Apple chuyển toàn bộ dây chuyền lắp ráp iPhone bán tại Mỹ từ Trung Quốc sang Ấn Độ

Apple dự kiến chuyển toàn bộ dây chuyền lắp ráp iPhone bán tại Mỹ sang Ấn Độ sớm nhất vào năm 2026, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Theo nguồn tin FT trích dẫn hôm nay (25/4), động thái này được cho là sẽ diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn dự đoán của các nhà đầu tư, với mục tiêu sản xuất toàn bộ hơn 60 triệu iPhone bán tại Mỹ mỗi năm tại Ấn Độ vào cuối năm 2026.

Apple lên kế hoạch chuyển toàn bộ dây chuyền lắp ráp iPhone bán tại Mỹ từ Trung Quốc sang Ấn Độ để tránh mức thuế cao do Tổng thống Donald Trump áp đặt.

Apple lên kế hoạch chuyển toàn bộ dây chuyền lắp ráp iPhone bán tại Mỹ từ Trung Quốc sang Ấn Độ để tránh mức thuế cao do Tổng thống Donald Trump áp đặt.

Để đạt được mục tiêu này, Apple sẽ phải tăng gấp đôi sản lượng iPhone tại Ấn Độ chỉ trong vòng hơn một năm - một khoảng thời gian ngắn đáng kể so với gần hai thập kỷ đầu tư mạnh mẽ để xây dựng dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.

Hiện tại, Apple phụ thuộc lớn vào Trung Quốc - trung tâm sản xuất mạnh mẽ, nơi công ty sản xuất nhiều sản phẩm thông qua các đối tác như Foxconn. Tuy nhiên, sự điều này khiến Apple dễ bị tổn thương trước các mức thuế thương mại nặng nề mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đầu tháng tư, Apple đã đẩy nhanh việc vận chuyển iPhone từ Ấn Độ sau khi Tổng thống Trump khởi động lại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Dù ông Trump tạm thời miễn thuế cho các sản phẩm điện tử nhập từ Trung Quốc, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh đây chỉ là động thái tạm thời và sẽ áp thuế riêng cho mặt hàng điện tử trong tương lai.

Ông Trump đã áp thuế 145% lên Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125%. Những lo ngại về mức độ phụ thuộc của Apple đã khiến gã khổng lồ công nghệ này mất tới 700 tỷ USD giá trị thị trường.

Apple đã và đang dần xây dựng năng lực sản xuất tại Ấn Độ thông qua các nhà sản xuất hợp đồng như Tata Electronics và Foxconn. Những nỗ lực này tăng tốc trong vài năm gần đây, đặc biệt sau khi công ty đối mặt với một số gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc do bất ổn xã hội.

Tuy nhiên, Apple cũng đang chịu sự giám sát chặt chẽ từ Bắc Kinh khi quan hệ với Mỹ xấu đi. Dù vậy, phần lớn iPhone chủ lực của công ty vẫn được sản xuất tại Trung Quốc.

Tháng trước, Apple đã đẩy mạnh sản xuất iPhone tại Ấn Độ và thuê các chuyến bay chở hàng để vận chuyển 600 tấn điện thoại thông minh về Mỹ trước lo ngại thuế quan sẽ làm tăng chi phí.

Cụ thể, Foxconn - nhà cung cấp chính của Apple tại Ấn Độ, đã xuất khẩu điện thoại thông minh của Apple trị giá 1,31 tỷ USD trong tháng ba, mức cao nhất trong một tháng từ trước đến nay, tương đương tổng lượng xuất khẩu của tháng 1 và tháng 2 cộng lại. Các mẫu iPhone được xuất khẩu bao gồm iPhone 13, 14, 16 và 16e, nâng tổng giá trị xuất khẩu của Foxconn từ Ấn Độ sang Hoa Kỳ trong năm nay lên 5,3 tỷ USD.

Trong khi đó, Tata Electronics ghi nhận giá trị xuất khẩu điện thoại thông minh của Apple đạt 612 triệu USD, tăng khoảng 63% so với tháng trước, bao gồm các mẫu iPhone 15 và 16.

Dữ liệu hải quan cho thấy tất cả các lô hàng của Foxconn sang Hoa Kỳ trong tháng ba đều được vận chuyển bằng đường hàng không từ nhà ga hàng hóa sân bay Chennai và hạ cánh tại nhiều địa điểm, bao gồm Los Angeles và New York, với Chicago nhận phần lớn.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, Apple chiếm 19% thị phần điện thoại thông minh trên thế giới trong ba tháng đầu năm, dù doanh số tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc chững lại hoặc giảm. Các nhà phân tích cho rằng Apple sẽ vươn lên vị trí số 1, nhờ nhu cầu mạnh mẽ với iPhone 16e, bán từ tháng 3/2025, cùng việc mở rộng hiện diện tại một số thị trường mới nổi.

Đức Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/apple-chuyen-toan-bo-day-chuyen-lap-rap-iphone-ban-tai-my-tu-trung-quoc-sang-an-do-192250425134338889.htm