Ba cây chụm lại & sức mạnh chiến thắng
Tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia là nhân tố góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng, 'lừng lẫy năm châu'.
Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, trong “Chỉ thị kháng chiến kiến quốc” ngày 25/11/1945 và trong “Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương” ngày 21/7/1945, Đảng ta đã chỉ rõ “… Chúng ta hiện nay bị vây hãm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc. Nhiệm vụ là phải liên minh với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới, đặc biệt với các nước lân cận để củng cố cuộc cách mạng của mình”. Ngày 30/10/1945, Hiệp định liên minh quân sự giữa Chính phủ Ítxala và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với Hiệp định thành lập Liên minh (Liên quân) Lào - Việt được ký kết. Cuối năm 1945, đại diện Chính phủ ta cùng với Ủy ban Cao Miên độc lập ký tuyên bố chung về Đoàn kết Việt - Miên - Lào chống Pháp.
Đầu năm 1946, ở Đông Nam Campuchia, ta cùng lực lượng yêu nước Campuchia phát triển lực lượng vũ trang hỗn hợp, “Liên quân Việt - Miên - Lào" đứng chân hoạt động trên các tỉnh Prey Veng, Svay Rieng, Kandal và lan rộng ra các vùng khác. Từ năm 1947, 1948 trở đi, những đơn vị quân tình nguyện Việt Nam lần lượt được cử sang hoạt động bên cạnh Liên quân Lào - Việt, Liên quân Miên - Việt cùng với bộ đội giải phóng Ítxala Lào và bộ đội Ítxarắc Campuchia dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Dân tộc giải phóng Campuchia và Chính phủ kháng chiến Lào.
Ngày 11/3/1951, các đại diện của Mặt trận Khơme Itxarắc, Mặt trận Lào Ítxala và Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam họp Hội nghị thành lập “Mặt trận Đoàn kết Liên minh Việt - Miên - Lào”. Hội nghị đã thành lập Khối liên minh Nhân dân ba nước nhằm mục đích đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, giành độc lập thật sự cho ba dân tộc, góp sức bảo vệ hòa bình thế giới. Hội nghị thành lập Ủy ban Liên minh Nhân dân Việt - Miên - Lào gồm Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Minh Giám (Việt Nam), Xuphanuvông, Nuhắc Phunxavẳn (Lào), Sơn Ngọc Minh, Tuxamut (Campuchia)..., là đại biểu Mặt trận Dân tộc của ba nước để thực hiện mục đích chương trình hành động chung.
Sau các thất bại nặng nề, tháng 7/1953, thực dân Pháp thực hiện Kế hoạch Nava hòng giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Để phá tan kế hoạch này, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954; chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 bằng 3 đòn tấn công lớn: tấn công Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc, phối hợp với quân giải phóng Lào, giải phóng Phông Sa Lỳ, Trung Lào và Hạ Lào; phối hợp với quân giải phóng Campuchia giải phóng Đông Bắc Campuchia; đánh thông đường chiến lược Bắc Nam Đông Dương, giành lấy địa bàn chiến lược Tây Nguyên, phá âm mưu bình định miền Nam của địch.
Thực hiện nhiệm vụ, cuối tháng 11/1953, bộ đội chủ lực ta tiến lên Tây Bắc. Để bảo vệ Lai Châu và che chở cho Thượng Lào, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ (20/11/1953). Ngày 10/12/1953, ta bắt đầu đánh vào thị xã Lai Châu. Trải qua 12 ngày đêm liên tục chiến đấu, truy kích, bao vây, tập kích trên vùng rừng núi hiểm trở, ta đã giải phóng toàn bộ khu vực Lai Châu, uy hiếp Ðiện Biên Phủ từ phía bắc
Lợi dụng chỗ yếu nhưng là vị trí hiểm yếu của địch, hạ tuần tháng 12/1953, ta phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công vào Trung Lào nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, củng cố và mở rộng vùng căn cứ, thu hút phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện cho hướng khác tiến công tiêu diệt địch. Bị thất bại nặng, Nava buộc phải điều thêm lực lượng sang, cùng lực lượng tại chỗ thành lập một tập đoàn cứ điểm với hàng chục tiểu đoàn ở Sê Nô. Sê Nô trở thành nơi tập trung binh lực lớn thứ ba của địch ở Ðông Dương.
