Ba Lan lên tiếng không 'giới hạn chỉ với vũ khí thông thường' rục rịch làm một việc cảnh giác cao độ với Nga
Ba Lan sẽ cân nhắc khả năng tiếp cận vũ khí hạt nhân, tăng cường huấn luyện quân sự, sử dụng ô hạt nhân của Pháp, tăng chi tiêu quốc phòng... để bảo vệ mình trước các mối đe dọa từ Nga.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. (Nguồn: EPA/EFE)
Ngày 7/3, phát biểu trước Quốc hội Ba Lan, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết Warsaw sẽ cân nhắc khả năng tiếp cận vũ khí hạt nhân và đảm bảo mọi nam công dân của nước này đều được huấn luyện quân sự trong một phần của nỗ lực xây dựng quân đội 500.000 người để đối phó với mối đe dọa từ Nga.
Thủ tướng Tusk xác nhận, nước này “đang đàm phán nghiêm túc” với Paris để được ô hạt nhân của Pháp bảo vệ.
Ông nhấn mạnh, Ba Lan không thể giới hạn mình chỉ sở hữu vũ khí thông thường, khẳng định Warsaw phải sở hữu những năng lực hiện đại nhất liên quan đến vũ khí hạt nhân và vũ khí phi truyền thống hiện đại, vì theo ông, đây là “cuộc chạy đua vì an ninh chứ không phải vì chiến tranh”.
Đáng chú ý, Thủ tướng Tusk tuyên bố chính phủ của ông mong muốn Ba Lan kể từ cuối năm 2025 sẽ triển khai mô hình để mọi nam giới trưởng thành ở nước này đều được huấn luyện chiến đấu và lực lượng dự bị đủ khả năng ứng phó với các mối đe dọa có thể xảy ra.
Quân đội Ba Lan hiện có khoảng 200.000 người - là lực lượng lớn thứ 3 trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời là lực lượng lớn nhất trong số các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) của NATO.
Động thái mở rộng mạnh mẽ về quân sự của Ba Lan diễn ra trong bối cảnh châu Âu ngày càng lo ngại trước nguy cơ Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ liên kết với Điện Kremlin và quay lưng lại với các đồng minh truyền thống ở phương Tây. Đây là sự thay đổi địa chính trị mà Warsaw coi là mối đe dọa tiềm tàng đến sự tồn vong của Ba Lan.
Ngoài ra, theo Thủ tướng Tusk, Ba Lan sẽ triển khai các bước nhằm rút khỏi hiệp ước quốc tế cấm sử dụng mìn sát thương và bom chùm.
Bất chấp kế hoạch tăng cường quân sự, Thủ tướng Tusk vẫn khẳng định quân đội Ba Lan sẽ không được đưa đến Ukraine để giám sát bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, nhấn mạnh nhiệm vụ của Warsaw là bảo vệ biên giới phía Đông, cũng là biên giới của NATO và EU.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp, trong đó có nội dung nâng mức chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 4% GDP.
Tổng thống Duda cũng bày tỏ hy vọng rằng, Hạ viện Ba Lan sẽ thông qua đề xuất của ông “một cách bình thường, không chậm trễ”, vì đây là vấn đề “thực sự quan trọng và nghiêm túc đối với Ba Lan hiện nay”.