'Bà đỡ' cho tăng trưởng kinh tế tập thể, HTX ở Bắc Giang

Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ HTX tỉnh Bắc Giang, nhiều HTX trên địa bàn đã tiếp cận được nguồn vốn nên đã mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Chị Dương Thị Luyện, Giám đốc HTX Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu cho biết, nếu như khi mới thành lập (năm 2019), HTX chỉ có khoảng 7 thành viên với 5ha đất trồng chủ yếu là măng Lục trúc tại thôn Trại Mới. Đến cuối năm 2022, HTX diện tích trồng đã lên hơn 25ha, sản lượng khoảng 300 tấn măng tươi, thu về hơn 24 tỷ đồng, tạo việc làm cho 25 thành viên, với thu nhập ổn định …

Phát huy nguồn vốn ‘mồi’

Chị Luyện cho biết, do nhu cầu thị trường với sản phẩm măng ngày càng cao, năm 2022, HTX mong muốn có thêm vốn để mở rộng diện tích nên đã gửi yêu cầu hỗ trợ đến Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Giang và nhận được khoản vay 550 triệu đồng ngay sau khi hoàn tất thủ tục.

Bà Dương Thị Luyện (đầu tiên bên trái), Giám đốc HTX Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đang giới thiệu với khách hàng các sản phẩm chế biến từ măng của HTX.

Bà Dương Thị Luyện (đầu tiên bên trái), Giám đốc HTX Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đang giới thiệu với khách hàng các sản phẩm chế biến từ măng của HTX.

“Được trợ giúp về nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho việc sản xuất, kinh doanh. Dự định, thời gian tới sẽ tăng diện tích trồng măng lên 200ha và mời các doanh nghiệp hợp tác để đa dạng sản phẩm từ măng Lục trúc và hướng tới thị trường xuất khẩu”, chị Luyện chia sẻ.

Chia sẻ với VnBusiness, chị Luyện phấn khởi cho biết, năm 2023, HTX dự tính sản lượng măng tươi thu hoạch được khoảng 500 tấn, giá trị khoảng trên 35 tỷ đồng. Thu nhập của thành viên bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, năm 2020 Liên Minh HTX tỉnh Bắc Giang đã cho HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với lãi suất ưu đãi để mở rộng diện tích trồng thử nghiệm trà xạ đen.

Từ diện tích 0,5ha, chị Nông Thị Huệ, Giám đốc đã quyết định mở rộng diện tích lên gần 3ha. Sản phẩm Trà xạ đen Diệp Nhật của HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, với doanh thu 200 triệu đồng/năm.

Chị Nông Thị Huệ chia sẻ: “So với các ngân hàng thương mại, thủ tục vay từ Quỹ Hỗ trợ HTX tỉnh Bắc Giang nhanh gọn, đơn giản với lãi suất cho vay khá ưu đãi. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các HTX còn được giãn hoặc hoãn thời gian trả nợ”.

Khó khăn về tài sản thế chấp

Theo tìm hiểu của VnBusiness, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hiện nay đã hỗ trợ tích cực nhiều HTX để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, tăng số lượng và chất lượng dịch vụ cung ứng cho thành viên. Tuy nhiên việc tiếp cận vốn vay từ Quỹ vẫn còn những khó khăn nhất định với một số HTX. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là tài sản thế chấp.

Việc tiếp cận vốn vay từ Quỹ vẫn còn những khó khăn nhất định với một số HTX, trong đó khó khăn lớn nhất chính là tài sản thế chấp.

Giám đốc HTX sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh xã Trường Sơn (Bắc Giang) cho biết, với diện tích 3ha hiện nay, số lượng sản phẩm xuất ra không đủ nhu cầu thị trường, HTX muốn mở rộng vườn trà hoa vàng lên khoảng 10ha, cùng với đó đầu tư thêm một số máy móc phục vụ cho việc sản xuất.

“HTX đã gửi yêu cầu vay vốn, nhưng do thủ tục, quy định về tài sản thế chấp còn gặp nhiều vướng mắc nên đến nay, vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX”, anh Nguyễn Văn Đức nói .

Trao đổi với VnBusiness, bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX kiêm Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay từ đầu năm Quỹ đã có kế hoạch xây dựng, sử dụng và phát triển nguồn vốn theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam.

"Đến nay, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ cho vay mỗi năm khoảng 50-55 dự án (HTX và thành viên HTX). Với mức vay tối đa là 500 triệu đồng/HTX. Phần lớn các HTX đều phát huy rất tốt nguồn vốn nhận được".

Bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX kiêm Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Giang.

Với mức vay tối đa là 500 triệu đồng/HTX, các HTX đều phát huy rất tốt nguồn vốn nhận được.Hàng năm Quỹ đều có những đợt tuyên truyền, tổng hợp nhu cầu cho vay theo danh mục ưu tiên của tỉnh (trong cùng thời điểm). Các cán bộ tín dụng sẽ cùng đồng hành, hướng dẫn các chủ dự án thiết lập hồ sơ vay vốn theo đúng quy định và phù hợp với nhu cầu của HTX, thành viên HTX.

Nói về lý do các HTX khó khăn tiếp cận nguồn vốn, bà Dung cho biết: Số vốn từ Quỹ còn hạn chế, trong khi các HTX chưa đáp ứng được các điều kiện theo quy định tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ như: Tài sản thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; định giá tài sản theo giá đất của UBND tỉnh-thành phố; giấy chứng nhận thành viên; có kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả…

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Giang đã có những kiến nghị lên UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án quỹ hoạt động theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP. Theo đó, sẽ nâng số vốn lên 30 tỷ đồng vào năm 2025, 50 tỷ đồng vào năm 2030. Đồng thời sắp xếp lại tổ chức, thống nhất trong cơ chế hoạt động, điều hành của Quỹ và xây dựng phương án và cấp vốn điều lệ theo đúng lộ trình.

“Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Giang hy vọng sẽ mở rộng được số lượng HTX được vay vốn, nâng hạn mức tối đa số tiền có thể vay. Liên minh HTX tỉnh đã đề xuất Chính phủ bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX theo lộ trình, đồng thời đề ra phương án sử dụng nguồn vốn hiệu quả”, bà Dung nói.

Thanh Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/ba-do-cho-tang-truong-kinh-te-tap-the-htx-o-bac-giang-1091821.html