Áp thuế 5% với phân bón tác động thế nào đến doanh nghiệp trong ngành

MBS cho rằng việc áp thuế VAT đầu ra sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong năm 2025.

Ảnh minh họa: Đạm Phú Mỹ

Ảnh minh họa: Đạm Phú Mỹ

Theo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua trong phiên họp ngày 26/11 vừa qua, phân bón sẽ nằm trong nhóm mặt hàng chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%, kể từ tháng 7/2025.

Trước đó, theo Luật sửa đổi các Luật về thuế số 71/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, phân bón là mặt hàng không chịu thuế VAT đầu ra. Do không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đầu ra nhưng các nguyên liệu đầu vào vẫn chịu thuế suất từ 5% đến 10% nên các doanh nghiệp trong nước không được khấu trừ thuế VAT đầu vào.

Trong báo cáo phát hành ngay sau khi Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) được thông qua, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, việc không phải chịu thuế VAT đầu ra nhưng không được hoàn thuế đầu vào vừa ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, vừa tạo áp lực đến người tiêu dùng cuối cùng mà chủ yếu là nông dân, khiến họ chuyển sang sử dụng phân bón nhập khẩu với giá thành rẻ hơn. Hầu hết các loại phân bón nhập khẩu vào Việt Nam đều đã được khấu trừ thuế VAT tại quốc gia xuất khẩu trước đó, dẫn đến ngay cả khi chịu thuế nhập khẩu 5% (phân ure, phân lân), mặt bằng chung giá phân bón xuất khẩu vẫn thấp hơn giá phân bón tự sản xuất trong nước.

MBS cho rằng việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón 5% sẽ cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế VAT đầu vào, từ đó hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón, dao động từ 50% đến 80%. Các nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất phân bón tương đối đa dạng và chịu mức thuế suất thuế VAT từ 5% - 10%.

Khi mặt hàng phân bón không phải chịu thuế VAT đầu ra, giá trị VAT của các nguyên vật liệu đầu vào sẽ không được khấu trừ mà phải trích lập vào chi phí sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán để phản ánh các phần chi phí này và khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Ngược lại, khi mặt hàng phân bón chịu thuế VAT đầu ra là 5%, các khoản thuế VAT đầu vào sẽ được hoàn thuế và doanh nghiệp sẽ hưởng lợi do ghi nhận giảm chi phí so với các năm trước.

Tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu/tổng chi phí sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp phân bón.

Tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu/tổng chi phí sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp phân bón.

Theo đơn vị phân tích, về lý thuyết, áp thuế VAT sẽ khiến giá bán phân bón tăng, nhưng việc lợi nhuận được hỗ trợ sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm giá bán, từ đó tăng cạnh tranh với các sản phẩm phân bón nhập khẩu – vốn trước đây có lợi thế về giá thành so với phân bón sản xuất trong nước, và người tiêu dùng cuối cùng vẫn hưởng lợi. “Cần lưu ý rằng các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón không bị ảnh hưởng lớn bởi thay đổi luật thuế này do thuế suất đầu vào và đầu ra đều là 5%, lợi nhuận không thay đổi,” MBS lưu ý.

MBS cho rằng các doanh nghiệp sản xuất phân đơn (ure, lân) và phân DAP như Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM), DAP - Vinachem (DDV), Supe Lâm Thao (LAS) sẽ hưởng lợi từ thay đổi này do được hoàn thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất phân NPK gần như không hưởng lợi do các nguyên liệu đầu vào chính là phân đơn.

Trước bối cảnh công suất trong nước đã chững lại và giá phân bón không có nhiều động lực tăng rõ ràng trong năm tới, đơn vị phân tích nhận định việc áp thuế VAT đầu ra sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong năm 2025.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ap-thue-5-voi-phan-bon-tac-dong-the-nao-den-doanh-nghiep-trong-nganh-36066.html