APEC 2023: Kỳ vọng thương chiến Mỹ - Trung giảm nhiệt

Một sự kỳ vọng lớn ở kỳ thượng đỉnh APEC lần này là thương chiến Mỹ - Trung sau nhiều năm căng thẳng có thể hạ nhiệt để hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.

Các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang tập trung ở TP San Francisco, bang California (Mỹ) tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023. Kỳ thượng đỉnh APEC lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang rất khó khăn với hàng loạt khủng hoảng: hậu đại dịch COVID-19, lạm phát tăng, lãi suất cao, xung đột Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas…

Trước khi các khủng hoảng trên xuất hiện, kinh tế thế giới đã phải chịu tác động không nhỏ từ cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ), hai nền kinh tế lớn nhất và nhì thế giới. Với bối cảnh khó khăn hiện nay, một trong những kỳ vọng lớn ở kỳ thượng đỉnh APEC lần này là thương chiến Mỹ - Trung có thể hạ nhiệt để hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu, hãng tin AP dẫn ý kiến của nhiều nhà quan sát.

Thương chiến Mỹ - Trung kéo dài đã năm năm

Mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung xấu đi trong nhiều năm trước khi bùng nổ thương chiến vào năm 2018, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính quyền ông Trump cáo buộc rằng TQ đã vi phạm các cam kết mà nước này đưa ra khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, nhằm mở cửa thị trường rộng thêm cho các công ty nước ngoài làm ăn ở TQ.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 ở Indonesia hồi tháng 11-2022. Sự chú ý đang dồn vào cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới bên lề APEC 2023. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 ở Indonesia hồi tháng 11-2022. Sự chú ý đang dồn vào cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới bên lề APEC 2023. Ảnh: AP

Năm 2018, chính quyền ông Trump bắt đầu áp thuế lên hàng nhập khẩu của TQ để trừng phạt những hành động của TQ mà phía Mỹ cho là nhằm thay thế ưu thế công nghệ của Mỹ, trong đó có việc TQ yêu cầu các công ty nước ngoài phải giao nộp bí mật thương mại như cái giá để được tiếp cận thị trường nước này. TQ cũng đáp trả bằng cách áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ vào năm 2021, ông Joe Biden vẫn giữ nguyên phần lớn chính sách thương mại mang tính đối đầu từ thời người tiền nhiệm Trump, bao gồm cả thuế quan đối với TQ. Thuế suất của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ TQ hiện hơn 19%, so với 3% vào đầu năm 2018, trước khi chính quyền ông Trump áp đặt thuế quan. Tương tự, thuế nhập khẩu của TQ đối với hàng hóa Mỹ lên tới 21%, so với mức 8% trước khi thương chiến hai nước bắt đầu, theo tính toán của nhà nghiên cứu Chad Bown thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson (một tổ chức tư vấn của Mỹ).

Trước sự kéo dài của thương chiến Mỹ - Trung, nhiều nhà quan sát đã đề cập sự “tách rời” của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau nhiều thập niên phụ thuộc sâu sắc vào nhau về thương mại. Nhập khẩu hàng hóa TQ vào Mỹ đã giảm 24% tính đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm 2022.

Mỹ, Trung Quốc sẽ hòa hoãn thương mại?

Năm năm thương chiến Mỹ - Trung không chỉ làm khó cho hai nước mà phần còn lại của thế giới cũng phải chịu thiệt hại. Sự rạn nứt giữa Bắc Kinh và Washington (gộp lại sản xuất hơn 40% hàng hóa và dịch vụ của thế giới) đã đẩy nhiều nước vào tình thế khó khăn, khi các nước đều muốn hợp tác kinh doanh với cả hai nước.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng sự “phân mảnh” kinh tế như vậy đang gây tổn hại cho thế giới. IMF ước tính 7.400 tỉ USD sẽ bị bốc hơi khỏi sản lượng kinh tế toàn cầu một khi thế giới phải điều chỉnh theo các rào cản thương mại cao hơn từ thương chiến Mỹ - Trung.

Việc ông Tập tuyên bố chấm dứt chính sách zero-COVID là một tín hiệu tích cực và “chúng ta phải cho khả năng đó một cơ hội…, đó là điều tôi hy vọng sẽ thấy được từ kỳ hội nghị này (APEC 2023).

