ASEAN và Trung Đông: Làm sâu sắc thêm mối quan hệ để mở ra cơ hội kinh tế và thương mại

Tạp chí The Business Times ngày 29/7 đăng tải bài viết của bà Yun Liu, nhà kinh tế học về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Ngân hàng HSBC cho hay, vào thời điểm bất ổn thương mại gia tăng, đa dạng hóa kinh tế đã trở thành chủ đề hàng đầu. Trong bối cảnh này, hành lang ASEAN - Trung Đông đang trở nên nổi bật khi hai khu vực này có tiềm năng kinh tế và kết nối, triển vọng tăng trưởng vững chắc và nhân khẩu học thuận lợi.

 Thương mại song phương giữa hai khu vực đạt hơn 126 tỷ USD vào năm ngoái. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Thương mại song phương giữa hai khu vực đạt hơn 126 tỷ USD vào năm ngoái. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Mặc dù mối liên kết giữa ASEAN và Trung Đông không rộng rãi như với các khu vực khác, nhưng có lý do để tin rằng, vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Chẳng hạn như, đối với thương mại, thương mại song phương đạt tổng cộng hơn 126 tỷ USD vào năm 2023, đây là con số “không đồng đều”.

Ngoại trừ một số sản phẩm nhất định, xuất khẩu của ASEAN sang Trung Đông vẫn còn khá hạn chế. Trong khi xuất khẩu của ASEAN sang khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đã tăng trưởng trong những năm qua, thì mức xuất khẩu tuyệt đối chỉ bằng 1/3 tổng lượng nhập khẩu từ khu vực MENA.

Mặt khác, trung bình 6% lượng nhập khẩu của ASEAN đến từ Trung Đông, tập trung nhiều vào lĩnh vực năng lượng. Trong khi nhập khẩu phi nhiên liệu tăng đều đặn qua các năm, nhập khẩu nhiên liệu chiếm ưu thế với thị phần gần 80%. Điều đó cho thấy, sự phụ thuộc lớn vào thương mại năng lượng chỉ ra những cơ hội đáng kể cho ASEAN trong thương mại phi năng lượng.

Theo dữ liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), tiềm năng xuất khẩu chưa thực hiện của khu vực này lên tới 30 tỷ USD, ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu thực tế của khu vực. Thiết bị điện tử và máy móc điện sẽ được hưởng lợi khi ASEAN hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.

Đồng thời, tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác của MENA sang ASEAN ước tính ở mức 18 tỷ USD; trong đó, nhựa, hóa chất và kim loại là những ngành xuất khẩu đầy hứa hẹn.

Với mức thuế quan trung bình ở hai khối vẫn ở mức cao, những nỗ lực đang được thực hiện ngày càng tăng nhằm thúc đẩy các cơ hội thương mại giữa hai khu vực. Có thể thấy, Singapore là quốc gia ASEAN duy nhất đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), trong khi các quốc gia khác đã khởi xướng hoặc ký kết FTA với từng nền kinh tế riêng lẻ. Ngoài ra, ở cấp độ khu vực, Malaysia đã đề xuất FTA ASEAN-GCC hồi tháng 10 năm ngoái.

Bên cạnh thương mại, đầu tư cũng là một lĩnh vực hợp tác mới nổi giữa hai khu vực. Tuy nhiên, phần lớn dòng vốn dưới hình thức đầu tư danh mục, hơn là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ngoài dòng hàng hóa và đầu tư, ASEAN, một khu vực cung cấp nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, đã nổi tiếng đối với khách du lịch MENA kể từ khi đại dịch bùng phát. Thái Lan nổi bật khi thu hút hơn một nửa trong số 1,1 triệu khách du lịch MENA đến thăm khu vực này vào năm 2023.

“Tuy mối liên kết giữa ASEAN và Trung Đông hiện tại không sâu rộng như các mối liên kết với những khu vực khác, nhưng hành trình không dừng lại ở đây. Tiềm năng vẫn chưa được khai thác, và hai khu vực này sẽ được hưởng lợi từ sự kết nối sâu rộng hơn”, bà Yun Liu kết luận.

LÊ THẢO(Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/asean-va-trung-dong-lam-sau-sac-them-moi-quan-he-de-mo-ra-co-hoi-kinh-te-va-thuong-mai-143497.html