Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong:'Tinh gọn' báo cáo và thành phần họp để dành thời gian cho công việc

Đây là nội dung chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong sau khi ghi nhận thực tiễn cán bộ địa phương phải tham gia 24 cuộc họp trong 2 tuần qua, thực hiện nhiều báo cáo trong thời gian ngắn.

Nội dung chỉ đạo nằm trong phát biểu kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Phong tại hội nghị đánh giá tình hình triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra chiều 16-7.

Dựa vào dân, cầu thị, sáng tạo

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận và biểu dương tinh thần chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền 126 xã, phường và các sở, ngành trong việc tổ chức, vận hành chính quyền địa phương sau sắp xếp. Trong thời gian ngắn, dù phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, nhưng các địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cơ sở vật chất, bảo đảm hoạt động thông suốt, không phát sinh vấn đề nổi cộm, phức tạp.

Đặc biệt, nhiều xã, phường đã thể hiện tinh thần gần dân, sát dân, dựa vào dân để thực thi nhiệm vụ; đã tổ chức gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố; phân công từng cán bộ, công chức trực tiếp theo dõi, phụ trách địa bàn dân cư. Cán bộ, công chức đã phát huy tinh thần cầu thị, tích cực tự học hỏi, tham khảo kinh nghiệm từ địa phương khác để tiếp cận công việc mới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng biểu dương, đánh giá cao các sở, ngành đã ngày - đêm đồng hành cùng cơ sở, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, giúp địa phương nhanh chóng đi vào ổn định.

Tại nhiều xã, phường, sau khi sớm ổn định tổ chức bộ máy, đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động gắn với những nhiệm vụ trọng tâm, công việc cụ thể sát thực tiễn địa phương đến hết năm 2025. Các xã, phường cũng đã bắt tay ngay vào chuẩn bị Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất, nhiều nơi đã chuẩn bị xong như các đại hội điểm là Đảng bộ xã Phúc Thọ vào ngày 22-7, Đảng bộ phường Hoàn Kiếm vào ngày 23-7. Sau 2 đại hội điểm, các xã, phường chủ động triển khai theo điều kiện của từng địa phương.

Chứng minh năng lực lãnh đạo, hiệu quả của bộ máy mới

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, sở, ngành cần tiếp tục duy trì sự ổn định, tập trung xây dựng chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt là tổ chức thành công Đại hội đảng bộ 126 xã, phường lần thứ nhất, triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng trên 8% (Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 8,3-8,5%), tổ chức tốt các ngày lễ lớn, chăm lo chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong hoan nghênh tinh thần vào cuộc chủ động, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã Phúc Sơn trong việc xử lý vi phạm về đất đai, trật tự trên địa bàn; đồng thời đề nghị lãnh đạo các xã, phường phải chủ động làm quyết liệt để chứng minh năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý của bộ máy mới trong mọi công việc nói chung và trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng và môi trường nói riêng...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, trước hết cần tiếp tục thống nhất về nhận thức rằng việc tổ chức hoạt động chính quyền địa phương hai cấp là việc rất lớn. Những kết quả vừa qua mới là bước đầu, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp xã; tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, bắt tay vào việc với tinh thần cao nhất. Cùng với đó là tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay xây dựng chính quyền cấp xã mới, tất cả hướng tới phục vụ lợi ích nhân dân, phải dựa vào dân để thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương từ đô thị đến nông thôn.

Thành phố đã ban hành các kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Từ nay đến tháng 10-2025 là giai đoạn cao điểm cho nhiệm vụ này, trước mắt ưu tiên tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu còn khó khăn như: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý lý đất đai, tài chính kế toán... Thành ủy sẽ chỉ đạo nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố từ cấp xã trở lên, xác định cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực, vị trí công tác, từ đó xác định cụ thể cán bộ ngành nào cần đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng.

Trước mắt, Đảng ủy các xã, phường chỉ đạo bố trí đủ cán bộ theo vị trí việc làm, tận dụng tối đa nguồn cán bộ từ trong hệ thống, ngay cả đội ngũ cán bộ không chuyên trách: Phó bí thư đoàn thanh niên, Phó chủ tịch Hội phụ nữ...