Hạ nghị sĩ Dân chủ Raja Krishnamoorthi, thành viên Ủy ban đặc biệt của Hạ viện Mỹ về cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và TQ

Số rào cản đó đang gia tăng. Theo IMF, năm ngoái, các nước đã áp đặt gần 3.000 hạn chế mới đối với thương mại, tăng từ mức dưới 1.000 trong năm 2019. IMF dự đoán thương mại quốc tế chỉ tăng 0,9% trong năm nay và tăng 3,5% vào năm 2024 - giảm mạnh so với mức trung bình hằng năm giai đoạn 2000-2019 là 4,9%.

Theo GS Eswar Prasad, chuyên gia cấp cao về chính sách thương mại tại ĐH Cornell (Mỹ), ở thời điểm khủng hoảng này, việc hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đối đầu nhau “làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của nhiều cú sốc địa chính trị khác nhau vốn đã tấn công nền kinh tế thế giới”.

Nói cách khác, nền kinh tế thế giới chắc chắn có thể được hưởng lợi nếu Mỹ và TQ hòa hoãn thương chiến. Đang có nhiều kỳ vọng rằng Washington và Bắc Kinh ít nhất có thể hạ nhiệt một số căng thẳng kinh tế tại kỳ thượng đỉnh APEC này.

Phía Mỹ khẳng định không cố gắng làm suy yếu nền kinh tế TQ. Gặp Phó Thủ tướng TQ Hà Lập Phong tại TP San Francisco ngày 10-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rõ rằng “mong muốn chung của chúng tôi - cả TQ và Mỹ - là tạo ra một sân chơi bình đẳng và các mối quan hệ kinh tế đang diễn ra, có ý nghĩa và cùng có lợi”.

Phía TQ cũng có lý do để cố gắng khôi phục hợp tác kinh tế với Mỹ, theo nhiều nhà quan sát. Nền kinh tế TQ đang chịu áp lực từ khó khăn ở thị trường bất động sản, tỉ lệ thất nghiệp, chỉ số tiêu dùng thấp. Cùng với đó là làn sóng bất an từ các doanh nghiệp nước ngoài và nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, trong nội bộ Mỹ vẫn có ý kiến phải rắn với TQ về thương mại. Trả lời phỏng vấn đài Fox News ngày 12-11, Thượng nghị sĩ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cho rằng Mỹ phải tiếp tục gây áp lực lên TQ về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh trong khu vực.

Hiện sự chú ý đang dồn vào cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào ngày 15-11 tại bang California. Tuy nhiên, sau khi đánh giá tình hình, GS Prasad không lạc quan lắm về kết quả sau cuộc gặp, mà chỉ kỳ vọng “ngăn chặn bất kỳ sự xấu đi nào nữa trong mối quan hệ kinh tế song phương sẽ là một chiến thắng cho cả hai bên”.•

Thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng hơn thời ông Biden?

Ở khía cạnh nào đó, căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung thậm chí còn cao hơn dưới thời ông Biden so với dưới thời ông Trump, theo AP.

Một trong những nguyên lý trong chính sách kinh tế của chính quyền ông Biden là giảm sự phụ thuộc kinh tế của Mỹ vào các nhà máy TQ, vốn đang bị căng thẳng khi dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời củng cố mối quan hệ đối tác với các quốc gia châu Á khác. Mỹ năm ngoái đã xây dựng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với 14 quốc gia, như một phần của chính sách đó.

TQ bất mãn quyết định của chính quyền ông Biden là áp đặt và mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn TQ mua chip máy tính tiên tiến và thiết bị để sản xuất chúng.

Hồi tháng 8, TQ đã có phản ứng bằng các biện pháp hạn chế thương mại như yêu cầu các nhà xuất khẩu gali và gecmani - những kim loại được sử dụng trong chip máy tính và pin mặt trời của TQ phải có giấy phép của chính phủ mới được xuất những kim loại đó ra nước ngoài. Trong năm 2023, TQ cũng có những hành động mạnh với nhiều công ty Mỹ làm ăn ở nước này, như khám xét các văn phòng của các công ty tư vấn Capvision và Mintz Group, thẩm vấn các nhân viên Công ty tư vấn quản lý Bain & Co. ở Thượng Hải, công bố đánh giá an ninh của nhà sản xuất chip Micron.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/apec-2023-ky-vong-thuong-chien-my-trung-giam-nhiet-post761382.html