Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập các địa phương: Cán bộ nhiều tâm tư, nguyện vọng

Huyện Long Điền và Đất Đỏ hơn 20 trước được tách ra từ huyện Long Đất, đến nay do thực tế phát triển cũng như do phải sắp xếp lại theo chủ trương của Đảng và Chính phủ để tăng hiệu quả hoạt động, tạo không gian phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, nên 2 địa phương này sẽ được nhập lại như trước đó.

Theo đề án sáp nhập các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian tới, tỉnh sẽ sáp nhập 2 huyện lỵ Long Điền – Đất Đỏ cùng với 5 phường, xã. Vấn đề đặt ra sau khi sáp nhập là việc giải quyết số lao động dôi dư, chính vì vậy tâm tư, nguyện vọng của cán bộ - công chức - viên chức tại các địa phương này cũng rất được quan tâm.

Sau khi được tách ra từ huyện Long Đất, 2 huyện Long Điền, Đất Đỏ đã có bước phát triển nhanh chóng. Đến nay do chủ trương nên sẽ nhập lại như 20 năm trước.

Sau khi được tách ra từ huyện Long Đất, 2 huyện Long Điền, Đất Đỏ đã có bước phát triển nhanh chóng. Đến nay do chủ trương nên sẽ nhập lại như 20 năm trước.

Mong muốn cống hiến

Làm công tác mặt trận tại một địa phương có lịch sử về cách mạng và cũng là người đã gắn bó với công tác tại cơ sở hơn 20 năm qua, trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Long Mỹ vẫn mong muốn được tiếp tục công tác để cống hiến cho xã hội, phục vụ nhân dân.

"Với thâm niên công tác lâu năm tại xã, bản thân tôi rất mong muốn tiếp tục được đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của địa phương. Qua sắp xếp thì có thể thay đổi vị trí công tác nhưng nguyện vọng của bản thân tôi vẫn là tiếp tục phục vụ Nhà nước và nhân dân trên địa bàn mới", bà Thanh bày tỏ nguyện vọng.

Khi Đề án được xây dựng, hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền phổ biến về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc sắp xếp, cùng với định hướng chính sách nhân sự đối với đội ngũ cán bộ, công chức sau sắp xếp. Điều đó cũng làm hầu hết cán bộ nơi các địa phương bị ảnh hưởng bởi sự sáp nhập ổn định hơn và phần lớn trong số họ đều bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục công tác, phục vụ nhân dân.

Chị Mai Thị Thu Hiếu, công chức Thống kê phường Phước Trung, TP Bà Rịa - một trong những địa phương tại đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được sắp xếp lại cũng tỏ ra rất tự tin và phấn khởi: "Với việc sáp nhập phường Phước Hiệp vào phường Phước Trung, bản thân tôi hoàn toàn đồng thuận và chấp hành theo sự điều động của cấp trên. Mong muốn của tôi lúc này là tiếp tục công việc chuyên môn tại phường mới, cống hiến hết mình cho sự phát triển của địa phương".

Hầu hế cán bộ, công chức đều mong muốn tiếp tục được cống hiến

Hầu hế cán bộ, công chức đều mong muốn tiếp tục được cống hiến

Giải pháp đảm bảo chính sách

Đến nay, các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đã hoàn thành các bước theo tiến độ và trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua. Theo thống kê sơ bộ, việc sắp xếp không gây ra tình trạng dôi dư quá nhiều đối với đội ngũ công chức và người hoạt động không chuyên trách.

Theo bà Mã Thị Thu Thảo, Trưởng phòng Nội vụ TP Bà Rịa, sau sáp nhập phường Phước Hiệp vào phường Phước Trung, có 3 trường hợp cán bộ, công chức không đủ tiêu chuẩn làm việc tại phường mới. Trong đó có 2 trường hợp đã đến tuổi nghỉ hưu và 1 trường hợp tự nguyện xin thôi việc.

Đối với số nhân sự dôi dư khác, bà Thảo khẳng định thành phố sẽ có phương án giải quyết hợp lý: "Số lượng cán bộ, công chức dôi dư chúng tôi sẽ ưu tiên bố trí hết làm việc tại phường mới thành lập Phước Trung. Còn những trường hợp không thể bố trí hết sẽ được sắp xếp sang các xã, phường khác của thành phố. Các phường khác mà vẫn còn thiếu biên chế sau khi sáp nhập sẽ tổ chức thi tuyển để tuyển dụng thêm. Với phương án này, chúng tôi hoàn toàn không lo ngại tình trạng dôi dư quá nhiều nhân sự".

Còn tại huyện Đất Đỏ, bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đơn vị đang xây dựng phương án cụ thể đối với số cán bộ này. Bà Hồng chia sẻ: "Hiện tại huyện cũng đang tính toán từng bước đối với các trường hợp dôi dư cán bộ lãnh đạo, nếu có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi hay nguyện vọng tiếp tục làm việc thì huyện sẽ sắp xếp, tính toán xem có thể bố trí vị trí công tác nào phù hợp. Trên cơ sở bố trí công việc phù hợp, huyện sẽ điều chuyển những trường hợp dôi dư về những đơn vị khác".

Có thể thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai là một dấu mốc quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống chính quyền địa phương. Mục tiêu hướng tới là hình thành nên những đơn vị hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn, phù hợp với xu thế phát triển mới và hội nhập.

Mạnh Cường - Nguyễn Nam

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ba-ria-vung-tau-sap-nhap-cac-dia-phuong-can-bo-nhieu-tam-tu-nguyen-vong-10281040.html