Bà Rịa - Vũng Tàu: Người dân tin tưởng, an tâm sử dụng các sản phẩm phương tiện tránh thai được phân phối trong Đề án xã hội hóa

Thông qua việc tuyên truyền về các phương tiện tránh thai và hàng hóa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của Đề án, người dân đã tin tưởng về chất lượng, hiệu quả và giá thành, được sản xuất từ những công ty lớn, có nguồn gốc rõ ràng và an tâm sử dụng.

Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Để thực hiện Đề án 818, ngày 1/9/2015, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định thành lập Ban quản lý Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) của tỉnh.

Theo đó, hoạt động xã hội hóa phương tiện tránh thai được triển khai trên toàn tỉnh (82 xã/phường). Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã lập kế hoạch dự trù sản phẩm và phân phối đến các Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện, thị xã và thành phố và đưa mô hình xã hội hóa thử nghiệm đến khách hàng sử dụng.

Tuyên truyền công tác dân số, các biện pháp tránh thai tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Tuyên truyền công tác dân số, các biện pháp tránh thai tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khi mới bắt đầu đưa mô hình xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS vào triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động khách hàng tiếp nhận chủ trương mới và mua sản phẩm vì trước đây đa phần các phương tiện tránh thai đều được cấp phát miễn phí. Mặt khác, sản phẩm của Đề án đều là những mặt hàng mới nên người sử dụng vẫn còn e ngại.

Để đẩy mạnh thực hiện Đề án, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lồng ghép phổ biến và tập huấn Đề án vào các lớp tập huấn của chương trình mục tiêu Y tế - Dân số cho các đối tượng làm công tác dân số và người dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan, ban ngành tuyên truyền về Đề án 818 trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự lan toản cao trong cộng đồng. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.

Bên cạnh đó, Chi cục ngành Dân số tỉnh đã xây dựng và hình thành hệ thống cung cấp sản phẩm, hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản và phương tiện tránh thai từ tỉnh đến huyện, xã. Cụ thể: Tuyến tỉnh 5 người; 7 đơn vị tuyến huyện 14 người và 82 xã phường 82 người và tất cả các cộng tác viên.

Ngoài ra, phối hợp với Trung tâm Dân số-KHHGĐ và Trung tâm Y tế huyện tổ chức cho các đối tượng là nhân viên y tế, chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về triển khai các hoạt động; kỹ năng tuyên truyền và kỹ năng phân phối các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Đề án. Cụ thể, số lớp được tổ chức: 14 lớp (7 lớp cho cán bộ tuyến huyện với 45 người và 7 lớp cho cán bộ tuyến xã và cộng tác viên với 1.032 người).

Về việc phân phối các sản phẩm xã hội hóa, hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang phân phối một số sản phẩm, hàng hóa kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản trong Đề án 818 như: Bao cao su Hello; Viên uống tránh thai Anna; Dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis; Dung dịch vệ sinh đa năng Gynopro; Viên sắt Prenatal…

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian qua, Đề án 818 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đem lại những kết quả nhất định. Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thông qua việc tuyên truyền về sản phẩm tránh thai và hàng hóa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của Đề án, người dân đã tin tưởng về chất lượng, hiệu quả và giá thành, được sản xuất từ những công ty lớn, có nguồn gốc rõ ràng và an tâm sử dụng.

Hơn nữa, không chỉ chấp nhận sử dụng sản phẩm mà thời gian qua từ chương trình người dân cũng đã được cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng dân số.

Anh Khôi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/ba-ria-vung-tau-nguoi-dan-tin-tuong-an-tam-su-dung-cac-san-pham-phuong-tien-tranh-thai-duoc-phan-phoi-trong-de-an-xa-hoi-hoa-172221214162323889.htm