Tin Thị trường: Châu Âu không cần khí đốt Nga?

Giá dầu thế giới hôm nay duy trì ổn định trong sắc xanh; Giá khí tự nhiên tại Mỹ cho thấy xu hướng tăng...

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Giá dầu hôm nay ổn định trong sắc xanh

Tính đến đầu giờ chiều nay 14/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 68,54 USD/thùng - tăng 0,13%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 70,46 USD/thùng - tăng 0,14%.

Giá dầu thế giới trong tuần này được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhẹ khi nhu cầu tiêu thụ dầu mùa hè vẫn hỗ trợ.

Trên thực tế, giới đầu tư đã không còn đặt cược vào việc giá dầu sẽ neo cao do căng thẳng địa chính trị, cũng như căng thẳng thương mại và chính sách thuế quan của Mỹ, mà chuyển sang theo dõi chặt chẽ triển vọng khai thác và nhu cầu tiêu thụ dầu thực tế.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định rằng, thị trường dầu mỏ toàn cầu đang trong tình trạng thắt chặt hơn so với những gì thể hiện, với nhu cầu được thúc đẩy bởi giai đoạn cao điểm lọc dầu vào mùa hè để đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất điện.

Ở một diễn biến khác, Ả Rập Xê-út đã nâng sản lượng dầu vượt hạn ngạch theo thỏa thuận cung ứng của liên minh OPEC+. Cụ thể, IEA cho biết Ả Rập Xê-út đã vượt mục tiêu sản lượng dầu trong tháng 6 là 430.000 thùng/ngày, đạt 9,8 triệu thùng/ngày, so với thỏa thuận 9,37 triệu thùng/ngày.

Giá khí tự nhiên tăng tại Mỹ

Tính đến đầu giờ chiều nay 14/7 (theo giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại thị trường Mỹ giao dịch ở ngưỡng 3,437 USD/mmBTU - tăng 3,71%.

Diễn biến này xuất phát từ dự báo đợt nắng nóng kéo dài khắp miền Trung và Đông Mỹ, khiến nhu cầu chạy máy lạnh tăng vọt. Mặc dù nguồn cung nội địa vẫn dồi dào, với mức lưu kho đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn đủ điều kiện hỗ trợ giá, nhà đầu tư đang hướng về kỳ hạn khí tháng 8 và 9 với tâm lý chờ đợi đỉnh mùa hè.

Một diễn biến đáng chú ý: số lượng giàn khoan khí và dầu tại Mỹ giảm xuống còn 537, mức thấp nhất từ năm 2021, phản ánh việc các công ty tái cơ cấu đầu tư hoặc hướng về hiệu quả vốn. Trong khi đó, xuất khẩu LNG có phần chững lại sau khi các cơ sở như Sabine Pass và Freeport tiến hành bảo trì, giảm tổng lượng xuất tháng 6 xuống còn 5,53 MT sang châu Âu, đồng thời chỉ 1,56 MT đến châu Á.

Tại châu Âu, giá khí vẫn căng thẳng do thiếu hụt nguồn cung. Khác với Mỹ, châu Âu đang đối mặt với bối cảnh thiếu hụt cung cấp nghiêm trọng. Giá khí TTF dao động ở mức khoảng 35,6 EUR/MWh (~11–12 USD/MMBtu) vào ngày 11/7, cao hơn 12,6% so với tháng liền trước. Tăng trưởng LNG nhập khẩu ghi nhận mức tăng trên 20% trong Quý I/2025 so với cùng kỳ năm ngoái, nhằm bù đắp thiếu hụt từ nguồn cung của Nga.

Bên cạnh đó, việc giảm phát điện từ năng lượng tái tạo (gió, thủy điện) buộc các nhà máy khí phải hoạt động tăng, khiến lượng tiêu thụ khí đốt của EU tăng đến 19% trong nửa đầu năm.

Tại châu Á, nhu cầu yếu, nhập khẩu thu hẹp nhưng chiến lược dự trữ vẫn được đẩy mạnh. Đi ngược chiều, châu Á đang giảm mạnh nhập khí LNG do giá cao: JKM (chỉ số giá tham chiếu cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại khu vực Đông Bắc Á) chạm mức 12,9 USD/MMBtu trong tháng 6, khiến Trung Quốc cắt 22% nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận nhu cầu lớn vào mùa hè khi Hàn Quố vừa mở thầu tìm mua LNG giao tháng 9.

Các quốc gia như Nhật, Hàn, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục tăng cường kho dự trữ chiến lược trước mùa đông 2025-2026. Trung Quốc dự kiến mở rộng thêm 10 tỷ m³ lưu trữ, trong khi Nhật giữ kho tối đa và đa dạng hóa nguồn tiếp nhận LNG từ Australia, Qatar, Nga (Sakhalin‑2).

Châu Âu sẽ không cần khí đốt Nga trong tương lai

Kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, Liên minh Châu Âu đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một loạt các sản phẩm năng lượng Nga, bao gồm dầu khí, và các lệnh trừng phạt này đã dần được tăng cường trong ba năm qua khi khu vực này giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Giờ đây, EU và một số chuyên gia năng lượng tin rằng châu Âu sẽ không cần phải quay lại sử dụng khí đốt của Nga trong tương lai, sau khi đã thành công trong việc củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng của mình.

Vào tháng 6, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một lệnh cấm mang tính ràng buộc pháp lý đối với việc EU nhập khẩu khí đốt và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vào cuối năm 2027. Nếu được thông qua, điều này sẽ chấm dứt mối quan hệ thương mại năng lượng đã kéo dài hàng thập kỷ. EC đã đưa ra các biện pháp pháp lý trong đề xuất nhằm đảm bảo rằng các thành viên EU vẫn tiếp tục phụ thuộc vào Nga, chẳng hạn như Hungary và Slovakia, không thể ngăn cản kế hoạch này. Tuy nhiên, mục tiêu là nhận được sự ủng hộ của tất cả các thành viên EU, ngay cả khi điều đó có nghĩa là cung cấp các ưu đãi tài chính để chuyển hướng khỏi năng lượng Nga.

Đề xuất bao gồm lệnh cấm nhập khẩu khí đốt từ bất kỳ hợp đồng khí đốt và LNG nào được ký kết qua đường ống của Nga trong thời gian còn lại của năm 2025, bắt đầu từ ngày 1/1/2026. Việc nhập khẩu theo các hợp đồng khí đốt ngắn hạn của Nga được ký kết trước ngày 17/6/2025, có thời hạn dưới một năm, sẽ bị cấm từ ngày 17/6 năm sau. Ngoài ra, việc nhập khẩu theo các hợp đồng dài hạn hiện có của Nga sẽ bị cấm từ ngày 1/1/2028. Hungary và Slovakia sẽ có thời hạn đến ngày 1/1/2028 để đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt của họ khỏi Nga trước khi lệnh cấm được thực hiện theo kế hoạch.

Nếu được thực hiện, kế hoạch sẽ chấm dứt các hợp đồng LNG được ký kết giữa Nga và một số công ty dầu mỏ lớn, bao gồm TotalEnergies của Pháp và Naturgy của Tây Ban Nha. Lệnh cấm cuối cùng cũng sẽ được áp dụng đối với các trạm LNG của EU cung cấp dịch vụ cho khách hàng Nga.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-chau-au-khong-can-khi-dot-nga-730007.html