Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vượt 15 triệu tỉ đồng sau 4 tháng

Mặc dù lãi suất huy động đang ở mức thấp nhưng tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn vượt 15,1 triệu tỉ đồng sau 4 tháng đầu năm.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 4-2025, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 18,7 triệu tỉ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7,6 triệu tỉ đồng, giảm nhẹ 0,55%, trong khi tiền gửi của cư dân đạt hơn 7,5 triệu tỉ đồng, tăng mạnh 6,69%. Như vậy, tổng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã vượt mốc 15,1 triệu tỉ đồng.

Dù mặt bằng lãi suất huy động hiện vẫn ở mức thấp, dòng tiền gửi từ dân cư tiếp tục gia tăng cho thấy niềm tin vào hệ thống tài chính và xu hướng nắm giữ tài sản an toàn trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư chưa thực sự hấp dẫn.

Ngân hàng hút vốn dài hạn

Tính đến tháng 5-2025, lãi suất tiền gửi bằng VND tại các ngân hàng thương mại trong nước vẫn duy trì ở mặt bằng thấp, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng chỉ dao động 0,1% – 0,2%/năm, gần như không có giá trị sinh lời.

Tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng có lãi suất 3,2% – 4%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng dao động từ 4,5% – 5,5%/năm. Đáng chú ý, các khoản tiền gửi từ trên 12 tháng đến 24 tháng có mức lãi suất từ 4,8% – 6%/năm và kỳ hạn trên 24 tháng hiện có mức cao nhất, từ 6,9% – 7,1%/năm. Đây là nỗ lực của các ngân hàng nhằm hút vốn trung và dài hạn để đảm bảo cân đối thanh khoản.

 Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng dù lãi suất tiết kiệm đang neo ở mức thấp. Ảnh: T.L

Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng dù lãi suất tiết kiệm đang neo ở mức thấp. Ảnh: T.L

Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã bơm ra gần 1,55 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng mới, tương đương bình quân mỗi tháng khoảng 260.000 tỉ đồng. Tính đến ngày 30-6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 9,9%, trong khi huy động vốn mới tăng 6,57% so với cuối năm ngoái, tức chỉ bằng khoảng 2/3 đà tăng của tín dụng.

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), tiền gửi từ khu vực dân cư đã tăng 4,44%, mức tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng huy động vốn hiện vẫn chưa bắt kịp tốc độ mở rộng tín dụng, điều này có thể ảnh hưởng đến năng lực cho vay và an toàn vốn của các ngân hàng.

Dòng vốn tập trung vào lĩnh vực nào?

Về cơ cấu tín dụng, dòng vốn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực chủ lực. Nông nghiệp – nông thôn chiếm hơn 23% tổng dư nợ, phản ánh định hướng ưu tiên vốn cho sản xuất và an ninh lương thực. Bán buôn bán lẻ cũng chiếm tỷ trọng tương đương (23,74%), cho thấy sức cầu tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính của tăng trưởng.

Dù chịu kiểm soát, tín dụng vào bất động sản vẫn chiếm tới 18,47%, phản ánh nhu cầu vốn lớn của thị trường này. Ngoài ra, lĩnh vực xây dựng chiếm 5,53%, hỗ trợ trực tiếp cho các dự án hạ tầng và phát triển đô thị.

Theo ông Phạm Chí Quang, trong điều kiện tín dụng tăng mạnh gần 10%, việc huy động vốn cũng cần tăng tương ứng để đảm bảo vận hành hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Đây là nguyên tắc căn bản của hoạt động tín dụng - huy động và cho vay phải vận động đồng pha để duy trì sự ổn định.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng không nên đánh giá sức khỏe nền kinh tế chỉ qua chỉ số huy động vốn. Các chỉ báo kinh tế vĩ mô như Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), giải ngân vốn FDI, hay tăng trưởng bán lẻ mới phản ánh rõ nét hơn về xu hướng sản xuất và tiêu dùng.

Đáng chú ý, PMI 3 tháng gần đây liên tục dưới ngưỡng 50 điểm, mức phân định giữa mở rộng và thu hẹp sản xuất, cho thấy khu vực sản xuất, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, đang gặp không ít khó khăn.

Chính sách điều hành vẫn theo hướng linh hoạt và hỗ trợ phục hồi

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Tín dụng sẽ được định hướng chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ngành ưu tiên và động lực tăng trưởng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tien-gui-vao-he-thong-ngan-hang-vuot-15-trieu-ti-dong-sau-4-thang-post860271.html