Australia và New Zealand chưa nới lỏng các biện pháp hạn chế

Các biện pháp hạn chế đã giúp giảm mạnh số ca nhiễm mới tại Australia và New Zealand và không gây quá tải cho hệ thống y tế của mỗi nước.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Canberra, Australia, ngày 20/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Canberra, Australia, ngày 20/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 13/4, giới chức Australia và New Zealand đã hoan nghênh những dấu hiệu thành công ban đầu trong kiềm chế tốc độ lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu.

Tuy nhiên, cả giới chức hai nước đều thận trọng cho rằng còn quá sớm để nới lỏng các quy định giãn cách xã hội hoặc mở cửa lại nền kinh tế.

Thời gian qua, New Zealand đã áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc, trong khi Australia đã siết chặt nhiều hoạt động.

Các biện pháp này đã giúp giảm mạnh số ca nhiễm mới tại Australia và New Zealand và không gây quá tải cho hệ thống y tế của mỗi nước.

Theo Bộ Y tế Australia, số ca nhiễm mới tại nước này trong ngày 13/4 đã tăng thêm 33 ca lên 6.322 ca.

Đây là mức tăng thấp nhất trong một tháng và chỉ bằng chưa đầy 10% so với cách đây 2 tuần. Số ca tử vong tại Australia hiện là 61 ca.

Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho rằng hiện còn quá sớm để nới lỏng các hạn chế dù đường cong các ca nhiễm đang phẳng dần.

Theo ông, đây là thời điểm cần phải duy trì các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội, những biện pháp đã cho thấy tính hiệu quả trong việc giảm mạnh số ca nhiễm mới.

Trong lễ Phục sinh vào cuối tuần qua, Australia đã triển khai các biện pháp mạnh tay như điều trực thăng, lập chốt kiểm soát và phạt nặng những người dân vi phạm lệnh cấm đi lại hoặc lệnh cấm tụ tập.

Trong ngày 13/4, New Zealand đã ghi nhận ca tử vong thứ 5 do virus SARS-CoV-2, trong khi số ca nhiễm mới đã tăng thêm 15 ca lên 1.064 ca. Số ca nhiễm mới này chỉ tương đương 1/6 so với đầu tháng này.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố quyết định về việc liệu có gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc và khẩn cấp quốc gia sẽ được đưa ra vào ngày 20/4 tới.

Thủ tướng Adern cho rằng dù số ca nhiễm tại nước này không lớn, song điều này không có nghĩa New Zealand đã thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh.

Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, cả hai nước đã triển khai các gói chi tiêu rất lớn. Chính phủ Australia đã cam kết chi 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để hỗ trợ nền kinh tế.

Cuối tuần qua, nhà chức trách Australia cũng đã thảo luận với các hãng hàng không Qantas Airways Ltd và Virgin Australia Holdings Ltd về việc giảm bớt các chuyến bay nội địa.

Thủ tướng Adern cho biết vào tuần tới, Chính phủ New Zealand sẽ ban bố hướng dẫn về năng lực phục hồi của nền kinh tế.

Bà nhấn mạnh chính phủ cũng đã hiểu được tầm quan trọng của việc nối lại hoạt động kinh tế sớm nhất có thể./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/australia-va-new-zealand-chua-noi-long-cac-bien-phap-han-che/634159.vnp