ASML và các hãng thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới nhận đề nghị cung cấp doanh số bán hàng cho Trung Quốc

Những người cứng rắn về Trung Quốc trong Quốc hội Mỹ đang kêu gọi các hãng thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới như KLA, LAM Research, Applied Materials, Tokyo Electron và ASML cung cấp chi tiết về doanh số bán hàng của họ cho Trung Quốc.

John Moolenaar (đảng viên đảng Cộng hòa) và Raja Krishnamoorthi (đảng viên đảng Dân chủ) đã gửi thư đến các công ty này trong bối cảnh có sự phản đối các quy định dự kiến của Mỹ nhằm siết chặt hơn nữa việc vận chuyển thiết bị sản xuất chip đến Trung Quốc.

“Chúng tôi hiểu một số nhà sản xuất thiết bị tin rằng chúng ta Mỹ hạn chế việc mở rộng các biện pháp kiểm soát đơn phương trong tương lai, do lo ngại về tác động đến tính cạnh tranh của ngành này. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn không nhất thiết sẽ làm suy yếu ngành công nghiệp sản xuất thiết bị”, họ cho hay.

Các công ty Mỹ như KLA, LAM Research, Applied Materials, cũng như Tokyo Electron (Nhật Bản) và ASML (Hà Lan) không phản hồi ngay lập tức câu hỏi của Reuters.

Việc John Moolenaar và Raja Krishnamoorthi gửi thư diễn ra trong bối cảnh đang có sự phản đối, ngay cả từ một số đảng viên đảng Dân chủ, với vòng quy định xuất khẩu tiếp theo của chính quyền Biden, vốn nhằm mục tiêu hạn chế hơn nữa khả năng Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chip.

Mỹ lo ngại sự tiến bộ trong năng lực sản xuất chip Trung Quốc, được thúc đẩy bởi việc mua các thiết bị từ Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản, đang góp phần vào hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính quyền Biden gặp khó khăn trong việc đưa các đồng minh như Nhật Bản và Hà Lan cùng thực hiện các biện pháp mới, khiến ngành công nghiệp Mỹ lo ngại rằng các công ty nước này sẽ chịu thiệt thòi không công bằng.

Trong lá thư gửi vào tháng 8, các thành viên đảng Dân chủ ở bang California (Mỹ) lập luận rằng một vòng kiểm soát xuất khẩu mới có thể đẩy các công ty Mỹ lâu đời vào vòng xoáy đi xuống, bởi các đồng minh của nước này chưa áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu mạnh mẽ như vậy với các công ty của họ.

John Moolenaar, Raja Krishnamoorthi kêu gọi ASML cùng các hãng bán thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới cung cấp chi tiết về doanh số bán hàng của họ cho Trung Quốc - Ảnh: Internet

John Moolenaar, Raja Krishnamoorthi kêu gọi ASML cùng các hãng bán thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới cung cấp chi tiết về doanh số bán hàng của họ cho Trung Quốc - Ảnh: Internet

Ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đang chuẩn bị cho 4 năm đấu tranh căng thẳng với Mỹ dưới thời ông Donald Trump khi cố mua thiết bị sản xuất chip từ nước ngoài, tìm cơ hội để tuyển dụng nhân tài ngoại quốc và hình thành các liên minh mới.

Trong số các chiến lược đang được Trung Quốc xem xét có việc theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia và công ty có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách tương lai của ông Trump và tăng gấp đôi khả năng tự cung tự cấp, theo đánh giá từ hơn 30 bài viết và ghi chú nghiên cứu do các công ty, hiệp hội và nhà phân tích chip Trung Quốc công bố tuần này sau khi ông Trump đắc cử.

Ông Trump đặc biệt nhắm vào tập đoàn viễn thông lớn Huawei và ZTE cũng như SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Chính quyền Trump đưa 3 công ty Trung Quốc này vào danh sách đen thương mại để hạn chế quyền tiếp cận của họ vào phần cứng và phần mềm quan trọng ở Mỹ. Ngược lại, chính quyền Biden đã dựa vào các biện pháp kiểm soát xuất khẩu rộng rãi, nhằm cắt đứt toàn bộ Trung Quốc khỏi quyền tiếp cận các loại chip AI tiên tiến nhất do các công ty Mỹ sản xuất.

