Áp thấp ở Tây Thái Bình Dương phát triển, dự báo thành bão, đường đi thế nào?

Trong số 2 áp thấp đang hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, một áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, được dự báo sẽ trở thành bão rất mạnh trong tuần này. Đường đi của nó sẽ thế nào?

Cơ quan khí tượng Philippines (PAGASA) thông báo theo dõi 2 vùng áp thấp vào cuối tuần vừa rồi, dựa trên đó, nhiều trang tin và trang mạng xã hội ở nước ta đã viết rằng sắp có 2 cơn bão nối tiếp sau bão Yagi.

Đến sáng nay, 10/9, một trong 2 vùng áp thấp nói trên đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, ký hiệu là 14W.

Sáng nay, áp thấp nhiệt đới 14W ở cách đảo Guam khoảng 370 km về phía Đông Nam, sức gió mạnh nhất là 45 km/h, theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ.

Do có điều kiện môi trường thuận lợi với độ đứt gió thấp và nhiệt độ mặt nước biển trung bình hơn 30oC, 14W được dự báo sẽ mạnh lên đều đặn trong 3 ngày tới. Trong khoảng 5 ngày, nó sẽ trở thành bão rất mạnh với sức gió 185 km/h (cấp 16, một cơn bão có sức gió này thì tại nước ta sẽ gọi là siêu bão).

Vị trí và đường đi dự báo của áp thấp nhiệt đới 14W vào sáng nay, 10/9. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Vị trí và đường đi dự báo của áp thấp nhiệt đới 14W vào sáng nay, 10/9. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Sau khi thành bão, 14W có khả năng đi vào Biển Đông không?

Theo dự báo hiện tại của JTWC, 14W nhìn chung sẽ đi theo hướng Tây Bắc trong 5 ngày tới, về phía đảo Okinawa (Nhật Bản) và phía Đông của Trung Quốc.

Đáng chú ý là vùng áp thấp thứ hai mà PAGASA nói đến, hiện ký hiệu là 94W, sáng nay đang ở gần Quần đảo Miyako (Nhật Bản), mặc dù được dự báo là ít có khả năng thành bão, nhưng nếu nó chưa tan trong tuần này thì sẽ ở khá gần đường đi của 14W nên chưa thể biết 2 hệ thống tác động lẫn nhau thế nào.

Dự báo mưa ở một số tỉnh thành miền Bắc nước ta vào sáng mai, 11/9 (những vùng màu xanh da trời là mưa nhỏ đến vừa, màu đỏ là mưa vừa đến mưa to, màu vàng là mưa rất to). Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Dự báo mưa ở một số tỉnh thành miền Bắc nước ta vào sáng mai, 11/9 (những vùng màu xanh da trời là mưa nhỏ đến vừa, màu đỏ là mưa vừa đến mưa to, màu vàng là mưa rất to). Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Khi 14W phát triển thành bão, nó có thể được đặt tên là Bebinca. Theo dự báo chung hiện tại thì cơn bão này sẽ không đi vào Biển Đông, nhưng đường đi dự báo của nó có thể thay đổi vì dự báo bão đã là rất khó, mà dự báo càng xa thì độ chắc chắn càng giảm. Vì vậy, người dân lưu ý thường xuyên theo dõi các bản tin và thông báo của các cơ quan chức năng ở địa phương.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/ap-thap-o-tay-thai-binh-duong-phat-trien-du-bao-thanh-bao-duong-di-the-nao-post1671639.tpo