Những 'cánh tay nối dài' góp phần lan tỏa dòng vốn chính sách

Trong hành trình xóa đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống người dân ở khu vực miền Trung, nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc. Những đồng vốn được trao đúng người, đúng lúc đã tiếp sức cho hàng nghìn hộ gia đình vượt khó vươn lên. Và phía sau thành công ấy là những tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn - những 'cánh tay nối dài' của NHCSXH tại cơ sở, bền bỉ đưa chính sách vào cuộc sống.

Gần dân, hiểu dân

Tại xã Vĩnh Hải, tỉnh Khánh Hòa, địa phương vừa sắp xếp lại đơn vị hành chính sau sáp nhập, ông Nguyễn Văn Hiệp được người dân tin tưởng gọi bằng cái tên thân mật “ông Hiệp vay vốn”. Với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và luôn nở nụ cười hiền hậu, ông đã gắn bó với công việc tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn từ những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ.

“Ban đầu khó khăn lắm, bà con còn e ngại, chưa hiểu rõ về chính sách, có người không dám vay vì sợ không trả được. Tôi cứ đi từng nhà, giải thích, hướng dẫn cặn kẽ. Lâu dần, mọi người hiểu, mạnh dạn làm ăn hơn”, ông Hiệp nhớ lại.

Nhờ sự kiên trì và tâm huyết, tổ tiết kiệm và vay vốn do ông Hiệp phụ trách đã phát triển mạnh mẽ. Đến nay, tổ có 54 thành viên, tổng dư nợ gần 3 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ trồng nho, táo và chăn nuôi dê, cừu - những ngành nghề truyền thống nhưng mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Đặc biệt, tổ không có nợ quá hạn, không có lãi tồn; 100% thành viên đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả lãi, nộp tiết kiệm đúng kỳ hạn.

Không chỉ hướng dẫn thủ tục vay vốn, ông Hiệp còn giúp bà con tính toán phương án sản xuất phù hợp, gợi ý mô hình làm ăn, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt… Mỗi thành viên trong tổ đều được ông ghi nhớ hoàn cảnh riêng để theo dõi sát sao quá trình sử dụng vốn, kịp thời nhắc nhở và hỗ trợ khi gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hiệp (trái) là tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm ở xã Vĩnh Hải, tỉnh Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Văn Hiệp (trái) là tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm ở xã Vĩnh Hải, tỉnh Khánh Hòa.

Trong khi đó, ở vùng núi cao của xã Bác Ái Tây - nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Raglay sinh sống, chị Katơr Thị Lem là một trong những tổ trưởng tổ vay vốn tiêu biểu. Với sự gần gũi và uy tín trong cộng đồng, chị trở thành cầu nối giữa ngân hàng và bà con dân tộc thiểu số, một nhiệm vụ không hề dễ dàng nhưng đầy tự hào.

Tổ vay vốn do chị Lem làm tổ trưởng có gần 50 thành viên, tổng dư nợ xấp xỉ 2 tỷ đồng. Chị Lem chia sẻ: “Mỗi hộ một hoàn cảnh, có người vay để chăn nuôi bò, có người mua giống cây, sửa lại mái nhà dột nát... Mình phải hiểu từng người, biết rõ từng khoản vay, để nhắc bà con trả lãi, tiết kiệm đúng hạn, không để sót một ai”.

Không chỉ “nằm lòng” chính sách tín dụng, chị Lem còn thường xuyên tham gia các buổi họp thôn, tổ chức sinh hoạt tổ định kỳ để tuyên truyền về cách sử dụng vốn hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Những buổi họp dân tưởng chừng khô khan, dưới sự dẫn dắt của chị, lại trở thành dịp để bà con học hỏi lẫn nhau, cùng nhau đi lên.

Từ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ dân ở Bác Ái Tây đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, cải tạo vườn rẫy, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập. Hàng tháng, các thành viên trong tổ đều thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nộp lãi và tiết kiệm đầy đủ. Tổ do chị Lem quản lý nhiều năm liền được đánh giá loại tốt, không có nợ quá hạn, không có lãi tồn, và đã được đề nghị khen thưởng trong công tác quản lý vốn vay.

Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn - những “cánh tay nối dài” bền bỉ của NHCSXH tại cơ sở.

Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn - những “cánh tay nối dài” bền bỉ của NHCSXH tại cơ sở.

Thầm lặng nhưng bền bỉ

Giữa muôn vàn lo toan của cuộc sống, những tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn vẫn ngày ngày âm thầm đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con trả lãi, làm thủ tục vay mới, thu tiền tiết kiệm. Dù công việc nhiều vất vả, họ không nhận lương, chỉ được hỗ trợ một phần hoa hồng nhỏ, nhưng điều giữ chân họ chính là trách nhiệm và tình cảm dành cho cộng đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Ba, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Thuận Bắc (Khánh Hòa) nhận xét: “Việc triển khai kịp thời và đúng đối tượng của các chương trình tín dụng chính sách là yếu tố sống còn trong công tác giảm nghèo. Ở đó, vai trò của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự là mắt xích quan trọng. Họ không chỉ là người giúp ngân hàng quản lý vốn hiệu quả, mà còn là người đồng hành, chia sẻ và khơi dậy ý chí vươn lên trong mỗi hộ vay”.

Ở nhiều vùng quê miền Trung, những tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đã có mặt trong các buổi họp dân, thôn xóm. Họ đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con trả lãi, nộp tiết kiệm, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn... Công việc vất vả, thù lao chỉ là một khoản hoa hồng nhỏ, nhưng đổi lại là sự tin tưởng, là những nụ cười ấm áp khi thấy hộ nghèo thoát nghèo, có công ăn việc làm và cuộc sống khấm khá hơn.

Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đã và đang góp phần lan tỏa các chương trình tín dụng chính sách ở các địa phương.

Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đã và đang góp phần lan tỏa các chương trình tín dụng chính sách ở các địa phương.

Thực tế cho thấy, chính những tổ trưởng tổ vay vốn ấy đã góp phần làm nên diện mạo mới cho vùng nông thôn miền Trung - nơi từng bước chuyển mình từ khó khăn sang phát triển. Họ không chỉ mang lại hiệu quả tài chính, mà còn là người gieo hy vọng, trao niềm tin cho những mảnh đời chưa trọn vẹn.

Câu chuyện của ông Hiệp, chị Lem và hàng trăm tổ trưởng khác ở Khánh Hòa và khu vực miền Trung là minh chứng sống động cho sức mạnh của lòng nhiệt thành, của sự kiên trì bám trụ nơi cơ sở. Họ chính là những “cánh tay nối dài” vững chắc của chính sách an sinh, âm thầm nhưng đầy trách nhiệm, lặng lẽ mà lan tỏa sâu rộng.

Từ những người nông dân giản dị, họ đã trở thành điểm tựa cho cả cộng đồng. Không chỉ giúp kết nối dòng vốn, họ còn truyền đi ngọn lửa của niềm tin, của khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Dẫu không có danh vị cao sang, họ vẫn lặng thầm cống hiến, góp phần tạo nên những mùa quả ngọt từ chính sách tín dụng nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhung-canh-tay-noi-dai-gop-phan-lan-toa-dong-von-chinh-sach-167256.html