Apple đối mặt cuộc 'thay máu' lớn nhất lịch sử

Ai sẽ thay thế Tim Cook làm người lãnh đạo Apple, một trong những công ty công nghệ lớn nhất và được ngưỡng mộ nhất thế giới?

Apple đang trải qua giai đoạn quan trọng nhất trong nhiều năm gần đây, khi phải đối mặt với áp lực đổi mới mạnh mẽ về trí tuệ nhân tạo (AI) và chuẩn bị cho những thay đổi sâu rộng trong bộ máy lãnh đạo cấp cao. Dù vậy, vị trí của Tim Cook – CEO đương nhiệm – gần như vẫn “vững như bàn thạch” nhờ niềm tin tuyệt đối từ hội đồng quản trị và di sản thành công mà ông đã gây dựng.

Tim Cook: Người lèo lái Apple qua sóng gió

Tim Cook sẽ còn dẫn dắt Apple trong ít nhất 5 năm nữa, theo Bloomberg. Ảnh: Bloomberg

Tim Cook sẽ còn dẫn dắt Apple trong ít nhất 5 năm nữa, theo Bloomberg. Ảnh: Bloomberg

Tim Cook, năm nay sẽ bước sang tuổi 65, vẫn chưa có kế hoạch rời vị trí lãnh đạo Apple. Việc Jeff Williams, “phó tướng” lâu năm của Cook và là Giám đốc điều hành (COO), công bố nghỉ hưu vào cuối năm nay càng khẳng định chưa có ai sẵn sàng tiếp quản vị trí cao nhất. Hội đồng quản trị Apple, bao gồm những thành viên trung thành như Arthur Levinson, Susan Wagner và Ronald Sugar, vẫn tin tưởng Cook tuyệt đối, để ông toàn quyền điều hành mà hầu như không can thiệp.

Kể từ khi lên làm CEO vào năm 2011 thay thế Steve Jobs, Cook đã biến Apple thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới, đưa giá cổ phiếu tăng khoảng 1.500% dù năm nay giảm 16%. Ông dẫn dắt Apple mở rộng tại Trung Quốc, ra mắt các sản phẩm mới như Apple Watch, AirPods và xây dựng mảng dịch vụ mang lại doanh thu khổng lồ.

Tuy vậy, Cook cũng phải chịu trách nhiệm cho những khó khăn hiện tại của Apple: sự chậm trễ trong lĩnh vực AI, dòng sản phẩm bị cho là thiếu đột phá, văn hóa thiết kế bị mai một cũng như mối quan hệ căng thẳng với các nhà phát triển và cơ quan quản lý. Dẫu vậy, hội đồng quản trị vẫn xem Cook là người duy nhất đủ bản lĩnh để xoay chuyển tình thế. Thậm chí, khả năng ông kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch – như Bob Iger ở Disney hay Satya Nadella ở Microsoft – hoàn toàn có thể xảy ra, giúp Cook củng cố quyền kiểm soát Apple hơn nữa.

Đợt “thay máu” lãnh đạo lớn nhất hàng thập kỷ

Dù Cook vẫn tại vị, Apple đang chứng kiến cuộc “thay máu” lớn trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Nhiều giám đốc kỳ cựu sắp bước sang tuổi 60, đã gắn bó hàng chục năm và kiếm được hàng trăm triệu USD, bắt đầu rời đi hoặc chuyển giao quyền lực. COO Jeff Williams sẽ nghỉ hưu cuối năm nay, Giám đốc Tài chính (CFO) Luca Maestri đã chuyển giao quyền lực, và Dan Riccio – người phụ trách phần cứng – cũng rời công ty.

COO Jeff Williams phân bổ trách nhiệm cho những người khác trước khi nghỉ hưu. Ảnh: Bloomberg

COO Jeff Williams phân bổ trách nhiệm cho những người khác trước khi nghỉ hưu. Ảnh: Bloomberg

Khoảng một nửa trong số 20 cấp dưới trực tiếp của Cook thấp nhất 60 tuổi và nhiều người có thể rời đi trong vài năm tới. Đó là trưởng bộ phận marketing Greg Joswiak, phụ trách App Store Phil Schiller, Giám đốc môi trường Lisa Jackson và Giám đốc mảng chip Johny Srouji. Thêm vào đó là sự không chắc chắn xung quanh lãnh đạo AI John Giannandrea.

