Bà bầu 26 tuổi ở Bắc Ninh phát hiện bị cường giáp thai kỳ từ dấu hiệu nhiều chị em Việt bỏ qua

Thai phụ bị cường giáp thoáng qua đến khám với triệu chứng nôn nghén nhiều, gầy sụt 2kg/ 2 tháng, hồi hộp trống ngực…

Thai phụ bị cường giáp thoáng qua do thai kỳ có biểu hiện gì?

Vừa qua, thai phụ L.N.A. (26 tuổi, quê Bắc Ninh) đến BVĐK Medlatec khám với triệu chứng nôn nghén nhiều, gầy sụt 2kg/ 2 tháng, hồi hộp trống ngực…

Sau khi khám lâm sàng tại chuyên khoa Nội tiết, bác sĩ thấy tuyến giáp không to, không sờ thấy nhân, không có tiếng thổi, không phát hiện bệnh lý mắt hay phù niêm trước xương chày. Thai phụ có hội chứng nhiễm độc giáp như: sụt cân, run tay…

Trước đó, thai phụ đã được làm siêu âm thai doppler màu cho hình ảnh 01 thai 09 tuần 03 ngày trong buồng tử cung, chưa phát hiện bất thường. Siêu âm tuyến giáp thấy hình ảnh nhân thùy phải tuyến giáp (TIRADS 3). Khám các cơ quan, bộ phận khác chưa phát hiện bất thường.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thai phụ được chỉ định làm một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Kết quả, các chỉ số đánh giá chức năng tuyến giáp đều tăng cao như: T3 là 4.44 nmol/L (bình thường 1.30 - 3.10 nmol/L), FT4 là 56,70 pmol/l (bình thường 12-22 pmol/l). Ngoài ra, hormone kích thích tuyến giáp (TSH) thấp <0.005, kháng thể tự miễn TRAb âm tính, hormone do nhau thai tiết ra (beta hCG) tăng rất cao 222.013 mIU/ml...

Từ các kết quả trên, thai phụ được chẩn đoán mắc cường giáp thoáng qua do thai kỳ. Bác sĩ đã tư vấn cho thai phụ cách theo dõi, uống bù nước điện giải, nghỉ ngơi, tránh vận động nặng và nhắc lịch tái khám.

Sau 2 tuần, thai phụ đi khám lại, chỉ số T3 giảm xuống còn 4.28 nmol/L, chỉ số FT4 giảm về 36 pmol/l. Thai phụ thực hiện thêm xét nghiệm NIPT và siêu âm thai, đều chưa phát hiện bất thường.

Cường giáp thai kỳ ảnh hưởng thế nào tới mẹ bầu và thai nhi?

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Ly - chuyên khoa Nội tiết, cường giáp thoáng qua do thai kỳ là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức tạm thời, thường xảy ra trong giai đoạn đầu thai kỳ (thai 8-16 tuần), đặc biệt ở những thai phụ bị nghén nặng hoặc mang thai trứng, song thai, đa thai.

Phần lớn các trường hợp cường giáp thoáng qua trong thai kỳ là lành tính và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi nếu được nhận diện đúng và theo dõi đầy đủ. Bệnh thường tự khỏi khi thai được 16-20 tuần và không cần điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp do tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.

Tuy nhiên, các triệu chứng của cường giáp thoáng qua rất giống với Basedow - một bệnh lý tuyến giáp có thể làm sảy thai, sinh non, tăng nguy cơ tiền sản giật... Do đó, nếu chẩn đoán sai hoặc bỏ sót tình trạng có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Bác sĩ Ly khuyến cáo, các mẹ bầu hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ba-bau-26-tuoi-o-bac-ninh-phat-hien-bi-cuong-giap-thai-ky-tu-dau-hieu-nhieu-chi-em-viet-bo-qua-172250705113139912.htm