Ba điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ room tín dụng

Theo TS Nguyễn Đức Độ, khi gỡ bỏ room tín dụng thì có ba vấn đề cần quan tâm, đó là kiểm soát được lạm phát, nợ xấu và phải có biện pháp để hạn chế các cuộc đua lãi suất.

Ba điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ room tín dụng

Chia sẻ tại "Tọa đàm: Gỡ bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng - lộ trình phù hợp và phát triển bền vững" do VTV Index thực hiện ngày 15/7, các chuyên gia đánh giá việc áp dụng room tín dụng trong hơn một thập kỷ qua đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã khác và việc dần tiến tới gỡ bỏ công cụ hành chính này là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, cho biết "room tín dụng" là công cụ hành chính được áp dụng từ giai đoạn năm 2012 - 2013 nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát phi mã của giai đoạn trước đó.

Theo ông Độ, trong những năm 2000, tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình hơn 30%/năm, đặc biệt năm 2007 lên đến 50%. Điều này kéo theo lãi suất lên cao, tín dụng chảy vào thị trường tài sản nhiều như bất động sản có thể dẫn đến tình trạng định giá cao và tín dụng tăng trưởng cao khiến cho lạm phát tăng cao, lên tới 20% vào năm 2008.

"Trước bối cảnh đó, nhà điều hành đã phải thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất lên gần 20% để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng cao và cung tiền bị hạn chế, thị trường tài sản trong đó có thị trường bất động sản bị ảnh hưởng.

Giá tài sản giảm, nhiều doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cá nhân sử dụng cái mức đòn bẩy nó khá cao thì rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán dẫn đến hình thành nợ xấu", ông giải thích.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính (Ảnh chụp màn hình: Minh Nguyệt)

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính (Ảnh chụp màn hình: Minh Nguyệt)

Theo TS Nguyễn Đức Độ, khi gỡ bỏ room tín dụng thì có ba vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất là phải kiểm soát được lạm phát. Khi mà tốc độ tăng trưởng tín dụng nó có thể cao thì phải có những biện pháp kiểm soát được lạm phát.

Thứ hai là kiểm soát được nợ xấu, bởi vì không phải ngân hàng nào khi mà tăng trưởng tín dụng cao thì cũng có thể kiểm soát được nợ xấu.

Và cuối cùng là phải có những biện pháp để mà hạn chế việc có xảy ra một cái cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng với nhau. Bởi vì cuộc đua lãi suất này nó có thể ảnh hưởng đến một số đối tượng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên hoặc là khu vực sản xuất có thể không chịu được mức lãi suất cao như các khu vực như bất động sản.

Cần thiết lập khuôn khổ rõ ràng để tránh việc ngân hàng chạy theo lợi nhuận

Theo chuyên gia Nguyễn Đức Độ, vấn đề quan trọng đựt ra khi bỏ công cụ này là nhà nước và thị trường cần thiết lập một khuôn khổ kỷ luật rõ ràng để các ngân hàng tuân thủ.

Bởi vì mục tiêu của ngân hàng thương mại là tối đa hóa lợi nhuận, tuy nhiên theo ông dưới góc độ trách nhiệm xã hội, họ cũng cần đảm bảo an toàn cho các khoản cho vay. Việc cân bằng giữa hai mục tiêu này - lợi nhuận và an toàn – chỉ có thể đạt được khi có kỷ luật thị trường nghiêm minh.

"Nếu hệ thống kỷ luật không đủ mạnh, các ngân hàng có thể thiên về mục tiêu lợi nhuận, đặc biệt trong những giai đoạn kinh tế tăng trưởng nóng. Điều quan trọng nhất là nhà nước phải có những kỷ luật nhất định, thị trường cần phải có kỷ luật để các ngân hàng thương mại tuân thủ việc vừa kiếm lời và vừa có trách nhiệm đối với cả xã hội", TS Độ cho hay.

Chia sẻ với VTV Index, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho hay với một ngân hàng thương mại, cũng như các doanh nghiệp nói chung, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh hàng năm là yêu cầu bắt buộc. Đối với ngân hàng vốn là trung gian tài chính, vừa thực hiện huy động vốn vừa cho vay thì việc xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng cần dựa trên năng lực tài chính của chính mình.

"Ngay cả khi NHNN bỏ trần hạn mức tín dụng, điều đó không có nghĩa là ngân hàng có thể muốn tăng bao nhiêu cũng được. Mức tăng trưởng tín dụng vẫn cần đảm bảo phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế", bà Bình nhấn mạnh.