Việc Williams ra đi cũng buộc Apple phải tái cơ cấu tổ chức. Sabih Khan, người thay thế Williams làm COO, có thể không còn là ứng viên sáng giá kế nhiệm CEO. Thay vào đó, Apple dự kiến chia lại trách nhiệm quản lý: Nhóm thiết kế sẽ trực tiếp báo cáo cho Cook, dưới sự quản lý của Alan Dye (giao diện người dùng) và Molly Anderson (thiết kế công nghiệp); Phát triển Apple Watch và phần cứng sức khỏe, vốn do Williams giám sát, thực tế đã chuyển giao cho Giám đốc phần cứng John Ternus từ ba năm trước; Nhóm watchOS và phần mềm sức khỏe sẽ về dưới quyền Craig Federighi, trưởng bộ phận phần mềm; Fitness+ sẽ về nhóm dịch vụ, còn AppleCare chuyển sang COO mới; Nhóm Trung Quốc đại lục sẽ vẫn báo cáo song song cho Cook và COO.

Apple cũng bắt đầu táo bạo hơn trong AI. Công ty đã xem xét mua lại startup AI Perplexity hoặc Mistral – điều chưa từng xảy ra, bởi trước đây Apple chưa bao giờ chi quá 3 tỷ USD cho thương vụ M&A. Đây được coi là một bước ngoặt quan trọng để cạnh tranh trong cuộc đua AI.

Giám đốc phần cứng John Ternus được xem là ứng viên sáng giá cho vị trí CEO Apple. Ảnh: Apple

Giám đốc phần cứng John Ternus được xem là ứng viên sáng giá cho vị trí CEO Apple. Ảnh: Apple

Về câu hỏi “ai sẽ là người kế nhiệm Cook?”, vẫn chưa có đáp án rõ ràng. Williams từng được xem là “người kế vị hiển nhiên”, nhưng nay đã rút lui. COO mới – Sabih Khan – thiếu kinh nghiệm sâu rộng để ngay lập tức lên làm CEO. Nếu Cook đột ngột không còn điều hành, Apple có thể sẽ tạm thời do một “ủy ban lãnh đạo” điều hành, gồm Khan, Kevan Parekh và Deirdre O’Brien – người gắn bó 35 năm với Apple.

Trong dài hạn, John Ternus được xem là ứng viên tiềm năng nhất: trẻ hơn Cook khoảng 15 tuổi, có lịch sử làm việc lâu năm và được coi là “CEO tập trung vào sản phẩm” – điều nhiều nhà quan sát cho rằng phù hợp với Apple. Tuy nhiên, kinh nghiệm về tài chính và điều hành của Ternus vẫn còn hạn chế, đòi hỏi ông phải dựa vào một đội ngũ CFO và COO mạnh.

Khả năng Apple bổ nhiệm một CEO từ bên ngoài – chẳng hạn thông qua mua lại một công ty AI lớn rồi để CEO công ty đó kế vị – về lý thuyết là “nước đi táo bạo nhất”, nhưng thực tế khó xảy ra, bởi đi ngược lại với văn hóa và lịch sử nhân sự nội bộ của Apple.

Apple hôm nay đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc quan trọng: vừa củng cố vị thế hiện tại, vừa phải chuẩn bị cho một tương lai đòi hỏi đột phá AI và đổi mới mạnh mẽ. Dù Tim Cook vẫn nắm chắc tay lái, “cuộc thay máu” lãnh đạo lịch sử ở cấp cao là điều khó tránh. Vấn đề không chỉ là ai sẽ ngồi vào chiếc ghế CEO sau Cook, mà còn là liệu Apple có đủ nhanh nhạy và can đảm để làm mới chính mình trước khi quá muộn.

(Theo Bloomberg)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/apple-doi-mat-cuoc-thay-mau-lon-nhat-lich-su-2421345.html