Apple đang đi vào vết xe đổ của Nokia
Apple đối mặt thách thức chuyển giao lãnh đạo giữa lúc mất dần động lực đổi mới, đặt ra nguy cơ lặp lại sai lầm từng khiến Nokia sụp đổ.

Apple sắp có cuộc cải tổ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo. Ảnh: Bloomberg.
Sau hơn một thập kỷ dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, Apple không còn là công ty tạo ra những cú sốc đổi mới công nghệ như thời Steve Jobs. Tốc độ cải tiến chậm lại, dòng sản phẩm thiếu đột phá và các quyết định chiến lược mang tính phòng thủ đã khiến công ty dần tụt lại.
Theo Bloomberg, bộ máy lãnh đạo công ty đang dần lộ rõ dấu hiệu lão hóa và trì trệ. Khi các giám đốc kỳ cựu lần lượt rút lui hoặc chuẩn bị nghỉ hưu, trong khi những người kế nhiệm thực sự vẫn chưa xuất hiện, nhà sản xuất iPhone đứng trước nguy cơ rơi vào trạng thái mất phương hướng, một điều mà Nokia từng trải qua trước khi đánh mất cả thị trường lẫn thương hiệu.
Tim Cook khó "mất ghế"
Tim Cook vẫn là người điều hành cao nhất tại Apple và không có dấu hiệu cho thấy ông sẽ sớm rời vị trí. Tuy nhiên, bên trong tập đoàn công nghệ giá trị lớn thứ 3 thế giới, một cuộc cải tổ ở cấp điều hành đang bắt đầu hình thành, phần nào phản ánh yêu cầu thay đổi mạnh mẽ từ chính nội bộ công ty.
Người kế cận tiềm năng nhất, Jeff Williams, Giám đốc vận hành của Apple đã thông báo nghỉ hưu vào cuối năm nay. Việc này để lại khoảng trống lớn trong đội ngũ điều hành, đặc biệt khi chưa có một ứng viên kế nhiệm rõ ràng. Luca Maestri, Giám đốc tài chính lâu năm, cũng đã chuyển giao trách nhiệm cho người mới vào đầu năm.
Những biến động về mặt nhân sự này báo hiệu giai đoạn chuyển tiếp lớn nhất trong nội bộ Apple kể từ sau khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011. Dù vậy, Arthur Levinson, Chủ tịch hội đồng quản trị cùng nhiều thành viên kỳ cựu khác tiếp tục hậu thuẫn mạnh mẽ cho Tim Cook. Từ năm 2011 đến nay, giá trị cổ phiếu Apple đã tăng hơn 1.500%, bất chấp đà sụt giảm gần đây.

Tim Cook vẫn được hội đồng quản trị của Apple tin tưởng. Ảnh: Bloomberg.
Sự ủng hộ này giúp vị quản lý 64 tuổi giữ vai trò lãnh đạo toàn diện, thậm chí có thể tiến tới đảm nhận vị trí Chủ tịch, tương tự cách mà Bob Iger tại Disney hay Satya Nadella tại Microsoft từng làm.
Tuy nhiên, những con số không thể che mờ thực tế rằng Apple đang đối mặt với thách thức nội tại về văn hóa sáng tạo, tốc độ đổi mới chậm và cơ cấu quản lý già cỗi. Nhiều quản lý cấp cao như Greg Joswiak, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị toàn cầu, Phil Schiller, phụ trách việc phát triển App Store và Lisa Jackson, Phó chủ tịch phụ trách các Sáng kiến về Môi trường, Xã hội và Chính sách đều đã ngoài 60 tuổi.
Điều này đặt ra vấn đề rằng Táo khuyết cần sớm tìm ra đội ngũ lãnh đạo kế cận nhằm thay thế những trụ cột đã gắn bó hàng chục năm, trước khi khoảng trống quyền lực và tầm nhìn chiến lược trở thành điểm yếu chí mạng. Thậm chí, nó có thể kéo lùi khả năng cạnh tranh và làm xói mòn bản sắc đổi mới vốn từng là DNA của Apple.
Apple trước ngã rẽ quan trọng
Eddy Cue, Giám đốc mảng dịch vụ của Apple và một trong những cố vấn thân cận nhất của Tim Cook từng cảnh báo rõ ràng trong nội bộ công ty rằng họ có nguy cơ trở thành BlackBerry hoặc Nokia tiếp theo nếu không nhanh chóng thích nghi. Đây không phải một nhận định mang tính cường điệu, mà là phát ngôn phản ánh đúng tâm lý lo ngại đang lớn dần bên trong gã khổng lồ công nghệ này.
Khác với thời kỳ Steve Jobs, Apple hiện không còn là đơn vị dẫn đầu về đột phá sản phẩm. Hàng loạt dòng thiết bị mới không tạo được dấu ấn khác biệt, trong khi các đối thủ lại đang có sự bứt phá về công nghệ lẫn thiết kế. Các sản phẩm chủ lực như iPhone hay MacBook vẫn bán chạy, nhưng thiếu tính đổi mới khiến Apple dần giống với Nokia những năm 2010.

Apple cần nghiêm túc xem xét chiến lược trong thời gian tới. Ảnh: Bloomberg.
Bản thân Tim Cook cũng nhận ra vấn đề nội tại của Apple. Trong quá khứ, ông từng giữ lại nhiều cộng sự thân cận của Jobs, dẫn dắt công ty mở rộng tại thị trường Trung Quốc và thúc đẩy sự phát triển của Apple Watch cũng như AirPods. Ông cũng xây dựng hệ thống dịch vụ mang lại nguồn thu định kỳ cho công ty. Tuy nhiên, mô hình này đang bắt đầu cho thấy giới hạn.
Việc Jeff Williams rời đi không chỉ tạo ra khoảng trống quyền lực mà còn đòi hỏi Apple phải tái cấu trúc lại cách vận hành. Các nhóm thiết kế giờ sẽ trực tiếp báo cáo lên Cook, bao gồm cả đội ngũ phát triển watchOS, kỹ thuật y tế, Fitness+ hay AppleCare. Các đội này đều được phân bổ lại theo hướng tăng cường hiệu quả quản trị, song cho thấy sự thiếu nhất quán trong định hướng chiến lược.
Apple đang ở ngã ba đường. Nếu tiếp tục vận hành với tốc độ cải tiến hiện tại, Apple có nguy cơ đánh mất cả vị thế dẫn đầu lẫn bản sắc thương hiệu. Trong bối cảnh mà “đổi mới” không còn là khẩu hiệu mà phải là hành động thực tế, lời cảnh báo từ chính nội bộ công ty cần được xem xét nghiêm túc hơn.
Nguồn Znews: https://znews.vn/apple-dang-di-vao-vet-xe-do-cua-nokia-post1569008.html