Ba lý do nổi bật khiến Nga không cần đóng mới tàu sân bay

Khung chính sách Hải quân Nga đến năm 2030 cho thấy nước này chủ yếu tập trung vào tên lửa hành trình chính xác tầm xa, vũ khí siêu thanh, robot... nhưng không nhắc mấy đến kế hoạch xây dựng tàu sân bay. Nhà quan sát quân sự Vladimir Tuchkov đã lý giải lý do tại sao đây lại là điều tốt.

Được Tổng thống Vladimir Putin ký và đăng trên trang web chính thức của chính phủ Nga mới đây, khung chính sách mới gồm các ưu tiên trong lĩnh vực xây dựng hải quân.

Tài liệu khẳng định rằng việc thành lập lực lượng tàu ngầm, chiến hạm và phòng thủ bờ biển đến năm 2050 bao gồm các tên lửa hành trình tầm xa độ chính xác cao. Tài liệu này kêu gọi sau năm 2025, Hải quân Nga được trang bị tên lửa siêu thanh và hệ thống robot bao gồm thiết bị không người lái dưới nước.

Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất hiện nay của Nga. Ảnh: Sputnik

Đến năm 2030, Nga phải có một hạm đội hùng mạnh và cân bằng, bao gồm các tàu được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ trong vùng biển địa phương, lãnh hải quốc tế. Bên cạnh đó, hàng không quân sự và lực lượng phòng vệ bờ biển phải được trang bị vũ khí chính xác cao và hiệu quả, thêm vào đó là hệ thống căn cứ và cơ sở tái cung cấp.

Nhắc đến triển vọng về tàu sân bay mới cho Nga, khung chính sách mới cho rằng đã có kế hoạch cho loại hàng không mẫu hạm như vậy nhưng không nói thêm nhiều.

Kế hoạch xây tàu sân bay mới đã xuất hiện trong chính sách của quân đội Nga từ giữa những năm 2000, nhưng chưa có dự án nào thực sự được tiến hành. Năm 2015, tình hình nóng hổi hơn khi Trung tâm Nghiên cứu Krylov State và Cục Thiết kế Nevskoye trình bày về dự án 23000E Shtorm - tàu sân bay lớn nhất thế giới. Dự án này được coi là “hậu duệ” của tàu sân bay duy nhất hiện nay của Nga là Đô đốc Kuznetsov.

Những ý kiến ủng hộ khẳng định rằng Nga phải phát triển và xây dựng hàng không mẫu hạm mới để duy trì năng lực hải quân chủ chốt.

Tuy nhiên, phía phản đối lại cho rằng có những mục tiêu chiến lược về hải quân mà Nga phải giải quyết trước và quốc gia này cần chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng cần thiết trước khi tính đến chuyện đóng tàu sân bay.

Mẫu tàu sân bay trong dự án 23000E Shtorm. Ảnh: Sputnik

Nhà quan sát quân sự Vladimir Tuchkov nhấn mạnh: “Từ quan điểm chiến thuật hải quân hiện đại, tính thích hợp của các tàu sân bay đang là băn khoăn ở tại Mỹ, đất nước hiện sở hữu đội ngũ tàu sân bay hùng hậu nhất trên thế giới”.

Dưới đây là 3 lý do chính để giải thích vì sao Nga có thể không cần tàu sân bay mới:

Tàu sân bay có thể chìm

Ông Tuchkov nhận định ngay cả các chuyên gia Mỹ cũng cho rằng quân đội của các quốc gia phát triển như Nga hoặc Trung Quốc hoàn toàn có thế “thổi bay” cả nhóm tác chiến tàu sân bay ngay trước khi chiến đấu cơ kịp cất cánh, dựa vào tên lửa chống tàu hiện đại.

Trường hợp này cũng có thể xảy ra với tàu sân bay của Nga bởi Mỹ nắm trong tay những tên lửa có thể phá hủy bất cứ hàng không mẫu hạm nào của Nga.

