Áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường có làm giảm tình trạng thừa cân, béo phì?
Bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được cho là giải pháp giảm thừa cân, béo phì, nhưng chưa có bằng chứng khoa học về mối liên hệ này.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học "Các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam: Nguyên nhân và khuyến nghị các giải pháp phòng chống” do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam tổ chức sáng 9/4, tại Hà Nội.
Nước giải khát có đường không phải là tác nhân chính của các bệnh thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm là vấn đề sức khỏe đáng quan tâm và hiện đang có xu hướng tăng tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân, béo phì đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tiêu thụ các thực phẩm quá nhiều năng lượng, giàu chất béo, lười vận động, hoặc các nguyên nhân di truyền, nội tiết.
PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho biết, thừa cân, béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Không có đủ bằng chứng khoa học thuyết phục để kết luận đồ uống có đường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thừa cân, béo phì tại Việt Nam. Bởi có quá nhiều các loại thực phẩm có chứa đường trên thị trường và mức tiêu thụ của các loại thực phẩm này còn nhiều hơn so với nước ngọt. Mức tiêu thụ thường xuyên bánh, kẹo ở học sinh là 51,1% ở thành thị và 56,4% ở nông thôn, trong khi nước ngọt chỉ là 16,1% ở thành thị và 21,6% ở nông thôn.
Hơn nữa, cũng có nhiều các loại nước uống đường phố có chứa đường, nên nếu đánh thuế đối với nước ngọt sẽ chỉ làm giảm tiêu thụ các loại nước uống được sản xuất và lưu thông hợp pháp trên thị trường, trong khi đó người tiêu dùng vẫn tiếp tục và có thể chuyển sang các loại nước uống đường phố vốn không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế.
Việc ít vận động thể lực và thời gian tĩnh tại nhiều lại có đóng góp đáng kể vào tình trạng gia tăng thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường. Tại Việt Nam, có khoảng 86,3% thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 11 đến 17 thiếu hoạt động thể chất.
Nghiên cứu SEANUTS (Viện Dinh dưỡng) cũng chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ em từ 6 - 11 tuổi ở khu vực thành thị đạt mức khuyến nghị về hoạt động thể lực chỉ là 32,5% trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 59,9%. Thời gian tĩnh tại trong ngày của lứa tuổi học sinh chủ yếu là dành cho mạng xã hội (95,9%); game, máy tính, điện thoại (76,3%); làm máy tính (60,2%).
Cần có sự đánh giá toàn diện
Trong phần thảo luận về tính hữu hiệu của công cụ thuế đối với việc cải thiện sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Văn Phụng - Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – nêu quan điểm, việc áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường không giúp tăng ngân sách nhà nước mà còn có thể gây nên những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.
Cụ thể, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 10% với nhóm ngành nước giải khát dự báo sẽ dẫn tới tăng chi phí bán lẻ, giảm sản lượng, tăng hiện tượng buôn lậu, giảm thu nhập người lao động, và tác động đến GDP.
Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện vào năm 2018 cập nhật năm 2021, nếu bổ sung nhóm ngành nước giải khát vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% và nâng thuế giá trị gia tăng thêm 2% với mặt hàng này thì doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát sẽ giảm khoảng 3.664 tỷ đồng, trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước đạt 1.525,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường, … và cả nền kinh tế nói chung.
Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.
Ngoài ra, sắc thuế cũng gây ra hệ lụy tác động tiêu cực đến hơn 300.000 lao động trong ngành công nghiệp nước giải khát, ảnh hưởng tới 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với một triệu hộ kinh doanh sản phẩm. Việc đánh thuế nước giải khát có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã từng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì vẫn tiếp tục gia tăng đều qua các năm.
Đơn cử, Chile đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường từ năm 2014 nhưng đến năm 2016 - 2017 tỷ lệ thừa cân béo phì tại nước này vẫn gia tăng liên tục. Đan Mạch, Na Uy đã bãi bỏ chính sách thuế này vì không có tác động đáng kể đến sức khỏe của người dùng trong khi gây ra các tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội.
Một số điển hình các quốc gia thành công trong việc kiểm soát thừa cân, béo phì mà không sử dụng công cụ thuế là Nhật Bản, Singapore hay Đức. Ví dụ, tại Nhật mặc dù có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (116kg/người/ năm) nhưng tỷ lệ béo phì ở quốc gia này chỉ 3,5%. Nhật Bản đã xây dựng hai bộ luật Shuku Iku và Metabo, trong đó quy định quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học và thực hiện các bài giảng về dinh dưỡng cho học sinh. Bộ luật này cũng yêu cầu các công ty phải có thời gian nghỉ giữa giờ để nhân viên tập thể dục, đồng thời khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động thể chất sau giờ làm việc.
Mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng nhanh về số người béo phì trong thời gian gần đây nhưng xét về tỷ lệ dân số thì số người thừa cân, béo phì ở Việt Nam vẫn thấp nhất so với khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm - Đại học Y Hà Nội – nhận định, chuyển tiếp dinh dưỡng đang diễn ra tại Việt Nam. Các yếu tố bao gồm tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa, thay đổi sản xuất và thương mại lương thực, sự thay đổi nguồn thực phẩm cung cấp, thay đổi sở thích và thực phẩm từ các nền văn hóa khác nhau đang tạo ra sự thay đổi trong hệ thống thực phẩm.
Việt Nam tồn tại gánh nặng kép về suy dinh dưỡng bao gồm cả tình trạng thiếu và thừa dinh dưỡng. Các yếu tố quyết định của hệ thống thực phẩm đối với việc thay đổi chế độ ăn uống và kết quả về tình trạng dinh dưỡng cần phải được thừa nhận, hiểu rõ và giải quyết trong nhiều lĩnh vực chính sách tại Việt Nam. Do đó, các ngành, các cấp cần nhận thức về trách nhiệm trong việc truyền thông, giáo dục dinh dưỡng hợp lý, duy trì lối sống lành mạnh để dự phòng bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra đề xuất với cơ quan quản lý thị trường và an toàn thực phẩm cần giám sát và quản lý việc thực hiện dán nhãn dinh dưỡng một cách chặt chẽ. Các loại thực phẩm đều phải có nhãn dinh dưỡng với các nội dung theo qui định mới được lưu hành trên thị trường. Ngoài ra, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và giới hạn các loại thực phẩm, đồ uống đường phố hiện đang không đảm bảo về dinh dưỡng và vệ sinh, an toàn thực phẩm.