Tin thế giới 8/7: Campuchia có 'chiến thắng lớn' trước Mỹ, 'thời khắc quan trọng' của Pháp-Anh, New Zealand thừa nhận tụt hậu AI
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Vua Charles III cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Lâu đài Windsor (Anh) ngày 8/7. (Nguồn: Le Monde)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Trung Quốc ủng hộ cải cách và phát triển WTO: Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 7/7 cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm đưa kinh tế thế giới sớm trở lại quỹ đạo bình thường.
Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, ông Lý Cường nhấn mạnh toàn cầu hóa kinh tế là xu thế không thể đảo ngược của lịch sử và Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hành và bảo vệ chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại, tích cực ủng hộ cải cách và phát triển WTO để khôi phục uy tín của tổ chức này.
Thủ tướng Lý Cường cũng cho biết Trung Quốc sẽ công bố nhiều biện pháp mở cửa tự nguyện và đơn phương hơn, nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc và quy tắc thị trường của WTO, cũng như tiếp tục chia sẻ cơ hội phát triển với các quốc gia khác, qua đó đóng góp nguồn năng lượng tích cực cho thế giới. (Tân Hoa xã)
* LHQ lo ngại tình trạng phụ nữ và trẻ em ở Afghanistan: Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ngày 7/7 thông qua nghị quyết lên án chính sách “áp bức có hệ thống” của chính quyền Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.
Nghị quyết của ĐHĐ LHQ “bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng trước sự áp bức nặng nề, tồi tệ hơn, lan rộng và có hệ thống của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan”. Kể từ khi trở lại nắm quyền lãnh đạo Afghanistan, chính quyền Taliban đã hạn chế quyền giáo dục và khả năng làm việc của phụ nữ, đồng thời cấm họ tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Vì vậy, các quốc gia thành viên LHQ kêu gọi Taliban “nhanh chóng đảo ngược các chính sách và thông lệ mâu thuẫn”. (AFP)
* Campuchia ca ngợi "chiến thắng lớn" trước Mỹ: Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Campuchia với Mỹ, Phó Thủ tướng Sun Chanthol, ngày 8/7 đã hoan nghênh quyết định của Tổng thống Donald Trump giảm mức thuế đe dọa từ 49% xuống 36% đối với quốc gia Đông Nam Á này, gọi đây là “chiến thắng lớn”.
Hồi đầu tháng 4, ông Trump công bố mức thuế 49% trong chiến dịch áp thuế toàn cầu, lưu ý mức thuế sẽ có hiệu lực nếu Campuchia không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, hôm 7/7, ông chủ Nhà Trắng đã giảm mức thuế xuống 36% và gia hạn thời hạn đàm phán đến ngày 1/8.
Phát biểu với báo giới tại Phnom Penh, Phó Thủ tướng Sun Chanthol nói: “Đây là một chiến thắng lớn của Campuchia trong giai đoạn đầu đàm phán về thuế đối với chúng tôi. Chúng tôi đã rất thành công trong đàm phán… Chúng tôi vẫn còn cơ hội đàm phán thêm để giảm tiếp mức thuế này”. (AKP)
* New Zealand thừa nhận tụt hậu về AI: Ngày 8/7, New Zealand công bố Chiến lược trí tuệ nhân tạo (AI) quốc gia đầu tiên nhằm thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế. Tại lễ công bố, Bộ trưởng Khoa học, đổi mới và công nghệ Shane Reti dự báo, đến năm 2038, AI có thể đóng góp khoảng 76 tỷ NZD (tương đương 45,8 tỷ USD) vào GDP New Zealand.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Reti cũng thừa nhận rằng hiện New Zealand bị tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến khác về mức độ sẵn sàng ứng dụng AI, khi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa triển khai công nghệ này vào hoạt động. Chiến lược mới của chính phủ nhằm thúc đẩy việc ứng dụng AI bằng cách giảm bớt các rào cản pháp lý, cung cấp hướng dẫn rõ ràng và khuyến khích đổi mới có trách nhiệm.
Ông Reti nhấn mạnh, chiến lược đặt mục tiêu xây dựng một môi trường pháp lý nhẹ nhàng nhằm tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư vào AI. Ông tin rằng đổi mới từ khu vực tư nhân sẽ “mở khóa” các sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao hiệu quả và hỗ trợ việc ra quyết định. (RNZ)
Châu Âu
* "Thời khắc quan trọng" của quan hệ Pháp-Anh: Ngày 8/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte đã đến Anh trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia châu Âu tới Anh kể từ khi London rời EU.
