Armenia sẵn sàng làm 'cửa ngõ' để Việt Nam thâm nhập vào Trung Á và châu Âu
Phía Armenia khẳng định luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong kinh tế, thương mại và công nghiệp
Theo thông tin từ Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tới Armenia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã có buổi làm việc với ông Edgar Zakaryan - Thứ trưởng Bộ Kinh tế Armenia cùng đại diện Bộ Ngoại giao và Văn phòng Quốc hội Armenia.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư đang là trụ cột quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Armenia. Kể từ khi chính thức có hiệu lực năm 2016, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu EU nói chung và giữa Việt Nam - Armenia nói riêng.
Từ quy mô khiêm tốn chỉ khoảng 1,5 triệu USD năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đã liên tục tăng trưởng mạnh, đạt 491,7 triệu USD năm 2024. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa 2 nước chỉ chiếm 1,6% kim ngạch XNK của Armenia và 0,06% kim ngạch XNK của Việt Nam, cho thấy quan hệ thương mại còn chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai nước.

Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư đang là trụ cột quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Armenia.
Bà Phan Thị Thắng đề nghị 2 bên hỗ trợ và tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác tại thị trường của nhau.
Ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống, 2 bên cùng nghiên cứu, đề xuất hợp tác trong các lĩnh vực mà một bên có lợi thế và bên kia có nhu cầu, xem xét khả năng hợp tác phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, nhất là vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, khai thác, chế biến, chế tạo, hóa chất...
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Armenia Edgar Zakaryan cho biết phía Armenia đang tập trung vào việc phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, đây là những trụ cột trong chiến lược kinh tế quốc gia.
Chính phủ Armenia có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh doanh như việc thành lập 4 khu kinh tế tự do, khuyến khích đầu tư công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi thuế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.... Armenia luôn ủng hộ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Armenia.
Thứ trưởng Edgar Zakaryan nhất trí với các đề xuất của Thứ trưởng Phan Thị Thắng và khẳng định Armenia luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong kinh tế, thương mại và công nghiệp, với mục tiêu nâng cao kim ngạch thương mại song phương và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp 2 nước đầu tư vào thị trường của nhau. Với vị trí địa lý của mình, Armenia sẵn sàng làm "cửa ngõ" để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Á và châu Âu.
Sau 8 năm kể từ Khóa họp đầu tiên vào năm 2017, 2 bên thống nhất sẽ tổ chức khóa họp lần thứ 2 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Armenia về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật trực tiếp tại Armenia trong năm 2025 nhằm rà soát tình hình hợp tác và xác định các lĩnh vực tiềm năng, các nội dung công việc cần triển khai để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ…
Hiện Armenia là đối tác thương mại thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU), còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Armenia tại châu Á.
Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 491,7 triệu USD, tăng 42,5% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Armenia đạt 491 triệu USD, tăng 42,4%, nhập khẩu đạt 760.000 USD, tăng 141%.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Armenia gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; Túi xách; Giày dép. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Armenia gồm: Đá quý, kim loại đá quý; Sữa và sản phẩm sữa.