App giao đồ ăn cũng làm AI

Khi lĩnh vực giao đồ ăn ngày càng cạnh tranh khốc liệt, ứng dụng ShopeeFood mới đây đã tuyên bố đẩy mạnh cuộc đua đầu tư trí tuệ nhân tạo để thu hút người dùng và nhà bán hàng.

 Mảng giao đồ ăn đang là sân chơi của ShopeeFood và GrabFood. Ảnh: Nhật Sinh.

Mảng giao đồ ăn đang là sân chơi của ShopeeFood và GrabFood. Ảnh: Nhật Sinh.

Tại một sự kiện mới đây, ứng dụng giao đồ ăn ShopeeFood tuyên bố đang đầu tư nghiên cứu và phát triển các tính năng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên Knowledge Graph trong quy trình đặt món của người dùng.

“Việc ứng dụng AI giúp ShopeeFood hiểu và đánh giá chính xác hơn sở thích cũng như sự thay đổi nhu cầu và thói quen ăn uống hàng ngày của khách hàng, từ đó đưa ra những gợi ý phù hợp nhất giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi và tăng trưởng doanh thu cho nhà bán hàng với tỷ lệ dự đoán chính xác đạt con số gần như tuyệt đối”, đại diện nền tảng cho biết.

Kỳ vọng là cú hích doanh thu

Knowledge Graph được giới thiệu như một mạng lưới kết nối thông tin, dữ liệu về đặc điểm, hành vi mua sắm của người dùng, nhà bán hàng, kết hợp với các yếu tố ngoại cảnh (văn hóa ẩm thực vùng miền, từ ngữ địa phương...), từ đó xác định các mối liên kết quan trọng và xây dựng cấu trúc dữ liệu để AI sử dụng trong quá trình cá nhân hóa trải nghiệm người dùng.

Để có thể đưa ra những gợi ý phù hợp với sở thích và thói quen, hệ thống sẽ phân tích hồ sơ cá nhân của người dùng, nhờ đó hiểu rõ người dùng là ai, thói quen sinh hoạt, ăn uống, mua sắm, du lịch là gì và giải đáp thói quen tiêu dùng trước những thay đổi của kinh tế - xã hội.

Việc xây dựng mô hình xử lý ngôn ngữ có thể nhận diện các từ khóa khác nhau có cùng một ý nghĩa (như cải cúc và tần ô, nấm mèo và mộc nhĩ) cũng giúp ShopeeFood đề xuất cụ thể hơn thông tin sản phẩm mà người dùng mong muốn ở từng địa phương khác nhau.

 Việc áp dụng công nghệ AI được kỳ vọng giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng của nhà bán hàng. Ảnh: T.L.

Việc áp dụng công nghệ AI được kỳ vọng giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng của nhà bán hàng. Ảnh: T.L.

Các gợi ý tới người dùng được đưa ra thông qua các yếu tố như thời gian, địa điểm, thời tiết, đặc điểm nhân khẩu học hay hành vi.

Ví dụ, nếu người dùng có thói quen ăn uống lành mạnh, không sử dụng các chất tạo ngọt, hạn chế thức ăn dầu mỡ nhưng quyết định phá bỏ ngoại lệ bằng một bữa ăn nhanh với gà rán, hamburger, ứng dụng sẽ đề xuất các món đi kèm như nước ép hay trà hỗ trợ tiêu hóa.

Tại sự kiện, ông Michael Lin, Tổng giám đốc Pizza Hut Việt Nam, chia sẻ công nghệ mới đã cải thiện hoạt động kinh doanh của hệ thống. Số lượng đơn hàng đặt qua ứng dụng lẫn doanh thu đều tăng trưởng ở mức trên 40%, tỷ lệ người dùng bỏ sản phẩm vào giỏ hàng cũng tăng gần gấp đôi.

Đại diện Pizza Hut Việt Nam cho biết thêm việc nền tảng áp dụng thuật toán tự động để tính toán khả năng vận hành, kiểm soát số lượng tồn kho cũng giúp tỷ lệ đơn hàng bị hủy giảm 2 con số.

