Áp lực 'xanh hóa' ngành thép: Nỗ lực của riêng doanh nghiệp là chưa đủ

Trong bối cảnh doanh nghiệp ngành thép đứng trước áp lực lớn trong chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu của EU về đánh thuế carbon từ năm 2026, giới chuyên gia cho rằng, nỗ lực của riêng ngành này là chưa đủ, đòi hỏi sự chuyển động bao trùm liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Áp lực chuyển đổi xanh quá lớn

Ngành sản xuất thép trên toàn thế giới ước tính chiếm 7% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Hiện nay, các quy định về tính bền vững ngày càng chặt chẽ hơn, đặc biệt là giảm khí thải trong quá trình sản xuất.

Đơn cử Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo áp dụng chính sách Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với các nhà sản xuất xuất khẩu đến thị trường này, bao gồm cả sản phẩm thép. Chính sách sẽ được chính thức áp dụng từ tháng 1/2026.

Trước chuyển động mới của EU liên quan đến xu hướng giảm phát thải và phát triển bền vững, giữa tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) có thông báo lấy ý kiến doanh nghiệp thành viên về việc Liên minh châu Âu (EU) dự kiến áp dụng đầy đủ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) vào năm 2026.

Tại tọa đàm "Bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thép trong thế gọng kìm" diễn ra mới đây, ông Phạm Công Thảo - Phó Chủ tịch VSA đánh giá, việc giảm phát thải carbon là yêu cầu rất cấp thiết trên góc độ toàn cầu. Trong đó, các nước phát triển đi trước các nước khác. Họ đưa ra các mức thuế phát thải với hàng hóa nhập khẩu, nếu Việt Nam không kịp thời chuyển đổi xanh sẽ rất khó thâm nhập thị trường EU. Việc giảm phát thải với ngành thép rất quan trọng vì đây là một trong những ngành phát thải lớn. Bản thân ngành thép cũng đi trước và họ có thể thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khác nhau.

"Theo Hiệp hội Thép thế giới, ngành thép phát thải 79% lượng CO2 thải ra môi trường. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tức còn hơn 20 năm nữa. 20 năm cảm giác là dài nhưng với ngành thép thì không dài. Có thể nói, áp lực chuyển đổi xanh với ngành thép rất lớn, cần sự nỗ lực lớn", ông Thảo nhìn nhận.

Áp lực chuyển đổi xanh với ngành thép hiện nay rất lớn.

Áp lực chuyển đổi xanh với ngành thép hiện nay rất lớn.

Muốn chuyển đổi xanh phải có sự chuyển đổi rất lớn về công nghệ. Các nước phát triển đi trước vấn đề này trong khi Việt Nam mới chủ yếu là ứng dụng công nghệ nên áp lực chuyển đổi rất lớn và đòi hỏi tập trung nhiều vốn để chuyển đổi công nghệ cũ sang công nghệ mới.

Cũng theo ông Thảo, muốn chuyển đổi xanh phải có nguồn năng lượng xanh vì ngành thép sử dụng rất nhiều năng lượng như than hóa thạch, điện.

"Muốn xanh phải có điện xanh, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu khác, phải nhiều tầng nhiều lớp, phải xanh hóa từ đầu", Phó Chủ tịch VSA nêu.

Giảm phát thải carbon là câu chuyện dài và vấn đề lớn mang tính quốc gia. Bản thân ngành thép đã tổ chức nhiều hội thảo về chủ đề chuyển đổi xanh để thích ứng với xu hướng thị trường và phát triển bền vững. Mỗi doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi riêng.

Tuy vậy, theo ông Thảo, để đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh, ngành thép cần sự hỗ trợ từ Chính phủ trong xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư về công nghệ sản xuất xanh chẳng hạn. Có thể thông qua cơ chế về lãi suất, ưu đãi về nguồn vốn. Bản thân Chính phủ cũng cần hỗ trợ việc chuyển đổi nguồn năng lượng xanh sớm để từ đó thực hiện mục tiêu giảm phát thải.

Yêu cầu bắt buộc của thị trường

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, hiện nay, tùy từng thị trường sẽ có những bước tiến khác nhau trong việc áp dụng yêu cầu về chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Dù vậy, đây là xu hướng không thể đảo ngược.

