Áp thuế tạm thời đường mía nhập khẩu từ Thái Lan: Ai được lợi?
Áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, được kỳ vọng là biện pháp 'đúng mức - đúng lúc - đúng luật' để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, giúp ngành mía đường Việt Nam có thể trụ vững và phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, “lỗ hổng” từ việc tách rời mức áp giá thuế chống bán phá giá ra làm 2 loại riêng biệt, đang tạo ra mối lo lớn về nguy cơ đẩy ngành mía đường nội địa vào tình thế khó khăn mới, loay hoay không tìm được chỗ đứng ngay trên sân nhà.
Thua trên sân nhà
Mấy năm trở lại đây, dưới tác động của đường nhập lậu tràn qua biên giới, chiếm lĩnh thị trường nội địa với giá rẻ khiến đường trong nước ''sống dở, chết dở''. Tại thị trường trong nước, đường nội hoàn toàn không cạnh tranh được với đường ngoại, lượng đường tồn kho luôn cao. Càng đầu tư càng lỗ, hàng loạt doanh nghiệp ngầm ngùi rời bỏ thị trường, diện tích trồng mía của người dân vì thế cũng ngày càng thu hẹp, ngành mía đường Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) ước tính sản lượng đường của vụ 2020 - 2021 chỉ còn khoảng trên dưới 550.000 tấn, sản lượng mía đường vụ mía 2020 - 2021 thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước hàng năm vào khoảng 1,8 triệu tấn dẫn đến việc nhập khẩu đường (kể cả nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu) quá nhiều từ Thái Lan.
Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2020, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường, bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và mức thuế chỉ 5%. Ngay lập tức, bằng đường chính ngạch, một khối lượng đường kỷ lục đã tràn vào thị trường Việt Nam, khiến hàng sản xuất trong nước vốn đã khó khăn lại càng thêm điêu đứng.
Dưới sức ép cạnh tranh lớn chưa từng có, mía đường Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi cuộc đua "đòi công bằng". Cụ thể, tháng 8/2020, Bộ Công thương nhận được phản ánh của đại diện ngành sản xuất đường mía trong nước, gồm 6 doanh nghiệp (là Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, Công ty cổ phần Mía đường 333 và Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng) về việc sản phẩm đường xuất xứ Thái Lan bán phá giá khi "qua cửa" Việt Nam dưới cả hình thức chính ngạch và nhập lậu, cạnh tranh không sòng phẳng dù trước hay sau gia nhập ATIGA.
Theo đó, 6 doanh nghiệp này là bên yêu cầu, đề nghị Cơ quan điều tra - Bộ Công thương áp dụng biện pháp CBPG và thuế CTC đối với một số sản phẩm đường mía có các mã HS 1701.13.00 , 1701.14.00 và 1701.99.10 (Hàng hóa bị điều tra) có xuất xứ từ Thái Lan, với đề xuất CBPG ở mức 37,9 %. Ngày 21/9/2020, Bộ trưởng Bộ Công thương chính thức ký Quyết định số 2466/QĐ-BC về việc "Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan".
Tuy nhiên, khi cuộc điều tra đang diễn ra thì ghi nhận cho thấy, 3 tháng cuối năm 2020, đường Thái Lan nhập vào Việt Nam vẫn cao ngất ngưởng với số lượng hơn 378,7 nghìn tấn. Theo VSSA, trong năm 2020, có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh, lên tới gần 1,33 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Đường nội không được hưởng lợi
Thế nhưng, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp CBPG và thuế CTC tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Theo đó, Quyết định số 477/QĐ-BCT lại được tách ra làm hai loại, với đường tinh luyện và các loại đường mía khác không phải đường thô là 44,23 % và mức thuế chống trợ cấp tạm thời là 4,65 % (tổng cộng là 48,88 %); đường thô được áp thuế CBPD tạm thời là 29,23 % và mức thuế CTC tạm thời là 4,65 % (tổng cộng là 33,88 %).
Xoay quanh 2 quyết định nói trên của Bộ Công Thương, trao đổi với PV báo Kinh tế và Đô thị, một chuyên gia trong lĩnh vực mía đường phân tích, thực tế trong Quyết định số 2466/QĐ-BCT thì đề xuất về mức thuế của bên yêu cầu với loại hàng hóa bị điều tra ở mức 37,9% nhưng tại Quyết định số 477/QĐ-BCT lại được tách ra làm 2 loại với 44,23% đường tinh luyện và đường thô là 29,23% (chênh lệch 15%). Với mức chênh lệch này, khi nhập đường thô từ Thái Lan để tinh luyện sẽ rẻ hơn khoảng 1.500 đồng/kg so với nhập đường tinh luyện. Do đó, việc tách rời mức áp giá thuế CBPG là không phù hợp và doanh nghiệp sẽ chuyển hướng chỉ nhập khẩu đường thô.
“Kẽ hở này chính là cơ hội để một số ít doanh nghiệp "lớn" có "quota" nhập khẩu mía đường tận dụng tiếp tục đẩy mạnh việc nhập khẩu đường thô giá rẻ từ Thái Lan về bán trong nước. Và như vậy, ngành mía đường Việt Nam vốn đang “hấp hối” có thể “chết tức tưởi” bất cứ lúc nào”, vị này nói.
Cũng theo vị này, những biện pháp phòng vệ thương mại được Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá đường, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam, nhưng cuối cùng, nhiều doanh nghiệp sản xuất đường trong nước và người nông dân trồng mía lại không được hưởng lợi từ chính sách này.
Mỗi chính sách khi ban hành đều đem lại những lợi ích và tiềm ẩn nhiều bất cập. Vì thế, thiết nghĩ, Bộ Công Thương cần xác định một mức thuế CBPG hợp lý giữa đường thô và đường tinh luyện để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, ổn định thị trường và tái lập môi trường cạnh tranh công bằng.