Chiếc chuyên cơ chở Tổng thống hạ cánh xuống căn cứ không quân Northolt, phía Tây Bắc London vào lúc 17h (theo giờ Việt Nam). Tổng thống Macron đăng trên mạng xã hội X nhấn mạnh đây là “thời khắc quan trọng đối với hai nước chúng ta”.
Ông Macron nêu rõ Paris và London đang tìm cách tăng cường hợp tác trong việc giải quyết những “thách thức lớn” toàn cầu. Ông khẳng định: “Cùng nhau, chúng ta sẽ giải quyết những thách thức lớn của thời đại: An ninh, quốc phòng, năng lượng hạt nhân, không gian, đổi mới, trí tuệ nhân tạo, di cư và văn hóa”, đồng thời cam kết “củng cố sự hợp tác của chúng ta một cách cụ thể, hiệu quả và lâu dài”. (Sky News)
* Anh mở lại Đại sứ quán ở Tehran: Sau gần một tháng đóng cửa do căng thẳng leo thang tại Trung Đông, Vương quốc Anh mở lại Đại sứ quán tại thủ đô Tehran của Iran ngày 7/7.
Trong tuyên bố trước Quốc hội, Bộ trưởng Anh phụ trách Trung Đông và Bắc Phi Hamish Falconer nêu rõ: “Chúng tôi đã mở lại Đại sứ quán tại Tehran sau thời gian tạm thời đóng cửa. Một đại biện đã được cử đi và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ vai trò của mình để đảm bảo an toàn cho công dân Anh tại Iran”.
Trước đó, Anh đã quyết định tạm thời đóng cửa Đại sứ quán tại Tehran từ ngày 20/6, sau khi bùng phát xung đột dữ dội giữa Israel và Iran. Trong thời gian qua, phái bộ ngoại giao Anh hoạt động từ xa và rút toàn bộ nhân viên chính thức khỏi Tehran. (The Guardian)
* Ba Lan ra điều kiện với Đức: Ngày 7/7, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết nước này sẽ chấm dứt các biện pháp kiểm soát mới tại biên giới với Đức, nếu Berlin cũng dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt.
Trước đó cùng ngày, Ba Lan bắt đầu thực hiện biện pháp kiểm soát mới tại biên giới với Đức và Lithuania , trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang đối mặt làn sóng phản đối ngày càng mạnh mẽ đối với người di cư không có giấy tờ.
Trên thực tế, hàng trăm người di cư, phần lớn đến từ Trung Đông, đã đi qua Belarus để vào các quốc gia vùng Baltic, sau đó tiếp tục di chuyển qua Ba Lan để đến các nước thuộc EU. Theo Bộ trưởng Siemoniak, Ba Lan rất coi trọng quyền tự do đi lại trong khối EU nhưng cũng cần tăng cường kiểm soát đường biên giới bên ngoài của khối, thay vì siết chặt tại các biên giới nội bộ. (Euronews)
Trung Đông-châu Phi
* Israel lạc quan về lệnh ngừng bắn với Hamas: Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, ngày 7/7 đã bày tỏ lạc quan rằng lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất 60 ngày sẽ sớm đạt được với phong trào Hồi giáo Hamas.
Theo ông Katz, các bên cơ bản đã đồng ý rằng Hamas sẽ thả 10 con tin còn sống và trao trả khoảng một nửa thi thể các con tin đã thiệt mạng, từ đó giảm số lượng con tin từ khoảng 50 xuống còn khoảng 25 người. Ông cũng cho biết, đã có đồng thuận cơ bản về việc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ rút khỏi phần lớn 75% diện tích Dải Gaza mà họ đã kiểm soát nhưng vẫn giữ một "vành đai an ninh" sau lệnh ngừng bắn hồi tháng Một. (Al Jazeera)
* Nam Phi nỗ lực xoa dịu Mỹ: Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 8/7 cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo mối quan hệ thương mại cân bằng và cùng có lợi với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu mới.
Trước đó một ngày, Tổng thống Trump tuyên bố mức thuế 30% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Nam Phi, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8. Văn phòng Tổng thống Nam Phi cho rằng mức thuế 30% này không phản ánh chính xác số liệu thương mại hiện có.
Nam Phi vẫn đang đàm phán với Mỹ, với cuộc gặp gần nhất diễn ra ngày 23/6 tại thành phố Luanda (Angola) trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Mỹ-châu Phi. (RIA Novostia)
* Iran chưa bật đèn xanh với Mỹ: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei ngày 8/7 phủ nhận thông tin cho rằng Tehran đã đưa ra đề nghị về việc nối lại đàm phán với Mỹ.
