Bổ sung vitamin và khoáng chất nào khi móng tay giòn, dễ gãy?
Một trong những nguyên nhân khiến móng tay giòn, dễ gãy là thiếu các chất dinh dưỡng. Việc sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất có thể hỗ trợ điều trị tình trạng này. Vậy nên dùng vitamin và khoáng chất nào?
Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống thiếu hụt một số loại vitamin, khoáng chất như sắt, vitamin B như biotin hoặc B12, kẽm, chất đạm, axit béo omega-3… có thể khiến móng tay giòn, dễ gãy. Các triệu chứng của thiếu hụt dinh dưỡng thường gặp là: Đốm trắng, đường sọc hoặc đường gờ, các vết lõm trên móng...
Ngoài ra còn có nhiều lý do khác khiến móng tay giòn, dễ gãy: Do hóa chất tẩy rửa, nước tẩy sơn móng tay, một số bệnh (bệnh vẩy nến, rối loạn tuyến giáp hoặc hội chứng Raynaud), tác dụng phụ của hóa trị, môi trường...

Móng tay giòn, dễ gãy có thể là biểu hiện của việc thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Trong trường hợp thiếu hụt chất dinh dưỡng khiến móng tay giòn, để cải thiện tình trạng này trước tiên cần thay đổi chế độ ăn uống. Nên ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để có đủ vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần để nuôi dưỡng móng từ trong ra ngoài. Nếu vẫn không có tiến triển, có thể cần dùng một số vitamin và khoáng chất dưới đây:
1. Vitamin B7 (biotin) giúp cải thiện tình trạng móng tay giòn, dễ gãy
Biotin có thể giúp cải thiện tình trạng móng giòn vì chất này rất cần thiết cho quá trình sản xuất keratin, một loại protein hình thành móng. Một nghiên cứu cho thấy, 63% những người có móng tay giòn sử dụng thực phẩm bổ sung biotin hàng ngày nhận thấy sự cải thiện ở móng tay (giúp tăng độ dày và giảm gãy). Liều biotin khuyến cáo cho người lớn là 30mcg/ngày.
Lưu ý, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
2. Bổ sung kẽm
Kẽm cần thiết cho sự phát triển và phục hồi của móng. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất keratin, một loại protein cấu tạo nên móng tay, giúp móng chắc khỏe hơn. Chất dinh dưỡng này cũng giúp bảo vệ các tế bào móng khỏi tổn thương do gốc tự do, giúp duy trì sức khỏe móng, đồng thời tăng cường hấp thụ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác cho móng tốt hơn.
Thiếu kẽm có thể dẫn đến móng tay yếu, dễ gãy, khô và giòn. Liều kẽm hàng ngày với người lớn là từ 8-11mg. Lưu ý, việc sử dụng kẽm quá liều lượng khuyến cáo có thể dẫn đến buồn nôn và nôn.

Nhiều vitamin và khoáng chất có thể giúp cải thiện tình trạng móng giòn, dễ gãy.
3. Sắt
Sắt là một khoáng chất thiết yếu trong cơ thể. Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hemoglobin, một loại protein trong tế bào máu đỏ, giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Thiếu sắt có thể khiến móng tay yếu, dễ gãy và có hình dạng bất thường. Việc bổ sung sắt có thể giúp giảm tình trạng móng tay gãy giòn.
Liều lượng sắt mỗi ngày cho người lớn là 10-18mg. Tránh dùng quá nhiều sắt, vì có thể gây táo bón, đau dạ dày.
4. Vitamin C
Vitamin C giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, đồng thời tham gia vào quá trình sản xuất collagen. Collagen là một loại protein cấu tạo nên móng tay, tóc và da, giúp chắc khỏe, đàn hồi. Thiếu vitamin C có thể dẫn đến móng tay yếu, dễ gãy và chậm phát triển. Bổ sung vitamin C có thể giúp giảm tình trạng móng tay gãy, giòn. Nhu cầu vitamin C hàng ngày cho nam giới là 90mg, nữ giới là 75mg.
5. Axit béo omega-3
Axit béo omega-3 giúp nuôi dưỡng các tế bào ở gốc móng, giúp móng khỏe mạnh và giảm viêm. Omega-3 còn giúp tăng cường tuần hoàn máu, cung cấp dưỡng chất và oxy đến móng tay, thúc đẩy quá trình mọc móng và giúp móng khỏe mạnh hơn. Bổ sung axit béo omega-3 có thể giúp giảm tình trạng móng tay gãy giòn và khô.
Omega-3 là một nhóm các axit béo không bão hòa đa và DHA, EPA là hai trong số các axit béo quan trọng nhất thuộc nhóm này. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, người trưởng thành nên bổ sung tối thiểu 250-500mg EPA và DHA mỗi ngày.
Lưu ý chỉ dùng vitamin và khoáng chất để cải thiện tình trạng móng tay giòn, dễ gãy khi có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng, nên có chế độ chăm sóc móng tay đúng cách: Giữ móng tay sạch sẽ, tránh tiếp xúc quá nhiều với nước và các chất tẩy rửa mạnh.
Tự uống thuốc giảm đau khi đau bụng, người phụ nữ suýt mất mạng vì viêm phúc mạc.