'Bà hoàng kinh doanh' tuyên bố không tuyển người du học về, lý do gây tranh cãi

TRUNG QUỐC - Nữ doanh nhân - người được mệnh danh là 'bà hoàng kinh doanh' tại đất nước hơn một tỷ dân đang gây tranh cãi khi tuyên bố công ty của bà sẽ không tuyển lãnh đạo học ở nước ngoài về vì lý do đặc biệt.

Phát ngôn gây tranh cãi về việc tuyển dụng của "bà hoàng kinh doanh" Trung Quốc

Đổng Minh Châu, một biểu tượng trong giới kinh doanh Trung Quốc, vừa châm ngòi cho cuộc tranh luận gay gắt sau khi tuyên bố rằng công ty của bà sẽ tránh tuyển dụng các lãnh đạo từng học ở nước ngoài do lo ngại nguy cơ họ có thể là gián điệp, đồng thời bày tỏ sự ưu tiên đối với nhân tài “nội địa”.

Phát biểu tại một cuộc họp cổ đông, nữ Chủ tịch Công ty điện gia dụng Gree này nhấn mạnh cam kết phát triển đội ngũ lãnh đạo từ các trường đại học trong nước và bày tỏ lo ngại rằng những người học tập ở nước ngoài có thể tiềm ẩn rủi ro an ninh.

Dù tuyên bố này ban đầu không định công khai, một đoạn video bị rò rỉ đã thu hút sự chú ý, làm đậm thêm những quan điểm ngày càng chia rẽ tại Trung Quốc về vai trò của nhân tài học ở nước ngoài.

Bà Đổng Minh Châu là một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, cũng được biết tới là người hết mình cho công việc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Bà Đổng Minh Châu là một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, cũng được biết tới là người hết mình cho công việc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Khi phát biểu trước cổ đông hôm 22/4, Đổng Minh Châu - người được mệnh danh là "bà hoàng đồ điện gia dụng" Trung Quốc hay "bà đầm thép" khẳng định công ty sẽ “không bao giờ sử dụng haigui pai”, tức những người từng học tập hoặc làm việc ở nước ngoài.

Trong tiếng Trung, "haigui" chỉ những người du học hoặc làm việc nước ngoài trở về, còn từ "pai" thì cách hiểu không hoàn toàn rõ ràng, có thể chỉ bản thân nhóm du học sinh hoặc những người ủng hộ họ trong công tác tuyển dụng.

Với lập luận rằng "khó phân biệt ai là gián điệp, ai không", Đổng Minh Châu cho biết bà chỉ có thể thận trọng và tuyển chọn người học trong nước.

Một số bài báo lưu ý, bà Đổng chủ yếu đề cập đến các vị trí lãnh đạo tương lai, chứ không áp dụng cho toàn bộ nhân sự.

Bà Đổng Minh Châu từng có những phát biểu tương tự trước đây. Năm 2022, trong một cuộc phỏng vấn với tờ South Reviews, bà cho biết Gree có hơn 10.000 nhân viên nghiên cứu và phát triển, tất cả đều tốt nghiệp từ các trường đại học Trung Quốc. Khi đó, bà cho rằng điều này phản ánh văn hóa doanh nghiệp và “mọi người có quyền tự do lựa chọn”. Tuy nhiên, lần này, bà thẳng thắn hơn khi chỉ ra mối liên quan với vấn đề an ninh.

Phản ứng trái chiều trong dư luận

Phát biểu của bà Đổng Minh Châu nhanh chóng gây tranh cãi trong dư luận Trung Quốc. Một số người chỉ trích mạnh mẽ, tuyên bố sẽ tẩy chay sản phẩm của Gree.

Dương Duệ, một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng, cảnh báo rằng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, những lời như vậy sẽ khiến các sinh viên và nhà khoa học trẻ đang du học cảm thấy chạnh lòng.