Toàn cảnh hội nghị đánh giá tình hình triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn thành phố diễn ra chiều 16-7. Ảnh: Quang Thái

Toàn cảnh hội nghị đánh giá tình hình triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn thành phố diễn ra chiều 16-7. Ảnh: Quang Thái

Về hình thức đào tạo, bồi dưỡng, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, ưu tiên số một là cán bộ, công chức phải có ý thức tự đào tạo, học hỏi nâng cao năng lực. Tiếp đến, thành phố tăng cường tập huấn, hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” trực tiếp, trực tuyến ngắn gọn, dễ tiếp thu. Trong bối cảnh này, hạn chế tổ chức lớp trong giờ hành chính. Về lâu dài, cần tính toán tổng thể một chương trình, đề án đào tạo của cả thành phố. Mục tiêu 5 năm tới Hà Nội xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đúng vị trí việc làm, nhất là lĩnh vực đòi hỏi cao, phù hợp giai đoạn mới.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, sau một thời gian vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, chắc chắn những bất cập, hạn chế, vướng mắc sẽ dần bộc lộ, các đơn vị, địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá, nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh việc số hóa tài liệu để tạo cơ sở dữ liệu của thành phố, giao Đảng ủy UBND thành phố chỉ đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố triển khai thực hiện.

Thực chất hơn, xác định tầm nhìn xa hơn

Đáng chú ý, để tạo điều kiện cho cán bộ lãnh đạo xã, phường mới tập trung giải quyết công việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị UBND thành phố sớm cụ thể hóa việc ủy quyền cho cán bộ, công chức xã ký chứng thực để giảm tải cho các đồng chí Phó Chủ tịch UBND cấp xã.

Đồng chí cũng đề nghị Văn phòng Thành ủy chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố sớm trình Thường trực Thành ủy thống nhất về nguyên tắc triệu tập các cuộc họp cấp thành phố có liên quan đến nhiều đơn vị, tính toán điều hòa phù hợp, đối tượng thành phần đúng người, đúng việc và quy định rõ. Đồng thời, thành phố sẽ quán triệt việc xây dựng các báo cáo của cơ sở phải ngắn gọn, cụ thể, hạn chế tối đa diễn giải dài dòng, chung chung. Thậm chí nội dung có thể điền trực tiếp vào đề cương; báo cáo không nhất thiết phải bằng giấy mà có thể gửi trực tiếp bằng email công vụ.

Lưu ý sắp tới đến Ngày Thương binh, liệt sỹ 27-7, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các xã, phường hết sức quan tâm chăm lo các đối tượng người có công, tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. Đồng thời để chuẩn bị cho kỷ niệm 80 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị phát động cao điểm về tổng vệ sinh môi trường trên tinh thần “dọn nhà đón khách, đón Tết Độc lập”, coi đây là thước đo về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo 126 xã, phường mới để xây dựng một thành phố xanh, văn minh.

Cùng với yêu cầu Ban Tổ chức Thành ủy sớm xây dựng trình Ban Thường vụ quy chế phân cấp quản lý cán bộ, đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị UBND thành phố sớm làm rõ chủ trương về phân cấp, ủy quyền, nhất là các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Điều này liên quan đến việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ tới của Đảng bộ các xã, phường.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Đối với Đại hội đảng bộ cấp xã lần thứ nhất, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, thời gian chuẩn bị không còn nhiều, cấp ủy các xã, phường phải đặc biệt quan tâm đến chuẩn bị văn kiện, nhất là phần phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần được bàn bạc thấu đáo, phát huy dân chủ, trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, của tập thể lãnh đạo cấp xã.

“Đề nghị các đồng chí thay đổi một cách cơ bản quan điểm, phương thức, cách thức xây văn kiện, không dài dòng mà đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn khoảng 20 trang trở lại (đối với cấp xã). Phần đánh giá về kết quả gọn, chủ yếu về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Đồng thời, cần có các chương trình hành động, đề án, dự án cụ thể cho đến từng năm, đến hết nhiệm kỳ và ban hành kèm luôn với Dự thảo Báo cáo chính trị”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị cấp ủy các xã, phường không giới hạn chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm 2025-2030, phần phương hướng, mục tiêu nên đặt trong khoảng thời gian dài hơi hơn như cấp thành phố đến năm 2045 để thấy được sự tiếp nối trong giải quyết nhiều vấn đề lớn của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong hy vọng và tin tưởng, với sự chủ động, tích cực trách nhiệm của 126 xã, phường, những kết quả đã đạt được bước đầu sẽ tiếp tục đạt được tốt hơn nữa. Công tác chuẩn bị Đại hội nghiêm túc, hiệu quả sẽ góp phần tổ chức thành công đại hội Đảng bộ cấp xã.

Hà Vũ (ghi)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/pho-bi-thu-thuong-truc-thanh-uy-nguyen-van-phong-tinh-gon-bao-cao-va-thanh-phan-hop-de-danh-thoi-gian-cho-cong-viec-709292.html