Ba nhóm dự án kỳ vọng hóa giải áp lực giải ngân năm 2025 của Bộ GTVT

Ba nhóm dự án được đánh giá có đầy đủ yếu tố thuận lợi để triển khai sớm, góp phần đẩy tiến độ giải ngân năm 2025 của Bộ GTVT.

Thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), năm 2025, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 81.218 tỷ đồng, gồm: 71.284 tỷ đồng từ nguồn vốn năm 2025 và 9.394 tỷ đồng từ nguồn vượt thu tiết kiệm chi năm 2022.

Năm 2025, kế hoạch vốn đầu tư công Bộ GTVT được giao tăng 10% so với năm 2024 (Ảnh minh họa).

Năm 2025, kế hoạch vốn đầu tư công Bộ GTVT được giao tăng 10% so với năm 2024 (Ảnh minh họa).

"Xác định nhiệm vụ giải ngân rất khó khăn, cần quyết liệt triển khai từ những tuần đầu, tháng đầu, đến nay, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao chi tiết 99% kế hoạch vốn được giao trước ngày 31/12/2024", Vụ Kế hoạch - Đầu tư thông tin.

Đề xuất giải pháp hoàn thành mục tiêu giải ngân trong năm 2025, theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các dự án đường bộ cao tốc khác như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng danh mục các dự án ưu tiên triển khai ngay trong năm 2025 từ gói trái phiếu Chính phủ.

Đối tượng là 3 nhóm dự án đường bộ trọng điểm do trung ương/địa phương quản lý; trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư nhanh có thể triển khai thực hiện, khởi công và giải ngân ngay trong năm 2025.

Nhóm 1 gồm 3 dự án liên quan đến VEC: Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Yên Bái - Lào Cai.

Nhóm 2 gồm 6 tuyến cao tốc kết nối: Phủ Lý - Nam Định, Nội Bài - Bắc Ninh, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Hải Phòng, Hưng Yên - Thái Bình, Hòa Bình - Mộc Châu, Quy Nhơn - Pleiku.

Nhóm 3 gồm 4 dự án PPP, gồm: Thái Nguyên - Chợ Mới, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong số các dự án đề xuất nêu trên, một số tuyến đường bộ cao tốc đã GPMB theo quy mô hoàn thiện, thuận lợi cho công tác triển khai như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Nguyên, Yên Bái - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

"Một số tuyến đang khai thác hiện nay chỉ cần mở rộng mặt đường, xây dựng đường gom, hoàn thiện các hạng mục bảo đảm tiêu chuẩn đường cao tốc như: Phủ Lý - Nam Định, Nội Bài - Bắc Ninh, Hưng Yên - Thái Bình...

Theo Luật Đầu tư công mới, các dự án này chủ yếu là dự án nhóm B hoặc nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 10.000 tỷ đồng, thuận lợi về thủ tục", lãnh đạo Vụ KH-ĐT nhận định.

Trước đó, năm 2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 75.481 tỷ đồng.

Trong đó, kế hoạch vốn được giao đầu năm là 56.666 tỷ đồng, đến hết tháng 10/2024 là 71.287 tỷ đồng. Tháng 11/2024, Bộ tiếp tục được giao bổ sung 4.194 tỷ đồng.

Ước đến hết năm, Bộ GTVT giải ngân khoảng 67.600 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân tính trên tổng nguồn vốn giao đến hết tháng 10/2024 đạt 95% và đạt khoảng 90% tính trên tổng nguồn vốn giao cả năm.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ba-nhom-du-an-ky-vong-hoa-giai-ap-luc-giai-ngan-nam-2025-cua-bo-gtvt-192250204104346754.htm