Bà cụ bán rau trong đêm
Tôi gặp bà cụ lặng lẽ ngồi bán rau ở một góc vỉa hè, ngay gần khu vực quảng trường. Đây là điểm vui chơi, giải trí công cộng cho cả huyện, lại có các hàng quán bán nước, đồ ăn vặt, tô tượng, thuê xe điện... nên buổi tối thường rất nhộn nhịp, trang trí đèn màu rực rỡ.

Bà cụ với hàng rau mưu sinh trong đêm (Ảnh minh họa).
Nếu không để ý, quan sát xung quanh thì có lẽ chẳng ai nhận ra sự hiện diện của bà cụ với gương mặt có phần khắc khổ, đầu đội chiếc nón rách ngồi thu mình một góc với cái mẹt bày vài loại rau ngót, mùng tơi, rau đay kèm mấy trái mướp... Ánh đèn đường trùm lấy vóc dáng nhỏ bé nhưng chẳng đủ cho gương mặt ấy bừng sáng lên.
Trong lúc chồng tôi trông chừng đám trẻ đang khoái chí chạy vòng quanh sân vận động, tôi tiến nhanh về phía bà cụ. Tôi hỏi bà cụ sao có tuổi rồi còn lọ mọ đi lại bán buôn lúc tối nhập nhoạng thế này? Tầm này rồi còn ai đi mua rau nữa bà ơi!
Bà cụ cởi nón ra quạt cho vơi bớt cái nóng rồi cười, nói: “Già thì cũng có già rồi nhưng nghĩ lại thấy mình vẫn chưa đến nỗi lập cập. Gom góp được thêm chút gì gọi là đỡ đần cho con cháu, phòng khi ít nữa đau yếu hơn”.
Những lời nói chân thật của bà khiến tôi chạnh lòng nghĩ đến ông bà, bố mẹ mình. Lúc trẻ cũng như khi về già, cái đức tính siêng năng, cần kiệm, luôn lo nghĩ cho con cho cháu chẳng bao giờ thay đổi. Con cái có nói thế nào cũng không chịu nghỉ ngơi, chăm chút hơn cho bản thân mình.
Mỗi lần nghe con, cháu bàn tính chuyện đi khám là lại nghe câu quen thuộc: “Thôi, bố mẹ có làm sao đâu. Mày bận công việc, con cái đang nhỏ, đi lại làm gì cho mất công”. Nhiều khi con, cháu mua cho thuốc bổ, hộp sữa lại thấy ba mẹ cằn nhằn: “Mua cho bố mẹ làm gì, còn nhiều công to việc lớn phải lo”. Cha mẹ, ông bà sẵn sàng hy sinh hết tất thảy cho con cháu nhưng luôn mong mỏi chẳng phải phiền lụy con cháu bất kì điều gì.
Thương bà cụ mưu sinh trong đêm, thương những lời nói thiệt tình ấy, tôi lựa nhanh bó rau, quả mướp rồi gửi cụ chút tiền lẻ như lời động viên, chia sẻ. Đến mua hàng của bà cụ với tôi lúc đó có một bạn nữ khá trẻ, cũng cùng gia đình ghé quảng trường chơi dịp cuối tuần.
Tạm biệt bà cụ bán rau, chúng tôi quay lại quảng trường. Trên đoạn đường ngắn, hai chị em không dứt chuyện về bà cụ. Bạn nữ thủ thỉ: “Không thấy thì thôi chứ ai thấy bà cũng sẵn lòng mua ủng hộ để bà nhanh được về nhà nghỉ ngơi, vui vầy với con, cháu, chị nhỉ”.
Khi cô gái trẻ hớn hở khoe với chồng về mấy bó rau mà mình mua được rồi đổi lại là gương mặt cáu kỉnh của người chồng đang thoáng nhìn về phía bà cụ, cô gái trẻ như hẫng nhịp cảm xúc. Do chủ quán xếp hai bàn uống nước của chúng tôi ngay sát gần nhau nên tôi có thể nghe rõ những lời giáo huấn, triết lý cuộc đời mà người chồng nói với bạn nữ ấy.
-Bó rau này ra chợ em mua hết mấy đồng? Nhà em giàu lắm à? Em giàu lắm chưa mà cứ hở ra lại đi làm từ thiện?
-Em nghĩ ai cũng dại như em. Sao ban ngày ban mặt không đi bán mà lại đi bán vào ban đêm, ngồi ngay bên cạnh chỗ vui chơi giải trí đông người qua lại như thế này? Người ta cũng tính toán chán ra đấy em ạ!
Bạn nữ vẻ mặt buồn thiu, vừa lặng im nghe chồng nói vừa lơ ngơ nhìn xung quanh. Ánh mắt vô tình chạm vào nhau, cả hai chúng tôi đều có chút sượng sùng, vội vàng quay đi.
Cuộc đời là thế. Trước một sự việc, mỗi người sẽ có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Những lời chồng bạn nữ kia nói, tôi nghe cũng không phải là không có lý. Nhưng sao cứ thấy trong lòng thoáng gợn chút hụt hẫng, buồn buồn đan xen, khó diễn tả.
Với cụ bà đêm hôm còn lủi thủi một mình mưu sinh nơi góc phố, chúng ta có thể nhã nhặn, dịu dàng với cụ hơn chút được không? Với cái mẹt rau bán đắt hàng lắm cũng chẳng quá nổi mấy chục nghìn, chúng ta có thể gạt bớt những tính toán khắt khe thiệt - hơn được không?
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ba-cu-ban-rau-trong-dem-37303.htm