ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán COC
Theo dự kiến, cuộc thảo luận đầu tiên trong vòng đàm phán mới nhằm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc diễn ra trong hai ngày 8 và 9-3 tại Indonesia. Dù còn những khác biệt nhưng cả hai bên đều thể hiện mong muốn sẽ sớm hoàn tất COC, bởi tầm quan trọng của văn kiện này với an ninh khu vực.
Tính cấp bách của COC
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Indonesia, nước đương kim Chủ tịch ASEAN, trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương hồi tuần trước, hai bên đạt thỏa thuận vòng đàm phán mới nhất về COC giữa ASEAN và Trung Quốc diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-3 tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teresita Daza, cuộc đàm phán lần này xem xét các câu chữ của COC. ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán COC từ khoảng 10 năm qua kể từ sau khi hai bên đạt được Tuyên bố chung về ứng xử tại Biển Đông (DOC) ở Phnom Penh, Campuchia hồi năm 2002. Vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra vào tháng 10-2022. Là văn kiện đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được trong vấn đề Biển Đông, DOC là cơ sở để soi chiếu, đánh giá tính hợp pháp, chính đáng trong hành vi của các bên liên quan theo các cam kết của mình. DOC cũng thúc đẩy việc xây dựng lòng tin, hợp tác biển giữa ASEAN và Trung Quốc. DOC cũng góp phần xây dựng các cơ chế, diễn đàn, văn kiện phù hợp để ASEAN và Trung Quốc đối thoại, hợp tác với nhau trên Biển Đông. Tuyên bố này tạo tiền đề cho những bước tiếp theo trong giải quyết căng thẳng trên biển.
Dù là văn kiện mang tính bước ngoặt, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong hơn 20 năm qua, nhưng do không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nên DOC vẫn chưa phát huy hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển. Đã đến lúc phải chuyển DOC thành COC nhằm tránh xảy ra các vi phạm và đối đầu giữa các nước liên quan, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đó là lý do tại sao khu vực cần COC, một công cụ có tính ràng buộc pháp lý, dựa trên Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Triển vọng
Cho đến nay, sau hơn 4 năm kể từ khi ASEAN và Trung Quốc đưa ra dự thảo COC đầu tiên tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 vào tháng 8-2018, bao gồm lập trường của các bên liên quan, nguyện vọng chung của các nước khu vực về một bộ COC chính thức điều tiết căng thẳng trên Biển Đông, vẫn chưa được đáp ứng.
Với tư cách Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia được kỳ vọng có thể thúc đẩy đáng kể các cuộc đàm phán về COC. Ông Dewi Fortuna Anwar, chuyên gia cấp cao về quan hệ quốc tế tại Cơ quan Nghiên cứu và đổi mới quốc gia (BRIN) tại Indonesia, nhận định, là một quốc gia lớn trong khu vực, Indonesia có năng lực và độ tin cậy để thuyết phục Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Điều quan trọng là quốc gia này phải đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN và UNCLOS năm 1982 phải được áp dụng nhất quán. Indonesia có kinh nghiệm trong việc thúc đẩy UNCLOS, có thể được áp dụng để đẩy nhanh các cuộc đàm phán về COC trên Biển Đông.
Một tín hiệu tích cực là tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ở Jakarta vừa qua, hai bên cho biết các cuộc đàm phán về COC sẽ được tăng cường trong năm nay. Theo Ngoại trưởng Retno Marsudi, Indonesia và ASEAN muốn tạo một COC “hiệu quả, thực chất và có thể hành động”. Còn Ngoại trưởng Tần Cương cho biết Trung Quốc và Indonesia sẽ hợp tác với các nước ASEAN khác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, đẩy nhanh tham vấn về COC và cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc ở Campuchia vào tháng 11-2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã hối thúc ASEAN và Trung Quốc hoàn tất đàm phán COC càng sớm càng tốt. Theo ông, COC sẽ là một ví dụ về cách các quốc gia quản lý sự khác biệt thông qua lý trí và thông qua lẽ phải.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/asean-va-trung-quoc-day-nhanh-dam-phan-coc-post681122.html