Ariêu Ping - Lễ hội quan trọng của dân tộc Pa Kô

Người Pa Kô là những chủ nhân lâu đời của vùng đất miền núi cao 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị, với số dân ước khoảng gần 16.500 người. Trong đời sống của người Pa Kô có rất nhiều lễ hội, nhưng lễ hội Ariêu Ping là lớn nhất và mang đậm nét văn hóa tâm linh đặc sắc, thể hiện sự tôn kính, hiếu nghĩa của người đang sống với những người đã khuất, đồng thời, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, cùng nhau xây dựng bản làng no ấm, phồn vinh và hạnh phúc…

Những ngôi nhà Ping của người dân tộc Pa Kô dùng để cải táng người đã khuất trong lễ hội Ariêu Ping. Ảnh: Thành Phú

Những ngôi nhà Ping của người dân tộc Pa Kô dùng để cải táng người đã khuất trong lễ hội Ariêu Ping. Ảnh: Thành Phú

Lễ hội Ariêu Ping là hoạt động tổ chức cất bốc, cải táng đối với những ngôi mộ của tất cả các dòng họ trong làng mà trước đó an táng rải rác các nơi, quy tập về một khu vực để tiện thăm viếng, hương khói, chăm sóc. Đây là một lễ hội có từ lâu đời mang đậm nét văn hóa truyền thống và quan trọng bậc nhất của người Pa Kô.

Do là lễ hội đặc biệt quan trọng nên Ariêu Ping thường được tổ chức từ 2 đến 3 ngày và được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu. Trước ngày diễn ra lễ hội, mọi người trong bản tập trung lại để làm một số nghi lễ truyền thống. Già làng, trưởng dòng tộc chủ lễ quy tụ con cháu, tiến hành làm một ngôi nhà chung để mời các già làng, trưởng bản lân cận, những vị khách quý đến tham dự ở lại trong suốt thời gian lễ hội diễn ra. Còn lại những dòng họ khác sẽ làm nhà xung quanh, hoặc ở tại nhà mình, nấu ăn riêng nhưng phải có mâm cơm góp với chủ lễ để mời khách quý.

Sắp đến ngày diễn ra lễ hội, già làng sẽ tiến cử người vào rừng chọn cây để về làm cây nêu (Tartoong). Cây nêu đòi hỏi phải có thân thẳng, gỗ đẹp tròn trịa, chọn làm sao cho được những cây tre dẻo dai, chẻ nhỏ, vót mịn để làm những chùm tua buộc lên ngọn nêu. Có thể chỉ một cây nêu hoặc thêm nhiều cây phụ, cột nêu sẽ được buộc trâu (hoặc thay thế bằng bò, dê). Con trâu (hoặc bò, dê) sẽ là vật hiến sinh đầu tiên của cuộc lễ, trâu (hoặc bò, dê) đem ra buộc ở các cây cột này, sau khi hiến tế sẽ được dâng lên cúng và đãi khách. Lễ hội thực sự có không khí rộn ràng là từ khi cây nêu được dựng lên. Nó vừa đẹp, vừa thiêng liêng, tượng trưng cho uy lực của bản làng, của dòng họ, là nơi ở của các vị thần linh được con cháu mời về dự lễ.

Khi công tác chuẩn bị đã xong, các dòng họ tiến hành cất bốc những hài cốt từ rừng ma về và được đặt trong những ngôi nhà tạm (có tên gọi là Ân Trạp). Lúc này, các nghi lễ thờ cúng diễn ra trong suốt thời gian lễ hội, cùng với đó là các đội Aroi (khóc có tiếng nói) kể lại công lao của người đã khuất cho thế hệ con cháu cùng nghe và đội Adên (hát múa). Người dân tộc Pa Kô quan niệm, khi những người thân đã được quy tụ gần nhau, gia đình sum họp thì đó là chuyện vui nên khi đã xong mọi nghi lễ thì họ múa hát xung quanh nhà Ân Trạp. Kết thúc lễ cúng tại các Ân Trạp, những phần còn lại của người đã khuất sẽ được các dòng họ đưa về cải táng tại nhà mồ (nhà Ping) của dòng họ mình đã chuẩn bị từ trước. Mỗi “ngôi nhà Ping” cao khoảng 1,8m, được làm đều nhau theo từng hàng, vật liệu làm nhà Ping chủ yếu bằng tre nứa, phía trước được trang trí bằng những bức tượng hình người nam và nữ được đẽo bằng những thân cây rất cầu kỳ.

Lễ chính sẽ được bắt đầu vào ngày thứ hai, khi các Ra Gioóc (khách ở các bản lân cận) với trang phục truyền thống cùng các loại nhạc cụ như: tù và, cồng chiêng, trống, kèn bè, xập xõa... nhảy múa từ đầu bản hướng về phía cây Tartoong trong không khí vui nhộn. Tâm điểm của lễ hội là lúc già làng đọc lời khấn mời tổ tiên ở thế giới bên kia về chứng giám lòng thành kính của con cháu và dân bản.

Ngày cuối cùng là ngày “cao điểm” thể hiện nét tâm linh của dân bản, bởi vì hôm đó, mọi người phải đưa tiễn hương hồn tổ tiên về nơi an nghỉ cuối cùng tại nhà Ping. Trước đây, nhà Ping được làm bằng gỗ, còn hiện nay được xây kiên cố với mái lợp bằng phi brô xi măng, mái trước cao, mái sau thấp để giữ được nét truyền thống của người Pa Kô.

Già làng Hồ Lô, 82 tuổi, thôn ARong dưới, xã A Ngo, huyện Đakrông cho biết: “Ariêu Ping là một lễ hội rất quan trọng của cộng đồng người dân tộc Pa Kô. Đây là lễ hội lớn nhất của người Pa Kô nhằm tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ đến những người đã khuất. Đồng thời thông qua lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, cùng chung tay xây dựng bản làng no ấm”.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/arieu-ping-le-hoi-quan-trong-cua-dan-toc-pa-ko-post449021.html