"Tôi rất chia sẻ với khó khăn của ngành thép nhưng cũng rất mừng khi ngành đã nhận thức rõ về điều này, đã sẵn sàng cho câu chuyện chuyển đổi. Có điều cần thêm những nguồn lực, hỗ trợ từ góc độ chính sách để ngành và doanh nghiệp trong ngành làm tốt hơn", bà Trang nêu.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập lưu ý, từ góc độ xuất khẩu, một số thị trường không đợi mình sẵn sàng rồi mới áp dụng mà họ áp dụng cho sản phẩm của họ và tương ứng với đó họ áp dụng cho những sản phẩm nhập khẩu vào thị trường của họ.

Ví dụ, chương trình chuyển đổi xanh của EU nằm trong gói chính sách rất lớn là thỏa thuận xanh châu Âu. Gói thỏa thuận xanh châu Âu liên quan đến khoảng 6 nhóm lĩnh vực lớn, trong đó thuế biên giới carbon có lẽ là một trong khoảng hơn 100 chính sách cụ thể liên quan đến các góc độ khác nhau, có thể ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu. Song trước khi thực thi CBAM, EU đã thực hiện hệ thống thương mại giảm phát thải áp dụng cho doanh nghiệp nội địa của EU.

Để bảo đảm mức độ cạnh tranh tương đối giữa sản phẩm sắt thép trong nội địa, EU đã và đang phải áp dụng yêu cầu này với các sản phẩm thép nhập khẩu từ bên ngoài vào. Nếu doanh nghiệp Việt thực hiện được yêu cầu của EU về carbon tương đương với mức độ của EU, khi đó hàng hóa xuất khẩu vào EU sẽ không gặp trở ngại.

"Nói cách khác, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của từng thị trường cụ thể đối với các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam nói chung và sản phẩm thép nói riêng là yêu cầu bắt buộc. Tùy từng thị trường yêu cầu, tùy từng bước đi của thị trường có thể yêu cầu khác nhau nhưng đây là xu hướng không thể đảo ngược. Nếu chúng ta đi nhanh hơn, mạnh hơn và được các nước nhập khẩu công nhận thì có thể doanh nghiệp không gặp thêm rào cản. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đi nhanh quá có thể là đuối sức", bà Trang nhấn mạnh.

Cần sự chuyển đổi mang tính tổng thể

Từ phân tích này, theo chuyên gia, việc chuyển đổi xanh nói chung và giảm phát thải nói riêng không chỉ cần nỗ lực của doanh nghiệp ngành thép mà còn cần nỗ lực chung của cả một hệ thống. Chẳng hạn, với ngành thép, chuyển đổi năng lượng không theo kịp thì ngành thép không "xanh" theo được. Hay dệt may muốn chuyển đổi nhưng không có nguyên liệu, nhà máy xanh thì không thể tạo ra sản phẩm xanh.

"Nỗ lực của doanh nghiệp, của ngành là chưa đủ mà cần sự chuyển động mang tính tổng thể, bao trùm liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Việt Nam cần có những bước đi tổng thể với sự tham gia của nhiều ngành cùng lúc", chuyên gia chia sẻ.

Đồng ý với bà Trang về cách tiếp cận rộng hơn, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, cần chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng để phát triển ngành thép Việt Nam.

Trong chuyển đổi xanh, dù doanh nghiệp tự nhận thức được chuyển đổi xanh là cần thiết nhưng nếu để doanh nghiệp tự làm sẽ là thách thức lớn. Ngành thép không thể chủ động làm được tất cả những gì liên quan đến chuyển đổi xanh, chẳng hạn như chuyển đổi năng lượng, thay vào đó cần sự chủ động, hỗ trợ và vào cuộc của các bên liên quan.

Ngoài ra, cần huy động nguồn lực, sự tham gia của tất cả doanh nghiệp khu vực tư nhân, sự phối hợp giữa Nhà nước với tư nhân và biện pháp hỗ trợ phải theo cơ chế thị trường.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/ap-luc-xanh-hoa-nganh-thep-no-luc-cua-rieng-doanh-nghiep-la-chua-du/20240716112610943