Chu kỳ tín dụng mở rộng: Ai sẽ hưởng lợi?

Cũng theo các chuyên gia, việc bỏ room tín dụng chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội nhưng mà bên cạnh đó thì cũng sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn về công tác quản lý vĩ mô.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng nhà điều hành cần phải nâng cao được hiệu quả của chính sách tiền tệ thông qua các công cụ thị trường, chủ yếu là ba công cụ như nghiệp vụ thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu.

"Khi mà những công cụ thị trường đã chủ động và đã điều tiết tốt nền kinh tế thì chúng ta có thể là cân nhắc bỏ room tín dụng", ông Huân chia sẻ tại chương trình.

Đồng thời, theo ông Việt Nam cũng cần phải có một cơ quan chuyên dự báo về biến động về kinh tế vĩ mô cũng như là chính sách tiền tệ trong tương lai, giống như các nước phát triển như là Mỹ, Anh hoặc châu Âu.

Ông Lưu Chí Kháng - Trưởng phòng tự doanh, CTCP Chứng Khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) (Ảnh: Minh Nguyệt)

Ông Lưu Chí Kháng - Trưởng phòng tự doanh, CTCP Chứng Khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) (Ảnh: Minh Nguyệt)

Trong bối cảnh điều hành tín dụng theo cơ chế thị trường đang được thúc đẩy một cách thận trọng, nếu lãi suất duy trì ổn định và ở mức thấp, không gian tín dụng sẽ được mở rộng, tạo điều kiện cho nhiều nhóm ngành trên thị trường chứng khoán hưởng lợi.

Theo ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh, CTCP Chứng Khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), nhóm được hưởng lợi rõ nét và sớm nhất chính là ngân hàng.

Cụ thể, khi lãi suất giảm hoặc ổn định ở mức thấp, chi phí vốn của ngân hàng giảm, đồng thời biên lãi ròng (NIM) có thể được cải thiện. Đây là yếu tố giúp gia tăng lợi nhuận cho khối ngân hàng, trong khi doanh nghiệp và cá nhân cũng dễ dàng tiếp cận vốn hơn.

Sau nhóm ngân hàng, cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu xây dựng được kỳ vọng hưởng lợi nhờ tín dụng đổ vào các dự án đầu tư công, cơ sở hạ tầng. Tiếp đến là nhóm bán lẻ, khi tiêu dùng nội địa phục hồi và được hỗ trợ từ dòng tín dụng giá rẻ.

Một số nhóm ngành khác cũng được chuyên gia này đánh giá là hưởng lợi gián tiếp đó là cổ phiếu chứng khoán và cổ phiếu bất động sản.

Dẫn lại thống kê trong chu kỳ 2010–2017, ông Kháng cho biết trong năm 2015, thời điểm đầu tiên tín dụng tăng vượt mức trung bình 15,8%/năm (đạt trên 17%), cổ phiếu bảo hiểm là nhóm tăng mạnh nhất với mức tăng hơn 63%, theo sau là ngân hàng (tăng 47%), tiêu dùng (tăng 30%) và vật liệu xây dựng (tăng 37%).

Đến năm 2016, năm thứ hai của chu kỳ tăng trưởng tín dụng thị trường ghi nhận sự bùng nổ mạnh ở nhóm xây dựng, với mức tăng hơn 116%, tiếp đến là thép (tăng trên 50%) và bán lẻ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Năm 2017, cổ phiếu chứng khoán bắt đầu bứt phá, ghi nhận mức tăng trên 70%, trong khi các nhóm ngân hàng, bảo hiểm và bán lẻ tiếp tục duy trì đà tăng. Bất động sản, theo quan sát, thường là nhóm tăng trưởng muộn hơn.

Thống kê từ các chu kỳ tín dụng trước, ông Kháng kỳ vọng nếu định hướng điều hành mới được triển khai hiệu quả, thìcổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm sẽ là những nhóm dẫn dắt đầu tiên.

Tiếp đến, khi dòng vốn lan tỏa vào nền kinh tế thực, xây dựng, vật liệu xây dựng, bán lẻ sẽ tăng trưởng theo. Sau đó tiếp tục là dòng tiền bắt đầu có tính là đầu cơ, sẽ lan truyền ra các nhóm có tính thanh khoản cao, đặc biệt là nhóm cổ phiếu về chứng khoán.

Minh Nguyệt

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ba-dieu-kien-tien-quyet-de-go-bo-room-tin-dung.html