Một bài xã luận đăng trên Bắc Kinh Nhật báo hôm 23/4 cũng nhận định: “Những phát ngôn như vậy, đến từ một doanh nhân có ảnh hưởng, chắc chắn sẽ làm sâu sắc thêm sự kỳ thị đối với nhóm haigui. Các định kiến này cần được kịp thời chỉnh sửa”.

Dù vậy, cũng có một số người bày tỏ sự ủng hộ bà Đổng Minh Châu. Tưởng Lập Cương - một chuyên gia công nghệ và giám đốc Hiệp hội tiêu dùng thông tin Bắc Kinh - cho rằng, công chúng cần xem xét lý do đằng sau phát ngôn của bà.

Chủ tịch Công ty điện gia dụng Gree đưa ra bình luận về việc không tuyển dụng người du học về cho vị trí lãnh đạo trong một cuộc họp cổ đông gần đây. Ảnh: CNS/VCG

Chủ tịch Công ty điện gia dụng Gree đưa ra bình luận về việc không tuyển dụng người du học về cho vị trí lãnh đạo trong một cuộc họp cổ đông gần đây. Ảnh: CNS/VCG

Trong một video đăng trên mạng xã hội hôm 24/4, ông Tưởng cho rằng bà Đổng Minh Châu đang cố gắng giải thích triết lý quản trị của mình trước cổ đông: “Tìm kiếm nhân tài xuất sắc, đặc biệt với chi phí thấp, là mục tiêu của doanh nghiệp, và không ai có quyền can thiệp”.

Theo SCMP, ông cũng lập luận rằng, khác với thế hệ du học sinh trước như Tiền Học Sâm - cha đẻ ngành công nghệ vũ trụ Trung Quốc - từng có những đóng góp vĩ đại, thì ngày nay, không nhiều du học sinh thực sự nổi bật. Theo ông, sinh viên Trung Quốc hiện không còn được đào tạo tốt ở các lĩnh vực như sản xuất, thiết kế, dịch vụ marketing hay hậu cần ở nước ngoài, vì “các công ty tốt nhất giờ đều ở Trung Quốc”.

Trước đó, Bắc Kinh cũng từng cảnh báo du học sinh về nguy cơ bị gián điệp nước ngoài tiếp cận. Tháng 2 năm ngoái, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cho biết từng xảy ra các trường hợp lộ thông tin nhạy cảm liên quan đến du học sinh.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và lo ngại an ninh gia tăng, một số cơ quan chính phủ Trung Quốc cũng đã siết chặt tiêu chí tuyển dụng đối với những ứng viên có bằng cấp nước ngoài cho các vị trí trọng yếu.

Chính sách quốc gia vẫn coi trọng nhân tài du học

Mặc dù một số doanh nghiệp và địa phương có xu hướng dè dặt hơn, song giới quan sát khẳng định chính sách của Trung Quốc đối với nhóm du học trở về vẫn không thay đổi.

Một học giả tại Bắc Kinh, chuyên theo dõi nhóm du học sinh trong suốt thập kỷ qua, cho biết: “Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc vẫn hết sức coi trọng nhân tài du học và đặt niềm tin lớn vào họ”.

Ông cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang tích cực ban hành chính sách thu hút nhân tài trở về, kỳ vọng họ sẽ đóng vai trò tích cực trong sự phát triển kinh tế xã hội.

Đầu tháng 12 năm ngoái, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cùng 9 bộ, ngành khác đã ban hành các ý kiến về việc nâng cao dịch vụ cho du học sinh về nước, nhằm thu hút thêm nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công việc, khởi nghiệp và phục vụ quốc gia.

Tháng trước, trong loạt thông báo tuyển dụng, nhiều cơ quan thuộc hệ thống quân đội Trung Quốc - bao gồm Viện Khoa học Quân sự, Lục quân và Hải quân - lần đầu tiên thông báo sẽ xét tuyển sĩ quan tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu ngoài Trung Quốc.

Hoàng Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nu-doanh-nhan-tuyen-bo-khong-tuyen-nguoi-du-hoc-ve-ly-do-gay-tranh-cai-2395483.html