ASEAN-Nhật Bản sẽ lập nhiều cam kết hợp tác mới tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới

Cuối tuần này, hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản sẽ diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản).

 Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Sân bay quốc tế Nội Bài, sáng 15/12. Ảnh minh họa: Quân đội Nhân dân

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Sân bay quốc tế Nội Bài, sáng 15/12. Ảnh minh họa: Quân đội Nhân dân

Sự kiện kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ 16/12, sẽ đạt cột mốc mới bằng một tuyên bố chung đặt ra “tầm nhìn mới cho tương lai”, cũng như đưa ra kế hoạch nêu rõ các bước cho một loạt hợp tác rộng rãi.

Hội nghị thượng đỉnh này diễn ra khi Nhật Bản và ASEAN đánh dấu 50 năm tình hữu nghị và hợp tác, đồng thời hai bên cũng đã nâng quan hệ song phương lên mức Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9 vừa qua.

Văn phòng Thủ tướng Singapore mới đây thông tin, Nhật Bản và ASEAN sẽ thảo luận các cách để tăng cường và mở rộng quan hệ đối thoại, bao gồm cả trong các lĩnh vực như nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế xanh.

Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về “các mối quan tâm chung về khu vực cũng như toàn cầu”.

Được biết, mối quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản đã trải qua một chặng đường dài kể từ năm 1973 với nhiều xung đột. Tuy nhiên về sau, cả hai bên đều tìm cách xoa dịu căng thẳng bằng cách thiết lập các kênh đối thoại, lần đầu tiên là vào cùng năm 1973. Điều này tạo tiền đề cho Học thuyết Fukuda 4 năm sau đó, do Thủ tướng Takeo Fukuda ban hành.

Trong đó, học thuyết này nêu ra ba nguyên lý sẽ đóng vai trò là kim chỉ nam cho mối quan hệ của Nhật Bản với ASEAN, rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ là một cường quốc quân sự, đồng thời, Nhật Bản sẽ thúc đẩy quan hệ thân thiết với ASEAN và sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác bình đẳng với ASEAN.

Ngày nay, Nhật Bản liên tục được xếp hạng là đối tác “đáng tin cậy nhất” của ASEAN trong cuộc khảo sát Tình hình Đông Nam Á hàng năm do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS - Yusof Ishak của Singapore thực hiện.

Thêm vào đó, mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và ASEAN cũng rất mạnh mẽ. Cụ thể, vào năm 2022, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai của ASEAN.

Được đồng chủ trì bởi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hội nghị dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố và kế hoạch thực hiện ba trụ cột hợp tác chính: Hòa bình và ổn định khu vực, trao đổi nhân dân và hợp tác, sáng tạo nên một nền kinh tế xã hội trong tương lai, trong đó, ưu tiên các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, tính bền vững, số hóa và năng lượng tái tạo.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm khí thải Carbon và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh hơn ở một trong số những khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, các nhà lãnh đạo sẽ cùng tổ chức một cuộc họp riêng vào ngày 18/12 tới, trong khuôn khổ Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á, một sáng kiến khử Carbon do Nhật Bản đưa ra.

Trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản đang suy thoái và nước này cũng đang đối mặt với một loạt thách thức trong nước, khối ASEAN đã và đang trở thành trung tâm để duy trì tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ trật tự khu vực hiện tại.

Bên cạnh việc đồng chủ trì sự kiện này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ tận dụng cơ hội này để tổ chức các hội nghị thượng đỉnh song phương với các nhà lãnh đạo ASEAN.

Ngoài mục tiêu củng cố mối quan hệ và tăng cường lòng tin giữa Nhật Bản và ASEAN, hội nghị cũng chứng kiến Tokyo công bố “Sáng kiến kết nối toàn diện Nhật Bản - ASEAN”, gồm một loạt các bước để mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực quan trọng, như phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và kết nối kỹ thuật số, hàng hải.

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới diễn ra sau nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ song phương với một số nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Một trong những nội dung quan trọng rút ra từ hội nghị thượng đỉnh, dự kiến sẽ mang tính biểu tượng, sẽ là cam kết hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh mạng và hàng hải, đồng thời thúc đẩy xây dựng năng lực hàng hải. Bằng cách cung cấp các chương trình đào tạo và tàu bảo vệ bờ biển, Nhật Bản đã và đang giúp các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực thực thi pháp luật hàng hải.

Kết hợp với nhiều yếu tố thúc đẩy, nhìn chung, hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ cho thấy mối quan hệ Nhật Bản - ASEAN đang trên một quỹ đạo tích cực theo hướng thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển kinh tế cho toàn khu vực và hơn thế nữa.

Đan Lê (Tổng hợp và lược dịch từ The Straitstimes & Japan Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/asean-nhat-ban-se-lap-nhieu-cam-ket-hop-tac-moi-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-sap-toi-136003.html