ASIAD 19 - Đại hội Thể thao xanh và đậm nét văn hóa
Logo, linh vật ASIAD không chỉ là bộ nhận diện quan trọng của sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, mà còn là tấm 'danh thiếp' giới thiệu về văn hóa, lịch sử, thành tựu kinh tế, khoa học-công nghệ của thành phố và nước chủ nhà đăng cai tổ chức ASIAD.
Đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) là một vinh dự đối với bất kỳ thành phố nào. Đây là dịp để thành phố và nước chủ nhà quảng bá hình ảnh văn hóa, đất nước, con người, cũng như giới thiệu những thành tựu kinh tế, khoa học nổi bật với bạn bè thế giới.
Là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học-giáo dục của tỉnh Chiết Giang, Hàng Châu là thành phố thứ 3 của Trung Quốc đăng cai tổ chức ASIAD sau thủ đô Bắc Kinh năm 1990 và thành phố Quảng Châu năm 2010.
Với hơn 2.200 năm lịch sử và lợi thế về vị trí địa lý, Hàng Châu đã hình thành nên văn hóa Tây Hồ, văn hóa Lương Chử, văn hóa tơ lụa, văn hóa trà và nổi tiếng là “thiên đường dưới nhân gian”. Những tinh túy về văn hóa và thành tựu kinh tế, khoa học đã được chắt lọc thể hiện ở logo và linh vật ASIAD 19.
Logo ASIAD 19 - sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người
Logo ASIAD là hình ảnh nhận diện và thông điệp văn hóa quan trọng của ASIAD, đồng thời thể hiện tinh thần Olympic của thành phố đăng cai. Vượt qua 4.263 bản thiết kế, tác phẩm "Sóng triều" của nhóm thiết kế Học viện Mỹ thuật Trung Quốc đã được chọn là logo chính thức của ASIAD 19.
Logo chính thức của ASIAD 19 gồm 2 phần, bên trên là thiết kế hình quạt gồm các biểu tượng: sông Tiền Đường, sóng triều Tiền Đường, đường pitch, biểu tượng internet, mặt trời; bên dưới là tên thành phố đăng cai và năm tổ chức.
Logo ASIAD 19 là sự kết hợp hài hòa giữa hiện tượng thiên nhiên kỳ thú và tinh thần văn hóa-con người. Tạo hình cánh quạt thể hiện chiều sâu văn hóa của vùng Giang Nam; đường pitch đại diện cho thi đấu trong thể thao; biểu tượng internet phù hợp với trọng điểm kinh tế của thành phố Hàng Châu; mặt trời là biểu tượng của Hội đồng Olympic châu Á; sông Tiền Đường và sóng triều là biểu tượng trung tâm của logo ASIAD 19.
"Sóng triều" vừa mang hơi thở thời đại, vừa hàm chứa nội hàm văn hóa và đầy tính sáng tạo, có tính thị giác mạnh, phù hợp với tinh thần thể thao và tầm vóc của thành phố đăng cai.
Trên thế giới có hơn 400 cửa sông đổ ra biển xảy ra hiện tượng sóng triều, trong đó cửa sông Amazon và sông Tiền Đường có sóng triều to nhất. Từ hơn 2.000 năm trước, sử sách đã ghi lại hiện tượng sóng triều ở sông Tiền Đường. Ngoài ra, sông Tiền Đường thời xưa là một huyết mạch giao thông đường thủy và cũng là nguồn cảm hứng thi ca cho nhiều thi nhân nổi tiếng như Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên, Bạch Cư Dị...
Linh vật ASIAD 19 - kết tinh văn hóa và tinh thần thể thao
Là biểu tượng quan trọng và trực quan nhất của ASIAD 19, linh vật Á vận hội vừa nêu bật được tinh thần chung của ASIAD, đồng thời cũng thể hiện tính sáng tạo, thân thiện của nước chủ nhà ASIAD.
Vượt qua 4.633 tác phẩm thiết kế linh vật ASIAD 19, bộ tác phẩm “Ký ức Giang Nam” gồm 3 linh vật Congcong, Chenchen và Lianlian được lấy cảm hứng từ 3 di sản văn hóa thế giới: Di tích thành cổ Lương Chử, Tây Hồ, Đại vận hà nối Bắc Kinh-Hàng Châu đã được chọn trở thành linh vật ASIAD 19.
Được lấy cảm hứng từ di tích thành cổ Lương Chử, linh vật Congcong đội vương miện có nhiều họa tiết văn hóa cổ, với sở trường là các môn thể thao truyền thống và sức mạnh mang hàm ý không sợ hiểm nguy, vượt lên chính mình.