Tại thị trường Việt Nam, mảng giao đồ ăn đang là sân chơi riêng của ShopeeFood và GrabFood. Theo thống kê của iPOS, ShopeeFood đang dẫn đầu tỷ lệ được nhà hàng lựa chọn với gần 43%. Đối thủ GrabFood đứng kế sau với gần 41%.

Với Grab, hãng cũng đang triển khai tính năng bản đồ nhiệt, ứng dụng mô hình AI về các dữ liệu trong quá khứ và thông tin theo thời gian giúp đối tác tài xế nhận diện những khu vực có nhu cầu cao và biết thời gian trung bình để nhận một cuốc xe ở từng khu vực, tăng khả năng nhận chuyến.

Các ứng dụng đẩy mạnh đầu tư cho AI

ShopeeFood hay Grab không phải là những ứng dụng giao đồ ăn đầu tiên đưa AI vào hoạt động vận hành. Trên thực tế, một số nền tảng lớn trên thế giới như Uber Eats hay DoorDash đã áp dụng công nghệ này trong quá trình chọn đồ hay chăm sóc khách hàng, phổ biến nhất là trợ lý ảo AI.

Với Uber Eats, hãng sử dụng tính năng trợ lý ảo nhằm đề xuất bữa ăn, lên ý tưởng bữa ăn cho các khách hàng hoặc tìm kiếm các ưu đãi, bữa ăn có giá thành hợp lý.

Thậm chí, người dùng có thể đưa ra những yêu cầu cụ thể cho AI như tìm món bánh có giá dưới 20 USD có thể giao trong thời gian 30 phút, hay ghi nhớ các đơn hàng trong quá khứ để đặt lại. Các yêu cầu đơn giản như tìm ưu đãi mua 1 tặng 1 cũng được trợ lý ảo hoàn thành dễ dàng.

Hiện trợ lý AI được ứng dụng gọi xe này tinh chỉnh dựa trên nền tảng công nghệ của Google PaLM.

Nội dung trò chuyện, sở thích về món ăn như loại ẩm thực và tín hiệu theo ngữ cảnh (thời gian, thời tiết) của người dùng sẽ được chia sẻ với AI để cung cấp phản hồi hữu ích.

 Uber Eats cho ra mắt tính năng trợ lý ảo sử dụng AI nhằm hỗ trợ khách gọi món. Ảnh: Edge Middle East.

Uber Eats cho ra mắt tính năng trợ lý ảo sử dụng AI nhằm hỗ trợ khách gọi món. Ảnh: Edge Middle East.

Đối thủ Instacart vào giữa năm ngoái cũng ra mắt tính năng “Hỏi Instacart”, một công cụ tìm kiếm được thiết kế để hỗ trợ các câu hỏi mua sắm hàng tạp hóa của khách hàng. Đây là tính năng được phát triển dựa trên thỏa thuận hợp tác với OpenAI, công ty sáng tạo ra chatbot AI ChatGPT.

Trong khi đó, DashAI của ứng dụng gọi đồ ăn DoorDash giúp người dùng tìm nhà hàng phù hợp nhu cầu. Tính năng này sẽ tìm các lựa chọn gần đó dựa trên sở thích, chẳng hạn như gu ẩm thực, hạn chế về chế độ ăn uống hoặc xếp hạng. DashAI là sản phẩm thử nghiệm và cũng được phát triển bởi OpenAI.

Ngoài ra, ứng dụng này cũng mới ra mắt tính năng chống lạm dụng và quấy rối trong quá trình trao đổi, trò chuyện giữa khách hàng và đối tác. Tính năng sử dụng AI có tên SafeChat+ có thể phát hiện các cuộc trò chuyện không phù hợp, qua đó đưa ra những gợi ý xử lý như hủy đơn hàng.

Tính năng có thể xử lý hơn 1.400 tin nhắn/phút, áp dụng cho hàng chục ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Trung Quốc.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/app-giao-do-an-cung-lam-ai-post1486803.html