Australia cần tàu ngầm hạt nhân để giải quyết vấn đề lớn

Việc Hải quân Australia sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận với Pháp để có được tàu ngầm hạt nhân Mỹ đã khiến nhiều chuyên gia phải đặt câu hỏi về mục đích.

Sau khi Australia tuyên bố từ bỏ thỏa thuận với Pháp để mua 12 tàu ngầm diesel-điện và đang ký hợp đồng với Mỹ và Anh để chế tạo ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Canberra đã lên tiếng giải thích:

"Đây là cơ hội lịch sử để ba quốc gia có cùng chí hướng trở thành đồng minh và đối tác bảo vệ các giá trị chung, thúc đẩy an ninh cũng như thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương",báo cáo của chính phủ Australia nêu rõ.

Sau đó những tuyên bố giận dữ đến từ Paris và Bắc Kinh. Trung Quốc gọi đó là "tâm lý lạc hậu thời Chiến tranh Lạnh" và Pháp đe dọa Australia "chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất".

Nhưng Canberra đã sẵn sàng cho những hậu quả chính trị, vì họ rất cần một cuộc đổi mới cho hạm đội tàu ngầm của mình.

Tàu ngầm diesel điện lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Australia

Tàu ngầm diesel điện lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Australia

Hiện nay Hải quân Australia có 6 tàu ngầm diesel-điện đa năng lớp Collins do Kockums từ Thụy Điển thiết kế và đưa vào biên chế từ năm 1996 - 2003.

Lượng giãn nước của chúng là 3.400 tấn, có thể hoạt động liên tục trên biển 90 ngày (thủy thủ đoàn 58 người). Đây là một trong những tàu ngầm diesel-điện lớn nhất thế giới sau lớp Soryu của Nhật Bản với lượng giãn nước 4.200 tấn.

"Thỏa thuận thế kỷ" mà Canberra và Paris đã ký vào năm 2016, liên quan đến việc thay thế các tàu ngầm lớp Collins bằng 12 tàu ngầm diesel-điện đa năng Shortfin Barracuda Block 1A (phiên bản phi hạt nhân của tàu ngầm hạt nhân đa năng Barracuda) với giá 38,8 tỷ USD.

Lớp tàu ngầm này có lượng giãn nước 4.000 tấn, thủy thủ đoàn 60 người, nhưng chúng chỉ có thể ở dưới nước trong 70 ngày. Do đó các đặc tính hoạt động của tàu ngầm mới hóa ra không tốt hơn tàu cũ, trong khi giá của chúng hiện đã tăng lên 66 tỷ USD, nếu tính chi phí bảo dưỡng trong tương lai thậm chí còn nhiều hơn.

Trong khi đó tàu ngầm hạt nhân có thể ở dưới nước lâu hơn, đi được quãng đường dài và di chuyển nhanh hơn so với tàu ngầm diesel. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro với đối thủ nhất - đối thủ của Úc sẽ phải thường xuyên tự hỏi liệu có một tàu ngầm hạt nhân của Australia đang ẩn náu gần đó không?

"Australia cần tàu ngầm hạt nhân để giải quyết một vấn đề lớn. Căn cứ tàu ngầm duy nhất của họ nằm ở bờ biển phía Tây đất nước, không xa Perth, tức là 3.500 dặm từ Biển Đông".

"Tàu ngầm Collins đi vào bóng tối của hạm đội đối phương có thể phải mất 1 tuần với tốc độ tối đa 20 hải lý/h để đến khu vực tuần tra của nó - và sẽ mất một tuần nữa để về đến nhà, như vậy là quá dài", báo cáo cho biết.

Nhờ lò phản ứng hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân đa năng lớp Virginia của Mỹ với lượng giãn nước 7.800 tấn, có thể đạt tốc độ trên 25 hải lý/giờ. Thay thế Collins bằng Virginia - thời gian di chuyển sẽ giảm đi một ngày và quá cảnh sẽ chỉ bằng 3% thời gian tuần tra. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ không phải trả tiền cho một cơ hội như vậy.

Không ai biết chắc chắn Canberra sẽ chi bao nhiêu cho 8 tàu ngầm. Mỹ - nước có nhiều kinh nghiệm và tiềm năng to lớn trong việc đóng tàu ngầm, chỉ chi hơn 2 tỷ USD cho việc chế tạo mỗi tàu ngầm hạt nhân như vậy (không tính các chi phí khác).

Nhưng Washington và London hứa sẽ chuyển giao công nghệ cho Canberra, điều mà người Pháp không muốn làm.

Khả năng 8 tàu ngầm hạt nhân sẽ có giá cao hơn nhiều so với 12 tàu ngầm diesel-điện Shortfin Barracuda Block 1A, nhưng chi phí này là hợp lý, vì chúng sẽ trở thành một tiềm năng hải quân lâu dài và bền vững, các phương tiện truyền thông kết luận.

Theo Tùng Dương/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/australia-can-tau-ngam-hat-nhan-de-giai-quyet-van-de-lon/20211001114423823