Ba lãnh đạo Vimico chuẩn bị đút túi hơn 4.000 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu KSV
Với mức giá của ngày hôm nay, thương vụ bán 18.300 cổ phiếu của ba lãnh đạo KSV dự kiến mang về tổng cộng 4.636 tỷ đồng. Trong đó, ông Đặng Đức Hưng thu về 772 tỷ đồng, ông Ngô Quốc Trung nhận 1.313 tỷ đồng, còn ông Trịnh Văn Tuệ hưởng lợi lớn nhất với 2.627 tỷ đồng...

Trong bối cảnh cổ phiếu KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico) đang lên đỉnh, việc 3 lãnh đạo cấp cao của công ty đồng loạt đăng ký bán cổ phiếu đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Theo thông báo mới nhất, ông Đặng Đức Hưng, Ủy viên Hội đồng quản trị KSV đăng ký bán 3.000 cổ phiếu; Phó tổng giám đốc Ngô Quốc Trung dự kiến bán 5.100 cổ phiếu; và Tổng giám đốc Trịnh Văn Tuệ cũng đăng ký bán tới 10.200 cổ phiếu. Tổng cộng, ba lãnh đạo này dự kiến sẽ xả ra thị trường 18.300 cổ phiếu KSV.
Thời gian thực hiện các giao dịch dự kiến diễn ra từ tuần này đến cuối tháng 3, thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Cả 3 lãnh đạo đều nêu lý do chung là "đầu tư cá nhân".
Chốt phiên giao dịch ngày 20/2, cổ phiếu KSV tiếp tục duy trì đà tăng mạnh lên 6,14% để đạt 257.600 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, thương vụ bán 18.300 cổ phiếu của 3 lãnh đạo KSV dự kiến mang về tổng cộng 4.636 tỷ đồng. Trong đó, ông Đặng Đức Hưng thu về 772 tỷ đồng, ông Ngô Quốc Trung nhận 1.313 tỷ đồng, còn ông Trịnh Văn Tuệ hưởng lợi lớn nhất với 2.627 tỷ đồng.
Cổ phiếu KSV thời gian gần đây đã có mức tăng trưởng ấn tượng, thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư. Trước đó, trong phiên ngày 17/2, KSV đạt đỉnh 299.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần 280% so với đầu năm. Nếu xét từ cuối tháng 11/2024, khi cổ phiếu này chỉ có giá 44.900 đồng, đến mức đỉnh vừa qua, mức tăng đã chạm ngưỡng 567%, đẩy vốn hóa thị trường lên gần 2,5 tỷ USD chỉ trong vòng 2,5 tháng.
Dù đà tăng liên tục đưa KSV lên những mốc cao mới, thanh khoản của cổ phiếu này vẫn ở mức khá thấp, khi mỗi phiên giao dịch từ đầu năm đến nay chỉ xoay quanh vài chục tỷ đồng. Nguyên nhân chính có thể đến từ cơ cấu cổ đông quá tập trung, khiến nguồn cung cổ phiếu trên thị trường hạn chế.
Diễn biến bùng nổ của KSV thời gian qua không tách rời xu hướng chung của nhóm cổ phiếu khoáng sản, vốn đang hưởng lợi lớn từ những biến động địa chính trị. Cụ thể, Trung Quốc mới đây đã siết chặt xuất khẩu hàng loạt nguyên liệu quan trọng trong ngành bán dẫn, bao gồm gallium, germanium, antimony… sang Mỹ. Những động thái này lập tức đẩy giá các loại khoáng sản quan trọng tăng mạnh, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực lên thị giá nhóm cổ phiếu liên quan.
Không chỉ riêng KSV, nhiều mã khoáng sản khác như MSR, HGM, AAH, BMC… cũng liên tục tăng giá. Đặc biệt, với những cổ phiếu giao dịch trên UPCoM, biên độ dao động lên đến 15% mỗi phiên, khiến một số mã nhân đôi, thậm chí gấp ba lần giá trị trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, đà hưng phấn này không kéo dài khi áp lực chốt lời mạnh xuất hiện, khiến nhiều cổ phiếu lao dốc, thậm chí có lúc nằm sàn trong tình trạng “trắng bên mua”. KSV cũng không ngoại lệ khi giảm kịch biên độ hai phiên liên tiếp trong đầu tuần này.

Biến động của cổ phiếu KSV trong 6 tháng qua
Và việc các lãnh đạo cấp cao đồng loạt bán cổ phiếu khi giá đang ở đỉnh có thể được xem là hành động tận dụng cơ hội để chốt lời. Tuy nhiên, đây cũng có thể là tín hiệu khiến nhà đầu tư chú ý và có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Dù vậy, cần lưu ý rằng mục đích bán cổ phiếu của các lãnh đạo có thể xuất phát từ nhu cầu cá nhân, như đầu tư vào dự án khác hoặc thanh khoản tài chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường nhạy cảm, hành động này có thể tạo ra làn sóng bán tháo từ phía nhà đầu tư nhỏ lẻ, dẫn đến biến động giá cổ phiếu KSV trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị rằng nhà đầu tư cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường và các thông tin từ công ty để có quyết định đầu tư phù hợp.