ASEAN đã có những hy vọng vượt qua đại dịch COVID-19

Khu vực ASEAN vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch COVID-19 đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến hết ngày 29/9, các nước ASEAN ghi nhận thêm 37.038 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca bệnh tăng lên trên 12 triệu ca.

Toàn khối cũng ghi nhận 659 ca tử vong, như vậy, tới nay virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 261.769 người dân ở khu vực. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 11 triệu trường hợp.

Người dân di chuyển trên đường phố tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới, trong khi 2 nước không công khai số liệu là Malaysia và Singapore. 8 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Tại Campuchia, ngày 29/9, Bộ Y tế nước này xác nhận 881 ca mắc COVID-19 mới trong vòng 24 giờ, bao gồm 65 ca nhập cảnh và 816 ca lây nhiễm cộng đồng. Campuchia cũng ghi nhận thêm 15 ca tử vong.

Ngày 29/9 là ngày thứ 6 liên tiếp số ca mắc mới ở Campuchia ở trên mức 800 ca/ngày và là mức cao nhất kể từ ngày 16/7 khi ổ dịch ở các ngôi chùa lan rộng tại Phnom Penh, Battambang và tỉnh Banteay Meanchey. Đến nay, Campuchia có tổng cộng 111.673 ca mắc COVID-19, trong đó 102.222 người đã khỏi bệnh và 2.302 người tử vong.

Cùng ngày, báo Khmer Times dẫn lời Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Li Ailan, cảnh báo biến thể Delta đang lây lan mạnh tại Campuchia.

Theo bà Li Ailan, biến thể Delta dễ lây lan hơn các biến thể khác và sẽ là một mối đe dọa y tế với quốc gia Đông Nam Á này. Báo Khmer Times dẫn báo cáo cho rằng con số này gần mức 8.000 ca và đã tăng nhanh kể từ tháng 7 vừa qua.

Sau khi phát hiện ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên vào ngày 31/3, tính đến ngày 27/9, Campuchia phát hiện tổng cộng 7.852 ca nhiễm biến thể này, tăng 1.349 ca so với ngày 23/9, trong đó riêng ở Phnom Penh có trên 1.000 ca. Số ca nhiễm biến thể Delta tăng mạnh chỉ trong vòng 4 ngày đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đặc biệt sau khi chính phủ nước này đã phải ra quyết định ngừng Lễ Pchum Ben truyền thống.

Bộ Y tế Lào ngày 29/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 547 ca mắc COVID-19 mới và 1 ca tử vong. Thủ đô Viêng Chăn vẫn đứng đầu cả nước về số ca lây nhiễm trong cộng đồng với 173 ca trong khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố lớn khác như Champasak, Luang Prabang, Savannakhet... Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 23.488 ca, trong đó có 17 ca tử vong.

Lào đang tăng cường các biện pháp phòng chống do lo ngại nguy cơ bùng phát đợt dịch mới trong cộng đồng. Cơ quan y tế Lào đã lập thêm bệnh viện dã chiến tại thủ đô Viêng Chăn để ứng phó với trường hợp lây nhiễm phức tạp hơn, đồng thời mua thêm 50 xe cứu thương để phân bổ cho 11 tỉnh trên cả nước nhằm tăng cường năng lực vận chuyển bệnh nhân.

Trong khi đó, cảnh sát Viêng Chăn cũng vừa thông báo bổ sung các đối tượng được phép ra vào thành phố trong giai đoạn phong tỏa. Theo đó, có 4 đối tượng được phép đi qua các chốt kiểm soát để ra vào thủ đô gồm: Xe chở hàng hóa và xe dự án nhà nước; cá nhân được phân công bởi cơ quan nhà nước đi thực thi công vụ; người bệnh hoặc xe y tế và người tham gia sản xuất nông nghiệp gần các tỉnh không có vùng đỏ.

Tại Singapore, mặc dù không báo cáo số liệu dịch bệnh ngày 29/9, nhưng trước đó một ngày, Singapore ghi nhận kỷ lục ca mắc mới với 2.236 ca, con số cao nhất theo ngày từ trước tới nay, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 91.775 ca.

Singapore cũng ghi nhận thêm 5 ca tử vong trong ngày 28/9, nâng tổng số ca tử vong đến nay lên 85 ca. Theo số liệu thống kê, số ca mắc mới trong trẻ em dưới 12 tuổi (chưa tiêm vaccine) tại Singapore cũng có chiều hướng gia tăng.

Singapore đang chuẩn bị các nguồn lực để có thể đối phó với khả năng số ca mắc mới tăng tới 5.000 ca/ngày, thậm chí cao hơn. Chiến lược tổng thể đối phó với dịch của Singapore không thay đổi và nước này tiếp tục kiên định với kế hoạch mở cửa nền kinh tế, nới lỏng các hoạt động xã hội cẩn trọng để tránh tạo sức ép quá lớn đối với hệ thống y tế.

Tại Malaysia, công tác phòng chống dịch COVID-19 ở nước này đã đón nhận nhiều thông tin tích cực, với hệ số lây nhiễm, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ điều trị tích cực đều giảm.

Bộ Y tế Malaysia cho biết tính đến hết ngày 28/9, ước tính 61,1% dân số nước này đã hoàn thành tiêm chủng. Nếu chỉ tính những người từ 18 tuổi trở lên, Malaysia có 85,1% số người đã hoàn thành tiêm chủng và trong nhóm thiếu niên có 37,7% đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 1,1% hoàn thành tiêm chủng.

Cùng với Chương trình tiêm chủng quốc gia (NIP) gia tăng độ bao phủ, ngày 28/9, hệ số lây nhiễm cơ bản (RO) ở Malaysia chỉ còn 0,88 (1 người lây cho 0,88 người), mức thấp nhất trong 1 tháng. Tỷ lệ nhập viện cũng giảm xuống còn 69,4%.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/asean-da-co-nhung-hy-vong-vuot-qua-dai-dich-covid-19-post158806.html