đã có sự mở rộng để đáp ứng xuất xứ và tạo giá trị gia tăng tốt hơn. Trước đây tỷ lệ nội địa hóa chỉ 45%, đến nay đã đạt hơn 55%, riêng giày vải, doanh nghiệp trong nước đã chủ động 100%, giày thể thao chủ động từ 70-80%.

Với doanh nghiệp đã xuất khẩu từ trước thì không gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng năng lực sản xuất và xuất khẩu, nhưng vấn đề là cần tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Khó khăn lớn nhất là yêu cầu về chất lượng sản quan đến tính an toàn của sản phẩm, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về an toàn khi xuất vào EU và điều này ảnh hưởng nhiều đến đầu tư công nghệ.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/2-nam-thuc-thi-evfta-bai-3-ap-luc-vuot-kho-de-tuan-thu-luat-choi/253145.html