Sau chiến thắng ở Trung Lào, bộ đội Lào - Việt tiếp tục phát huy thắng lợi tiến sâu xuống Hạ Lào giải phóng thị xã Atôpơ và toàn bộ cao nguyên Bôlôven, một địa bàn chiến lược quan trọng. Thừa thắng, một đơn vị chủ lực của ta tiến xuống phía nam, phối hợp cùng quân giải phóng Itxarắc của Campuchia giải phóng Vươn Sai, Xiêm Pang, uy hiếp Stung Treng, tiến xuống sông Sơ Lông. Trong khi đó, quân tình nguyện Việt Nam cùng quân giải phóng Itxarắc ở miền Đông Campuchia hoạt động từ phía nam, giải phóng phần lớn Công Pông Chàm, tiến sát sông Sơ Lông. Căn cứ miền Đông và Đông Bắc Campuchia được nối liền với vùng giải phóng Hạ Lào và Trung Lào.
Đúng như kế hoạch Nava, địch quyết định mở chiến dịch Adlante ở mặt trận Tây Nguyên nhằm chiếm toàn bộ vùng tự do của ta ở Liên khu V. Chủ trương của ta chỉ sử dụng một bộ phận chủ lực đối phó với địch, bảo vệ hậu phương, còn đại bộ phận tập trung tiến công lên hướng chính ở Đông Bắc Kon Tum, hướng phối hợp trên đường số 19. Chiến dịch mở màn ngày 26/1/1954, kết thúc ngày 5/2/1954, ta giải phóng thị xã Kon Tum, quét sạch quân địch ở Bắc Tây Nguyên, tràn xuống phía nam đến sát đường số 19. Quân Pháp buộc phải ngừng cuộc tiến công ở đồng bằng Liên khu V, vội vã điều động quân ở Nam Bộ và Bình Trị Thiên lên Tây Nguyên, tổ chức hai tập đoàn cứ điểm An Khê và Plây Cu để đối phó với ta.
Tại Thượng Lào, để đánh lạc hướng phán đoán của địch, hạ tuần tháng 1/1954, quân ta phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công vào phòng tuyến địch ở khu vực sông Nậm Hu. Ðịch ở đây hoảng hốt tháo chạy. Ta và bạn tiếp tục truy kích địch đến cách Luang Prabang 15km. Một bộ phận lực lượng ta và bạn phát triển lên phía bắc, giải phóng tỉnh Phong Xa Lỳ, bao vây Mường Sài. Sợ ta đánh thẳng vào kinh đô Lào, địch phải gấp rút tăng cường lực lượng cho Luang Prabang năm tiểu đoàn và Mường Sài ba tiểu đoàn. Luang Prabang, Mường Sài trở thành nơi tập trung binh lực lớn thứ năm của Pháp trên chiến trường Ðông Dương.
Với năm đòn chiến lược nói trên, chẳng những ta tiêu diệt nhiều địch, giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn mà còn làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Nava ở vùng đồng bằng, buộc chúng phải phân tán khắp nơi để đối phó với ta. Cùng với các đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở chính diện, các hoạt động của quân và dân ta ở phía sau lưng địch cũng không ngừng phát triển. Ðây là sự phối hợp chiến lược rộng khắp tạo điều kiện rất thuận lợi cho mặt trận Ðiện Biên Phủ.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp bàn, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Ngày 25/1/1954, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã đưa ra quyết định giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã vượt qua thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ diễn ra 3 đợt. Đợt 1, từ ngày 13 đến 17/3/1954, quân ta tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía bắc. Đợt 2, từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, khu trung tâm Điện Biên Phủ nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ. Đợt 3, từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía đông và mở đợt tổng công kích. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu phải ra hàng. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt.
GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương bình luận: Trong khi Liên minh chiến đấu Việt - Miên - Lào hiệp đồng tác chiến, chiến thắng từ Việt Bắc, Tây Bắc Việt Nam đến Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, tạo ra sức mạnh cộng hưởng trên toàn chiến trường Đông Dương thì kẻ thù thường ngạo nghễ với những tập đoàn binh hùng, tướng mạnh, với những pháo đài bất khả xâm phạm thì trước chiến thắng của quân dân ba nước Đông Dương, chúng phải hốt hoảng khi phải đối mặt với tình huống “Lửa cháy ở hai đầu”, cuối cùng, vòng vây đã khép chặt, đẩy kẻ thù vào thế “vô phương cứu chữa”, phải cay đắng giơ cờ trắng lên hàng với lũ lượt tướng tá và binh sĩ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn". Thực tế cho thấy, chính sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân Lào, Campuchia và quốc tế góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, không bao giờ mờ phai trong ký ức lịch sử, trong niềm tự hào của Việt Nam, Lào, Campuchia, của Đông Dương và của toàn thể loài người tiến bộ trên thế giới.