Australia cân nhắc hạn chế xuất khẩu khí đốt

Australia đang cân nhắc các biện pháp để đảm bảo duy trì đủ lượng khí đốt dành cho thị trường nội địa, không loại trừ việc thắt chặt xuất khẩu và thiết lập một kho dự trữ khí đốt ở bờ biển phía Đông.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Chính phủ Australia đang cân nhắc các biện pháp thích hợp để đảm bảo duy trì đủ lượng khí đốt dành cho thị trường nội địa, không loại trừ việc thắt chặt xuất khẩu và thiết lập một kho dự trữ khí đốt ở bờ biển phía Đông của nước này.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt năng lượng ngày càng lan rộng trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt.

Dự kiến vào tuần tới, Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Chris Bowen sẽ triệu tập các cuộc họp khẩn cấp tại bang Queensland với các nhà chức trách cấp tiểu bang và các nhà sản xuất khí đốt trong nước, để giải quyết vấn đề năng lượng và giá năng lượng.

Ông Bowen ngày 2/6 tuyên bố đã có những dấu hiệu tích cực cho triển vọng cung cấp khí đốt của Australia. Ông cam kết sẽ thực hiện các hành động cần thiết để giúp doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” giá năng lượng tăng vọt.

Bộ trưởng Bowen tiết lộ rất có thể Chính phủ Australia sẽ tính toán thắt chặt nguồn cung khí đốt, cụ thể là giảm lượng xuất khẩu để buộc các nhà sản xuất phải cung cấp nhiều khí đốt hơn cho thị trường nội địa. Đây được xem là giải pháp tối ưu nhất trong ngắn hạn, nhằm giữ lượng khí đốt ở mức an toàn, với mức giá hợp lý, cho người dân Australia.

Liên minh Công nhân Australia (AWU) đã lên tiếng thúc giục chính phủ khẩn trương hơn nữa trong các quyết định liên quan tới an ninh năng lượng, vì về cơ bản sản xuất không thể tồn tại trong điều kiện giá khí đốt tăng vọt kéo dài. Nhiều nhà sản xuất lớn của Australia cảnh báo hàng nghìn việc làm tại địa phương đang bị đe dọa, khi giá năng lượng tăng “phi mã”.

Đầu tuần này, Cơ quan điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) đã áp đặt giới hạn giá, một biện pháp hiếm khi được sử dụng đến, đối với giá bán buôn khí đốt. Đồng thời, AEMO cũng đưa ra cảnh báo về dự trữ khí đốt thấp ở mức nguy hiểm tại các bang Victoria, Nam Australia và Tasmania. Ngày 1/6, AEMO lần đầu tiên đã kích hoạt cơ chế Đảm bảo Cung cấp Khí đốt, vốn được thiết kế để lấp đầy khoảng trống có thể xảy ra trên thị trường khí đốt địa phương.

Theo cơ chế tự nguyện, ba nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên (LNG) tại bang Queensland, là liên doanh giữa các tập đoàn năng lượng Origin Energy, Santos và Shell cùng các nhà sản xuất trong nước của Australia, đã chuyển hướng cung cấp khí đốt dành cho nước ngoài về thị trường nội địa. Liên doanh này tập trung vào khu vực phía Nam, nơi có nhiều nhà máy sản xuất điện năng.

Tại bang Tây Australia, chính quyền bang này đã yêu cầu các nhà xuất khẩu khí đốt dành 15% sản lượng của họ cho người mua địa phương. Những bên tiêu thụ năng lượng chủ chốt cho rằng một kế hoạch tương tự nếu được triển khai ở các khu vực khác sẽ thúc đẩy đáng kể nguồn cung năng lượng và giúp giữ giá khí đốt ở mức hợp lý.

Một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ Australia có thể can thiệp vào thị trường theo Cơ chế An ninh Khí đốt Nội địa Australia (ADGSM) và cho phép Bộ trưởng Tài nguyên Madeleine King có quyền yêu cầu các nhà sản xuất khí đốt chuyển hướng vào thị trường địa phương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bowen lưu ý rằng ADGSM "không phải là một giải pháp trong ngắn hạn" vì nó đòi hỏi một khoảng thời gian tham vấn theo quy định và sẽ không thể được ban hành trong năm nay. Hơn nữa, cơ chế này chỉ kích hoạt đủ nguồn cung để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt, thay vì giảm chi phí khí đốt.

Hiệp hội Khai thác và Sản xuất Dầu khí Australia, một nhóm đại diện cho các nhà sản xuất khí đốt, cho biết nhiều cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương và liên bang đang được tiến hành. Quyền Giám đốc điều hành Damian Dwyer khẳng định các thành viên của Hiệp hội đều mong muốn có thể cùng với các nhà chức năng tìm kiếm giải pháp để giải quyết tình hình khó khăn hiện nay./.

Diệu Linh (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/australia-can-nhac-han-che-xuat-khau-khi-dot/246125.html