Trước đó một ngày, trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Chúng tôi đã lên lịch đàm phán với Iran và họ muốn đàm phán... Họ đã yêu cầu một cuộc gặp và tôi sẽ tham dự, nếu chúng tôi có thể ghi lại điều gì đó trên giấy, thì điều đó sẽ tốt".
Từ ngày 12/4 đến ngày 23/5, Iran và Mỹ đã tổ chức 5 vòng đàm phán gián tiếp do Oman làm trung gian về chương trình hạt nhân của Tehran và việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Washington. Tuy nhiên vòng đàm phán thứ 6 đã phải tạm hoãn sau khi Israel tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. (IRNA)
Châu Mỹ
* Mỹ "quay xe" cung cấp vũ khí cho Ukraine: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/7 cho biết sẽ chuyển viện trợ vũ khí bổ sung cho Ukraine. Thông điệp này đảo ngược thông báo của Nhà Trắng hồi tuần trước về việc Washington sẽ tạm dừng một số lô viện trợ quân sự cho Kiev.
Trả lời báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump bày tỏ quan ngại về tình hình Ukraine và nói: “Chúng ta sẽ phải gửi thêm vũ khí - chủ yếu là vũ khí phòng thủ”. Tuần trước, Nhà Trắng thông báo sẽ tạm dừng chuyển giao một số lô viện trợ vũ khí quan trọng cho Ukraine, vốn được cam kết dưới thời chính quyền tiền nhiệm do lo ngại về mức dự trữ quốc phòng ở trong nước.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden từng cam kết cung cấp viện trợ quân sự trị giá hơn 65 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Trump chưa công bố bất kỳ gói hỗ trợ quân sự mới nào cho Kiev, trừ tuyên bố mới nhất vừa được đưa ra nhưng không có con số và chi tiết cụ thể. (CNN)
* Bộ trưởng Y tế Mỹ dính đơn kiện: Ngày 7/7, một số tổ chức y khoa hàng đầu tại Mỹ đã đệ đơn kiện Bộ trưởng Y tế Robert F. Kennedy Jr. với cáo buộc "gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng" liên quan đến các khuyến nghị mới về vaccine Covid-19.
Cuối tháng 5, Bộ trưởng Kennedy thông báo trên mạng xã hội rằng chính quyền liên bang sẽ không còn khuyến nghị tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Thông báo này vấp phải phản đối mạnh mẽ từ giới chuyên gia y tế.
Trong đơn kiện, Viện hàn lâm nhi khoa Mỹ (AAP), Cao đẳng bác sĩ Mỹ (ACP) cùng một số tổ chức y khoa uy tín khác kêu gọi tòa án hủy bỏ chỉ thị bị cho là “đơn phương và phi khoa học” của Bộ trưởng Kennedy, đồng thời đưa vaccine Covid-19 trở lại chương trình tiêm chủng. Một trong những nguyên đơn, bác sĩ nhi khoa Tina Tan - Chủ tịch Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Mỹ - cho rằng Bộ trưởng Kennedy đã “tước đi quyền lựa chọn của cha mẹ trong việc bảo vệ con cái thông qua tiêm chủng”. (CBS News)
* BRICS công bố sáng kiến y tế cho các nước đang phát triển: Ngày 7/7, các quốc gia thuộc nhóm BRICS đã ra mắt "Liên minh xóa bỏ các bệnh liên quan đến yếu tố xã hội" trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2025 tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil.
Sáng kiến này nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên, huy động nguồn lực và thúc đẩy nỗ lực chung nhằm loại bỏ những căn bệnh có tỷ lệ mắc cao trong nhóm đói nghèo, bất bình đẳng xã hội và hạn chế tiếp cận dịch vụ y tế. Đây là những bệnh phổ biến tại các nước đang phát triển thuộc khu vực Nam Bán cầu, trong khi các quốc gia giàu ít bị ảnh hưởng nên không dành nhiều nguồn lực cho nghiên cứu về các bệnh này.
Theo kế hoạch, các nước BRICS sẽ phối hợp xác định danh mục các bệnh được xếp vào nhóm "bệnh liên quan đến yếu tố xã hội" (DSDs), phù hợp với tình hình thực tế của từng nước. Một số bệnh sẽ nằm trong phạm vi hành động của Liên minh bao gồm lao phổi, phong, sốt rét và sốt xuất huyết. Sáng kiến lấy cảm hứng từ chương trình "Brazil khỏe mạnh", vốn tập trung giải quyết các yếu tố xã hội và môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất. (Reuters)