Ba mẹ con lây bệnh thủy đậu cho nhau, bác sĩ chỉ cách phòng bệnh cần biết

Một bệnh nhi 7 tháng tuổi ở Phú Thọ nhập viện do bị thủy đậu lây từ mẹ.

Trước đó anh trai của bé bị thủy đậu đã khỏi lây sang mẹ bé, mẹ bé trong quá trình điều trị đã vô tình lây bệnh sang bé.

Theo các bác sĩ, đây là trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi, chưa đủ độ tuổi tiêm phòng vắc xin thủy đậu, hệ miễn dịch còn non yếu lây bệnh từ mẹ đang mang virus gây bệnh. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi.

Ngoài ra khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

Bác sĩ Nhi khoa Trần Thị Cườm cảnh báo, các mẹ trước khi mang thai nên tiêm phòng thủy đậu trước ít nhất 3 tháng, khi các bé đủ 12 tháng tuổi cần tiêm phòng thủy đậu mũi đầu tiên.

“Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời” – bác sĩ lưu ý.

Do đó, khi trẻ có những biểu hiện bất thường như: sốt, đau đầu, đau cơ, xuất hiện các nốt mụn nước, bóng nước cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.

Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Hình ảnh thủy đậu ở bệnh nhi 7 tháng tuổi.

Hình ảnh thủy đậu ở bệnh nhi 7 tháng tuổi.

Vắc xin - cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả lâu dài

Bệnh thủy đậu xảy ra ở mọi lứa tuổi, để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Bộ Y tế nhấn mạnh, tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm ngừa vắc xin thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để tiêm theo đúng liều lượng quy định.

- Trẻ 1-12 tuổi cần được tiêm một liều vắc xin để ngừa thủy đậu.

- Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều, cách nhau ít nhất 6 tuần để hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

- Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.

Lê Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ba-me-con-lay-benh-thuy-dau-cho-nhau-bac-si-chi-cach-phong-benh-can-biet-n190109.html