Zhu Jing, Phó tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Bắc Kinh, đã thúc giục các công ty chip Trung Quốc tăng cường hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và mở rộng sang nhiều quốc gia hơn. Ông nói về cơ hội tiếp tục mua một số loại chip nhập khẩu nếu sự phối hợp toàn cầu giữa Mỹ, Nhật Bản và châu Âu để thực thi các lệnh trừng phạt với Trung Quốc suy yếu dưới thời ông Trump.

Ông Trump đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ 2017-2021 của mình bằng cách cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, viện dẫn các hành vi thương mại không công bằng và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cách tiếp cận thẳng thừng của Trump cùng với việc áp đặt các mức thuế đột ngột và trên diện rộng có thể khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng và làm suy yếu mọi nỗ lực phối hợp, theo các giám đốc công nghệ Trung Quốc.

Các công ty cũng nên tăng cường thu hút nhân tài ở nước ngoài nếu chính quyền Trump lặp lại lập trường của nhiệm kỳ đầu tiên và thực hiện các chính sách gây khó khăn cho sinh viên cùng chuyên gia Trung Quốc làm việc tại Mỹ, Zhu Jing cho biết trong bài viết trên WeChat.

"Sau khi Trump nhậm chức, có thể sẽ có một số lợi ích cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc về mặt nhân tài chuyên môn, các công ty đa quốc gia và hợp tác nước ngoài. Tôi khuyến nghị chúng ta nên thích ứng với tình hình mới và thay đổi kịp thời", ông đề cập thêm.

Nhiều bài viết cũng dự đoán rằng ngành này sẽ phải đối mặt với sự gia tăng kiểm soát xuất khẩu và thuế quan tiềm năng dưới thời ông Trump, rằng việc tập trung vào tự cung tự cấp là cách để tiến lên.

"Nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã khiến chúng tôi nhận ra tầm quan trọng về chất bán dẫn và sự cần thiết nội địa hóa, mở đường cho ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc trở nên tự chủ", Jinan Lujing Semiconductor Co, hãng sản xuất chip bảo mật và thiết bị năng lượng, viết trên tài khoản WeChat của mình.

Trung Quốc đã tăng cường mua thiết bị bán dẫn từ nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng thiết bị bán dẫn nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng 1/3 lên 24,12 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ hải quan nước này.

Trong số đó, 7,9 tỉ USD đã được chi cho các máy in quang khắc, cần thiết để sản xuất các loại chip tiên tiến, tăng 35,44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết máy quang khắc này đều đến từ Hà Lan, trị giá 7 tỉ USD. ASML đã ngừng vận chuyển các máy quang khắc cực tím sâu (DUV) tiên tiến nhất của mình đến Trung Quốc trong năm nay và cả các mẫu DUV cũ hơn cho một số nhà máy nhất định, theo các quy tắc do chính quyền Biden đưa ra năm ngoái. ASML đã không thể vận chuyển các máy in thạch bản cực tím (EUV) của mình đến Trung Quốc kể từ năm 2019 theo lệnh cấm từ Mỹ.

Hai nguồn tin trong ngành nói với hãng tin Reuters rằng các công ty Trung Quốc đã tối đa hóa các đơn đặt hàng thiết bị bán dẫn để bảo vệ mình khỏi mọi tác động của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Các nguồn tin yêu cầu không nêu tên do tính nhạy cảm của vấn đề.

"Các công ty công nghệ Trung Quốc, vốn bị ảnh hưởng bởi thuế quan trong thời chính quyền Trump đầu tiên, đã dần mở rộng năng lực sản xuất của mình để giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Lần này, họ đã chuẩn bị kỹ hơn, cảm thấy sẵn sàng hơn so với cuộc chiến thương mại năm 2018 và cuộc bầu cử năm 2020", Nori Chiou, Giám đốc đầu tư tại hãng White Oak Capital Partners (Singapore), nhận định.

Michael McCaul kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ kiểm tra xem SMIC có sản xuất chip bất hợp pháp cho Huawei hay không - Ảnh: Internet

Michael McCaul kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ kiểm tra xem SMIC có sản xuất chip bất hợp pháp cho Huawei hay không - Ảnh: Internet

Cách đây chưa lâu, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael McCaul kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ kiểm tra xem SMIC có sản xuất chip bất hợp pháp cho Huawei hay không.

Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Hạ viện, cáo buộc chính quyền Biden không làm đủ để ngăn chặn SMIC củng cố ngành sản xuất chip và tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc.

Ông đã thúc giục các đặc vụ của Bộ Thương mại Mỹ đến thăm các cơ sở SMIC và kiểm tra xem công ty này có sản xuất chip bất hợp pháp cho Huawei hay không.

Bị Mỹ trừng phạt từ 2019, công ty thiết bị viễn thông Huawei được coi là “lá cờ đầu” trong ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.

Trong một lá thư mà hãng tin Reuters đã xem, Michael McCaul mô tả những gì ông gọi là "sự thất vọng ngày càng tăng từ lưỡng đảng" rằng Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại chưa phản ứng sau các báo cáo về nỗ lực của Huawei nhằm lách luật kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ.

Michael McCaul viết cho Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ - Alan Estevez rằng: "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy SMIC đang vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Nếu Trung Quốc không sẵn sàng ngay lập tức chấp nhận cuộc kiểm toán toàn diện tất cả cơ sở và sổ sách của SMIC, BIS nên tạm dừng tất cả giấy phép hiện có cho SMIC".

Michael McCaul cho rằng những đột phá của SMIC, gồm cả chip tiên tiến trong smartphone Huawei và dự kiến sản xuất hơn 1 triệu chip AI cho Huawei, là "bằng chứng rõ ràng" cho hành vi vi phạm và có thể giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ trong lĩnh vực AI.

SMIC lần lượt sản xuất chip Kirin 9000s, Kirin 9010 theo tiến trình 7 nanomet cho dòng Mate 60 và Pura 70 của Huawei, vốn đạt được thành công ngoài mong đợi. Huawei dự kiến sẽ ra mắt dòng smartphone 5G hàng đầu mới của mình là Mate 70 trong tháng 11 này. Theo một số nguồn tin, SMIC cũng sản xuất chip cho dòng Mate 70.

Bộ Thương mại Mỹ thông báo đã nhận được thư của Michael McCaul và sẽ phản hồi thông qua "các kênh thích hợp". Tuần trước, để đáp lại những lời chỉ trích tương tự, họ tuyên bố chưa có chính quyền nào mà Bộ Thương mại Mỹ cứng rắn với Trung Quốc như hiện nay.

SMIC bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) năm 2020 vì cáo buộc có liên hệ với tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc. Năm 2019, Huawei bị đưa vào danh sách này sau cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt. Cả hai công ty Trung Quốc trước đó đều phủ nhận hành vi sai trái.

Các công ty nằm trong danh sách thực thể sẽ bị hạn chế nhận sản phẩm, công nghệ hoặc dịch vụ từ Mỹ. Dù Huawei và SMIC bị đưa vào danh sách này, chính quyền Trump thời trước vẫn cho phép các công ty Mỹ xin giấy phép đặc biệt để tiếp tục xuất khẩu hàng hóa và công nghệ cho họ.

Hôm 8.11, Zhao Haijun (đồng Giám đốc điều hành SMIC) cho biết công ty này không thể tận dụng tối đa nhu cầu tăng cao với chip AI do các hạn chế của Mỹ về công nghệ quy trình sản xuất tiên tiến.

Ông đưa ra bình luận này một ngày sau khi SMIC báo cáo doanh thu kỷ lục trong quý 3/2024 do nhu cầu mạnh mẽ với chip cũ, gồm cả loại được dùng trong ô tô điện.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ ngăn cản công ty có trụ sở tại Thượng Hải này nhập khẩu công cụ tiên tiến cần thiết để nâng cấp quy trình xử lý chip và thu hẹp khoảng cách công nghệ với đối thủ TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, ở Đài Loan). Tuy nhiên, Zhao Haijun cho rằng SMIC vẫn có thể hưởng lợi từ sự bùng nổ AI trên toàn ngành.

"AI là điều may mắn cho ngành sản xuất chất bán dẫn. Nó có thể mang lại cho chúng tôi sự tăng trưởng kinh doanh nhiều năm tới”, Zhao Haijun nói với các nhà phân tích hôm 8.11.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/asml-va-cac-hang-thiet-bi-san-xuat-chip-hang-dau-the-gioi-nhan-de-nghi-cung-cap-doanh-so-ban-hang-cho-trung-quoc-225870.html