Áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho đồ uống có đường: Nhiều băn khoăn

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát (NGK) có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.

Nước giải khát có đường thêm thuế: Liệu có thay đổi được hành vi?

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý có nội dung bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhiều cuộc hội thảo cũng như tọa đàm để góp ý cho dự thảo Luật này đã được tổ chức. Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, đề xuất đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát cần phải cân nhắc thật kỹ.

Ngành NGK có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị

Ngành NGK có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị

PGS.BS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia -cho biết, mặc dù tỷ lệ thừa cân béo phì trong thời gian qua có chiều hướng tăng nhưng Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp trong khu vực châu Á và trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022, Việt Nam nằm trong vùng xanh khi nói đến tỷ lệ dân số thừa cân béo phí và Việt Nam có tỷ lệ thấp nhất trong 10 nước Đông Nam Á.

Thừa cân, béo phì (TCBP) được gây ra bởi nhiều yếu tố, bao gồm việc nạp quá nhiều thức ăn vào cơ thể và thiếu hụt các hoạt động thể chất. Nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính gây nên tình trạng TCBP tại Việt Nam. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tài liệu chuyên môn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì của Bộ Y tế năm 2022 đã chỉ ra rằng béo phì do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng bao gồm các thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, đường, muối và không đủ chất xơ; thiếu hoạt động thể chất, lười vận động. Ngoài ra còn các nguyên nhân di truyền, nội tiết.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Lâm, cũng bày tỏ quan điểm: Hiện chưa có đủ cơ sở khoa học cũng như nghiên cứu cho thấy nguyên nhân trực tiếp của TCBP là nước giải khát có đường. Ngoài ra, nếu căn cứ vào Tiêu Chuẩn Việt Nam (TCVN) thì ngay cả những sản phẩm nước uống thể thao, nước điện giải, nước có chứa trái cây tốt cho sức khỏe đều bị đưa vào phạm vi đánh thuế. Đây là những sản phẩm cần thiết để bù khoáng, bù muối và bổ sung vitamin cho người dùng, đặc biệt là người vận động thể thao, vì sao lại muốn thay đổi hành vi và hạn chế người dùng tiêu thụ cả những sản phẩm này?

Cần có đánh giá tác động về thu ngân sách

Theo Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự luật thuế sửa đổi liên quan đến sản phẩm đồ uống có đường ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thực hiện năm 2018 ( cập nhật năm 2021) thì việc áp dụng thuế TTĐB đối với NGK có đường sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất NGK thiệt hại khoảng 3.664 tỷ đồng, trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 1.525,9 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành NGK có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị dẫn tới ảnh hưởng với quy mô gấp 6-9 lần, ảnh hưởng đến 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm, gây tác động đến hàng chục ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Đánh thuế TTĐB đối với NGK có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chia sẻ rằng kết quả nghiên cứu cho thấy việc áp dụng sắc thuế có tác động, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động, thu ngân sách quốc gia, trong khi không phải là giải pháp hiệu quả để đạt mục tiêu giảm tình trạng thừa cân béo phì. Các chỉ số kinh tế như tổng giả trị tăng thêm (GVA), GDP, thu nhập người lao động, thặng dư sản xuất, lao động, thu ngân sách qua thuế gián thu đều bị ảnh hướng tiêu cực. Đó là chưa kể đến việc đánh thuế nước giải khát có đường sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành mía đường của Việt Nam do đường sản xuất bởi các nhà máy địa phương là nguyên liệu đầu vào cho ngành thực phẩm và giải khát trong nước. Việc đánh thuế sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của hàng trăm nghìn hộ gia đình trồng mía.

Ông Đỗ Thái Vương, Phó Tổng Giám đốc Suntory PepsiCo Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc VBA, chia sẻ: "Việc áp thuế TTĐB vào cho các sản phẩm NGK theo tiêu chuẩn TCVN chưa đủ đánh giá để thấy được hiệu quả đối với mục tiêu sức khỏe nhân dân và tăng thu ngân sách. Các sản phẩm thực phẩm và đồ uống khác chứa hàm lượng đường thậm chí còn nhiều hơn so với nước giải khát thì lại chưa được tính toán để đưa vào chịu thuế TTĐB, dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của nhà nước."

H.H

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ap-thue-tieu-thu-dac-biet-cho-do-uong-co-duong-nhieu-ban-khoan-10286891.html