AVSE Global tổ chức hai hội thảo quốc tế hữu ích tại Việt Nam

Từ ngày 12-13/12, Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) sẽ tổ chức hai hội thảo quốc tế về những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công trình ngoài khơi và biến đổi khí hậu tại Hà Nội và TP. Đà Nẵng.

Cụ thể, Hội thảo quốc tế về những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công trình ngoài khơi lần thứ ba (3rd Vietnam Symposium on Advances in Offshore Engineering - VSOE 2024) diễn ra tại Hà Nội do AVSE Global và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) đồng tổ chức.

Đại biểu tham dự VSOE 2022. (Nguồn: AVSE Global)

Đại biểu tham dự VSOE 2022. (Nguồn: AVSE Global)

Hội thảo nhận được sự bảo trợ của Tiểu ban kỹ thuật TC209 (Địa kỹ thuật Ngoài khơi) và TC308 (Địa kỹ thuật Năng lượng) của Hiệp hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Quốc tế (ISSMGE) và Hiệp hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt Nam (VSSMGE).

Tiếp nối thành công từ hai kỳ hội thảo trước, VSOE 2024 hứa hẹn là hội thảo quốc tế hàng đầu, nơi kết nối và thúc đẩy sự đổi mới giữa các chuyên gia, học giả, nghiên cứu sinh, doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực công trình ngoài khơi.

Với chủ đề "Các giải pháp tích hợp và liên ngành cho cơ sở hạ tầng ngoài khơi bền vững", hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa ngành để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại đây, những nghiên cứu đột phá sẽ được giới thiệu, từ các giải pháp năng lượng gió ngoài khơi, phân tích nền móng bằng mô hình số hiện đại, đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tối ưu hóa cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, các chủ đề trọng tâm như địa kỹ thuật ngoài khơi, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng dưới biển và bảo vệ môi trường biển sẽ được đào sâu thảo luận, thể hiện tư duy đổi mới và cách tiếp cận liên ngành nhằm giải quyết những thách thức kỹ thuật phức tạp.

VSOE 2024 không chỉ góp phần thúc đẩy tiến bộ công nghệ mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và sáng tạo toàn cầu. Sự kiện quy tụ đại biểu từ hơn 20 quốc gia trên thế giới, với các phiên thảo luận chuyên sâu về phát triển công trình ngoài khơi.

Chương trình hội thảo bao gồm 4 bài giảng chính, 4 bài giảng được mời, cùng 8 phiên song song, trình bày gần 70 bài nghiên cứu được Hội đồng Khoa học chọn lọc kỹ lưỡng.

Các bài này được xuất bản trong tuyển tập điện tử (E- Proceedings) của nhà xuất bản Springers và được lập chỉ mục trên cơ sở dữ liệu Scopus, khẳng định chất lượng và tầm ảnh hưởng quốc tế của hội thảo.

Các diễn giả chính: ông Andrew Goledzinowski,Đại sứ Australia tại Việt Nam; ông Carlos Guedes Soares, Giáo sư danh dự, Viện Kỹ thuật cao cấp, Đại học Lisbon, Bồ Đào Nha; ông Hoàng Điệp Bùi, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải (PTSC M&C), Việt Nam; bà Nancy Chan, Giám đốc, Liên doanh APAC, Fugro, Singapore; ông Phil Watson, Giáo sư Kỹ thuật ngoài khơi, Đại học Tây Australia.

Tại TP. Đà Nẵng, Hội thảo khoa học quốc tế về biến đổi khí hậu (the Vietnam Symposium in Climate Transition - VSCT 2024) do AVSE Global phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Massey (New Zealand) tổ chức.

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội, để giảm thiểu tác động tiêu cực và thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon, hiệu quả và bền vững hơn.

VSCT 2024 được tổ chức nhằm cung cấp một diễn đàn hàng đầu cho các học giả, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách trình bày các kết quả nghiên cứu, đồng thời thảo luận về những vấn đề cấp bách trong chuyển đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cũng như thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hội thảo cũng là nơi lý tưởng để các học giả Việt Nam trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển các dự án nghiên cứu với các đồng nghiệp quốc tế.

Các vấn đề liên quan đến chuyển đổi khí hậu và phát triển bền vững; tài chính khí hậu và thị trường liên quan; kinh doanh, quản lý, và trách nhiệm xã hội ESG; chính sách, quy định, và rủi ro địa chính trị sẽ được trao đổi chi tiết tại hội thảo lần này.

Ngoài các phiên thảo luận khoa học, hội thảo còn tổ chức bàn tròn chính sáchvới sự tham gia của các nhà nghiên cứu chuyên gia quốc tế hàng đầu về chủ đề: Tác động kinh tế vĩ mô của quá trình chuyển đổi sang Net-Zero Carbon tại Việt Nam.

Phiên bàn tròn tổ chức ngày 12/12, được điều phối bởi ông Arman Eshraghi, Giáo sư tài chính và đầu tư tại Đại học Cardiff, Anh, với các diễn giả chính: ông Sumit Agarwal, Giáo sư tài chính, Trường Kinh doanh & Giáo sư Kinh tế và Bất động sản tại Đại học Quốc gia Singapore, Singapore; bà Betty Pallard, Chủ tịch, ESGs & Climate Consulting & Phó Chủ tịch, Ủy ban ngành Tăng trưởng xanh, EuroCham Việt Nam; ông Klaus Schaeck, Giáo sư tài chính ngân hàng, Đại học Bristol, Anh.

VSCT 2024 thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và học giả từ nhiều quốc gia trên thế giới, với các phiên thảo luận chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi khí hậu.

Đại biểu tham dự VSCT 2023. (Nguồn: AVSE Alobal)

Đại biểu tham dự VSCT 2023. (Nguồn: AVSE Alobal)

Hội thảo bao gồm 2 bài phát biểu chính, 1 phiên thảo luận bàn tròn chính sách và 3 phiên song song, trình bày 12 bài nghiên cứu đột phá và các giải pháp sáng tạo được chọn lọc kỹ lưỡng bởi Hội đồng khoa học.

VSCT 2024 vinh dự chào đón 2 diễn giả chính xuất sắc, được công nhận trên toàn cầu vì những đóng góp của họ trong lĩnh vực tài chính và kinh tế môi trường gồm: ông Sumit Agarwal, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh, đồng thời là Giáo sư kinh tế và bất động sản tại Đại học Quốc gia Singapore, Singapore; ông Ian Bateman OBE, Giáo sư kKinh tế môi trường tại Trường Kinh doanh Đại học Exeter, Anh, đồng thời là Giám đốc Viện Đất đai, môi trường, kinh tế và chính sách (LEEP) và Giám đốc NetZeroPlus.

Những học giả danh tiếng này sẽ chia sẻ nghiên cứu của họ và cung cấp những cái nhìn quý giá về các thách thức chính và những giải pháp đổi mới trong phát triển đô thị và khu vực.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/avse-global-to-chuc-hai-hoi-thao-quoc-te-huu-ich-tai-viet-nam-296865.html