Trong khi đó, linh vật Chenchen với thiết kế giọt nước ở trên đầu được lấy cảm hứng từ kênh đào cổ, có sở trường về các môn bóng và tốc độ, tượng trưng cho tinh thần xông pha, dũng cảm đi đầu.
Linh vật cuối cùng có tên Lianlian được lấy cảm hứng từ lá sen ở Tây hồ, có sở trường về các môn kỹ thuật và thể thao dưới nước, tượng trưng cho internet vạn vật, phát triển bao trùm.
Bộ ba linh vật Congcong, Chenchen và Lianlian vừa kết tinh bề dày văn hóa của thành phố Hàng Châu cổ kính, vừa thể hiện tinh thần thời đại tiến về phía trước.
ASIAD xanh với “2 mục tiêu carbon”
Năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đề ra mục tiêu phấn đấu đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Với định hướng “2 mục tiêu carbon”, toàn bộ địa điểm thi đấu ở ASIAD 19 sẽ sử dụng điện xanh để biến Đại hội Thể thao châu Á lần này thành một kỳ “ASIAD xanh”.
Điều này có thể hiện thực hóa được là nhờ vào thành tựu nổi bật của ngành năng lượng mới của Trung Quốc, khi công suất tổ máy phát điện năng lượng tái tạo đã vượt nhiệt điện; 50% thiết bị điện gió, 80% thiết bị năng lượng mặt trời trên thế giới được cung cấp bởi doanh nghiệp Trung Quốc.
Một tấm pin năng lượng mặt trời ở tỉnh Thanh Hải với công suất phát điện bình quân 2,2 số điện/ngày, có thể đủ thắp sáng một bóng đèn tiết kiệm điện ở nhà thi đấu và cung thể thao dưới nước Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu trong 220 giờ. Với 16 hợp đồng cung cấp điện xanh cho ASIAD 19, tổng lượng điện đạt 621 triệu kWh, tương đương với tiết kiệm 76.000 tấn than. Từ tháng 3 cho đến cuối năm 2023, toàn bộ 56 địa điểm thi đấu ở ASIAD 19 sẽ sử dụng điện xanh.
“Chúng tôi thực hiện tiêu chí ASIAD xanh, toàn bộ quá trình tổ chức sẽ không phát thải CO2, lễ khai mạc sẽ không có màn bắn pháo hoa như truyền thống, ngọn đuốc chính ASIAD cũng sử dụng nhiên liệu xanh”.
Tổng đạo diễn Lễ khai mạc ASIAD 19, Sa Hiểu Lam
Tiêu chí ASIAD xanh được tính toán chi tiết đến năng lượng tiêu hao của từng bóng đèn, từng máy điều hòa, từng chiếc thang máy. Tầng 4 và tầng 5 của Nhà thi đấu Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu được chia thành hơn 70 khu vực để lắp cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, mật độ người qua lại, từ đó tính toán và xây dựng phương án tiêu thụ năng lượng điện phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của mỗi khu vực để vừa thực hiện cắt giảm phát thải CO2 vừa tránh lãng phí tài nguyên.
Ngoài ra, trên đỉnh mái của Nhà thi đấu và Cung thể thao dưới nước ở Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu cũng lắp đặt 210 thanh điều hướng ánh sáng được điều khiển bằng hệ thống thông minh để đưa ánh sáng bên ngoài vào trong, giúp tiết kiệm được 100.000 số điện mỗi năm.
ASIAD 19 cũng hướng đến giao thông xanh, khi hơn 2.000 ô tô năng lượng mới của ban tổ chức đưa vào sử dụng để cung cấp dịch vụ đưa đón tại các địa điểm thi đấu, Làng ASIAD.
Tỉnh Chiết Giang là địa phương đầu tiên ở Trung Quốc triển khai toàn diện công tác xử lý ô nhiễm, giảm phát thải CO2 và đạt được kết quả ấn tượng. Năm 2022, mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích, 4% dân số, 4% lượng phát thải CO2 của Trung Quốc, nhưng Chiết Giang đã tạo ra 6,26% GDP của cả nước.
Thực tế từ giảm phát thải CO2 tại ASIAD 19 lần này sẽ là hình mẫu để tỉnh Chiết Giang và cả Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy thực hiện “2 mục tiêu carbon” trong thời gian tới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/asiad-19-dai-hoi-the-thao-xanh-va-dam-net-van-hoa-post773935.html