APEC quan ngại cuộc chiến ở Ukraine, thống nhất hợp tác phục hồi kinh tế hậu đại dịch

Tuyên bố chung của lãnh đạo các nền kinh tế APEC bày tỏ quan ngại về cuộc chiến Nga-Ukraine, cam kết thực hiện Tuyên bố Putrajaya, hợp tác phục hồi kinh tế hậu COVID-19, thông qua Mục tiêu Bangkok.

Ngày 19-11, các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã ra tuyên bố chung sau hai ngày hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào ngày 18 và ngày 19-11.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo APEC 2022 được đăng trên trang web APEC 2022 Thái Lan gồm 23 điểm, bao gồm những thách thức, nỗ lực chung và cam kết của các nền kinh tế APEC trong bối cảnh quốc tế hiện tại.

Cụ thể, lãnh đạo các nền kinh tế APEC tiếp tục triển khai Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2049, bao gồm Kế hoạch Hành động Aotearoa.

Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quan ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu, thừa nhận APEC không phải là diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh, nhưng các vấn đề an ninh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Theo tuyên bố chung, hầu hết các thành viên lên án cực lực cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng cuộc chiến “gây đau khổ cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có của nền kinh tế toàn cầu - kìm hãm tăng trưởng, gia tăng lạm phát, phá vỡ chuỗi cung ứng, làm gia tăng mất an ninh lương thực và năng lượng và làm tăng rủi ro ổn định tài chính”.

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC trong kỳ hội nghị thượng đỉnh tại Bangkok hôm 18-11. Ảnh: ANTARA/HO-APEC SECRETARIAT

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC trong kỳ hội nghị thượng đỉnh tại Bangkok hôm 18-11. Ảnh: ANTARA/HO-APEC SECRETARIAT

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết hiện thực hóa Tuyên bố Putrajaya về một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040, thúc đẩy các nỗ lực nhằm củng cố vai trò lãnh đạo và vị thế của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, là vườn ươm ý tưởng hiện đại, hiệu quả và năng suất.

Để đạt được sự phục hồi kinh tế sau COVID-19, ưu tiên của các nền kinh tế APEC là thúc đẩy cải cách cơ cấu tập trung vào tăng trưởng. Điều này bao gồm thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các công ty mới thành lập, đồng thời hợp tác để cải thiện cơ hội cho các doanh nghiệp này cạnh tranh, chuyên môn hóa, đổi mới và mở rộng ra thị trường quốc tế .

Các lãnh đạo APEC cũng nhận thấy sức mạnh của chuyển đổi số trong việc tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu các rào cản đối với thương mại cũng như thúc đẩy tăng trưởng theo cấp số nhân. Do đó, các nhà lãnh đạo khuyến khích APEC tạo ra nhiều sáng kiến hợp tác hiện đại và toàn diện về kinh tế số.

Lãnh đạo APEC tán thành các Mục tiêu Bangkok đối với mô hình kinh tế Sinh học – Tuần hoàn – Xanh (BCG) như một khuôn khổ toàn diện để thúc đẩy các mục tiêu bền vững của APEC. Các nền kinh tế APEC thống nhất sẽ thúc đẩy các Mục tiêu Bangkok một cách mạnh mẽ, nhanh chóng và toàn diện, dựa trên các cam kết và quy trình làm việc hiện có cũng như xem xét các cam kết và kế hoạch mới.

Với chủ đề APEC 2022 là “Mở. Kết nối. Cân bằng”, lãnh đạo các nền kinh tế APEC thúc đẩy công việc thông qua ba ưu tiên là cởi mở với mọi cơ hội, kết nối ở mọi chiều kích và cân bằng ở mọi khía cạnh, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đổi mới và toàn diện trong dài hạn cũng như các mục tiêu bền vững ở châu Á- Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung khép lại bằng lời cảm ơn Thái Lan đã đăng cai tổ chức APEC vào năm 2022, đồng thời mong chờ vào APEC 2023 do Mỹ tổ chức và hoan nghênh Peru và Hàn Quốc lần lượt là chủ nhà của APEC 2024 và 2025.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/apec-quan-ngai-cuoc-chien-o-ukraine-thong-nhat-hop-tac-phuc-hoi-kinh-te-hau-dai-dich-post708515.html