Tên lửa hành trình đã vượt mặt đội bay trên hàng không mẫu hạm

Theo các nhà quan sát, vai trò của tên lửa hành trình chính xác cao phóng từ tàu ngầm và chiến hạm đang ngày càng quan trọng. Đặc biệt là khi những hệ thống vũ khí này đã vươn tới tầm tấn công vượt xa các chiến đấu cơ trên tàu sân bay.

Bên cạnh đó, tên lửa hành trình trở thành vũ khí tấn công mục tiêu trên bộ hữu hiệu hơn tàu sân bay bởi 3 yếu tố khác. Đầu tiên, độ sai lệch tối đa của tên lửa hành trình với mục tiêu đã giảm chỉ còn trong khoảng 5-10m hoặc thậm chí thấp hơn. Thứ hai, một khi đã tấn công mục tiêu bằng tên lửa hành trình thì việc điều chiến đấu cơ xâm nhập không phận kẻ kịch là không cần thiết. Thứ ba, các cuộc không kích thường phải kèm theo cấp độ bảo mật vô cùng cao.

Tàu sân bay thường đắt đỏ và phức tạp

Việc đóng tàu sân bay đòi hỏi nguồn kinh phí cực lớn, trong khi đó, một tàu sân bay là chưa đủ khi tính đến bốn hạm đội Hải quân Nga hiện nay.

Hãng Sputnik đưa tin, việc đóng tàu sân bay có trọng lượng rẽ nước 100.000 tấn sẽ tốn chi phí tương đương 16,8 tỉ USD.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngoài hàng không mẫu hạm, sẽ cần tạo dựng một nhóm tàu tác chiến đi kèm. Theo các trường hợp tại Mỹ, nhóm tàu tác chiến thường gồm 15 tàu hộ tống, tàu dịch vụ, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ, hậu cần, giám sát… do vậy sẽ tăng thêm chi phí khoảng 1,6 tỉ USD.

Ngoài ra, cần trang bị cho cả đội chiến đấu cơ trên tàu sân bay. Nếu Bộ Quốc phòng Nga từ bỏ những chiến đấu cơ trên tàu sân bay như MiG-29K và Su-33 thì lựa chọn duy nhất hiện nay là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 T-50 PAK FA.

Tuy nhiên, để chuyển đổi hướng sử dụng của T-50 PAK FA, hải quân sẽ cần nhiều thay đổi kỹ thuật. Do vậy cần một dự án chiến đấu cơ mới được gọi là PAK PA mà theo ước tính của ông Tuchkov sẽ đẩy giá lên khoảng 8,4 tỉ USD. Theo dự tính, tàu sân bay mới của Nga trong dự án Shtorm sẽ cần khoảng 80 chiến đấu cơ.

Ngoài ra, còn cần xét đến chi phí xây cảng và cơ sở hạ tầng ven bờ bởi thực tế rằng loại tàu lớn như vậy chưa từng được xây dựng tại Nga và các cơ sở đóng tàu sân bay của Liên Xô cũ nay đều nằm tại thành phố Nikolaev, Ukraine.

Khi tính tổng tất cả những khoản phải chi trên cộng thêm những chi phí phát sinh khác thì tàu sân bay mới của Nga sẽ tiêu tốn mức ngân sách khoảng 33,6 tỉ USD. Trong khi đó, tổng ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2016 là 69,2 tỉ USD.

Ông Tuchkov khẳng định với cùng số tiền này, Nga có thể đóng thêm 80 tàu ngầm hạt nhân lớp mới nhất.

Hiện nay, có nhiều giải pháp được cho sẽ hữu hiệu hơn, bao gồm tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Priboy. Những tàu này dự kiến được chuyển giao cho Hải quân Nga trong năm 2025, kèm theo trực thăng tấn công Ka-52 Katran. Đây là giải pháp được đánh giá hữu hiệu, hợp giá thành hơn tàu sân bay mặc dù có hạn chế về khả năng và tầm hoạt động.

Hà Linh/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/ba-ly-do-noi-bat-khien-nga-khong-can-dong-moi-tau-san-bay-20170808173432416.htm