Australia 'chật vật' trước bài toán ứng phó với biến đổi khí hậu

Nghiên cứu mới cho thấy 116 dự án nhiên liệu hóa thạch mới của Australia đưa vào triển khai trước năm 2030 sẽ thải ra 4,8 tỷ tấn khí thải trong thời gian tới.

Theo trang SCMP, chính phủ Australia vừa phê duyệt 116 dự án nhiên liệu hóa thạch mới và dự kiến sẽ thực hiện trước năm 2030. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho biết những dự án này đang gây trở ngại cho quá trình thực hiện cam kết của nước này về biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Theo Viện Australia, khoảng 116 dự án mới đã được chính phủ Australia phê duyệt - bắt đầu đưa vào sản xuất trước năm 2030 - sẽ thải ra 4,8 tỷ tấn khí thải trong thời gian tới. Con số đó lớn hơn khoảng 24 lần so với mức giảm 205 triệu tấn khí thải từng cam kết trong chính sách khí hậu của Australia.

Ông Richard Denniss, nhà kinh tế trưởng của Viện cho biết mối liên hệ giữa các dự án nhiên liệu hóa thạch cùng với các quy tắc cho phép những người gây ô nhiễm có cơ hội trả phí đang gây nhiều tranh cãi. Cách làm hiện tại khiến "Australia sẽ rất khó đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn" về khí hậu. Trong khi hầu hết các quốc gia đang chuyển đổi khỏi khí đốt và than đá thì Australia vốn đã là nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn thứ ba thế giới, vẫn đang tiếp tục phát triển ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.

Nghiên cứu mới được đưa ra sau khi Australia "bật đèn xanh" cho luật mới vào cuối năm ngoái nhằm cắt giảm 43% lượng khí thải carbon vào năm 2030 và xuống dưới 0% vào năm 2050. Trước những ý kiến trái chiều cho rằng Australia đang chậm trễ trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nước này hiện là một trong những quốc gia có lượng phát thải bình quân đầu người lớn nhất trên thế giới.

Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và giữ hạn chế ở mức 1,5 độ C. Nghiên cứu ngày 21/3 cho biết lợi nhuận cao có thể đã tạo động lực bổ sung mạnh mẽ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới của Australia.

Cần hành động quyết đoán trước biến đổi khí hậu

Trong suốt 3 năm đại dịch Covid-19, giá than đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Australia vẫn tăng cường tiếp cận năng lượng nhiên liệu hóa thạch dễ sử dụng. Ông Mark Ogge, một trong những tác giả của báo cáo và Cố vấn chính tại Viện cho rằng các chính sách về khí hậu của Australia chưa thực sự hiệu quả.

"Thay vì ngừng các dự án nhiên liệu hóa thạch gây thiệt hại thì Australia lại hợp pháp hóa và giúp tạo điều kiện thuận lợi cho chúng. Điều chúng tôi cần là tính chắc chắn thực sự từ Australia, đảm bảo cam kết rằng sẽ không có thêm dự án than hoặc khí đốt nào", ông Mark Ogge nhấn mạnh.

Chính phủ Australia muốn cải thiện cơ chế này bằng việc đưa ra các quy định mới, buộc hầu hết các công ty phải cắt giảm lượng khí thải 4,9%/năm và vẫn cho phép họ mua tín chỉ carbon để bù đắp bất kỳ khoảng trống nào chưa đáp ứng. Ngày 21/3, bà Kerry Schott - Cựu cố vấn năng lượng của chính phủ Australia đã kêu gọi Canberra nhanh chóng thay đổi cơ chế bảo vệ khí hậu. Nếu không, một số khu vực sẽ bị ô nhiễm nặng nề, vượt quá mức cam kết giảm phát thải carbon.

Đầu tuần này, hơn 50 tổ chức môi trường của Australia, bao gồm Greenpeace đã công bố bức thư ngỏ yêu cầu chính phủ phải làm theo lời khuyên của các nhà khoa học trên thế giới và hạn chế các dự án mới. Trong khi đó, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã đưa ra một báo cáo mang tính bước ngoặt cảnh báo rằng tốc độ và quy mô của hành động khí hậu là chưa đủ để giải quyết biến đổi khí hậu.

Khi công bố báo cáo, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã kêu gọi một "chương trình nghị sự tăng tốc chung tay", bao gồm thúc đẩy loại bỏ dần các dự án than ở các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) vào năm 2030, và đến năm 2040 ở các quốc gia khác. Australia cũng là một thành viên của OECD. Các cuộc thăm dò của Viện Australia trong tuần trước cho thấy hầu hết người Australia ủng hộ lệnh cấm các dự án khí đốt và than mới.

Ông Xuyang Dong, nhà phân tích chính sách năng lượng của tổ chức tư vấn tài chính năng lượng khí hậu Australia, cho rằng biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng năng lượng rõ ràng đang gây nguy hiểm cho lợi ích quốc gia của Australia hiện nay và đòi hỏi các cuộc đối thoại đa dạng hơn nữa để giải quyết vấn đề này./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/australia-chat-vat-truoc-bai-toan-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-20230322150902428.htm