Bá Thước: 42 Tổ truyền thông cộng đồng hoạt động vì phụ nữ dân tộc thiểu số

Triển khai thực hiện Dự án 8 tại huyện Bá Thước (Thanh Hóa), mô hình 'Tổ truyền thông cộng đồng' đang cho thấy nhiều hiệu quả tích cực.

 Chị Bùi Thị Quỳnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Ái Thượng (phải), ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tôm, xã Ái Thượng - cùng thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng họp rút kinh nghiệm về các nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới

Chị Bùi Thị Quỳnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Ái Thượng (phải), ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tôm, xã Ái Thượng - cùng thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng họp rút kinh nghiệm về các nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới

Cứ chiều thứ 2 hàng tuần, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tôm, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước - lại tập trung cùng các thành viên trong tổ Truyền thông cộng đồng của thôn để trao đổi, rút kinh nghiệm và thống nhất các nội dung sẽ thực hiện tuyên truyền đến bà con. 67 tuổi, ở cái độ tuổi đúng ra được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu nhưng ông Nghị lại chọn "màu áo cam" - màu sắc biểu tượng cho sự cam kết về bình đẳng giới để mang hy vọng sẽ thay đổi nếp nghĩ, cách làm của những người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thanh Hóa.

"Được lời mời từ phía Hội LHPN xã Ái Thượng, tôi nhận lời tham gia tổ truyền thông cộng đồng ngay với hy vọng sự uy tín của mình sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của nhiều người" - ông Nguyễn Thanh Nghị tâm sự.

Theo đó, tổ Truyền thông cộng đồng thôn Tôm là một trong những mô hình được thành lập điểm gồm 10 thành viên là những người có uy tín trong thôn, gồm cả nam giới và phụ nữ. Tổ thực hiện tuyên truyền tại thôn mỗi tháng 1 lần (lồng ghép vào các buổi họp thôn) về các nội dung như phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng; những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Được sự hướng dẫn từ Hội phụ nữ các cấp, các thành viên trong tổ không chỉ cấp phát các tài liệu, soạn thảo các nội dung tuyên truyền đăng tải trên các trang mạng xã hội của cư dân mà còn trực tiếp đến tận nhà một số trường hợp xảy ra bạo lực gia đình hoặc có chuyện hiếu hỷ để động viên, hòa giải hoặc khuyến khích họ chấp hành theo đúng các quy định của pháp luật.

"Có nhà mình đến 1 lần không được thì đến làn 2, thậm chí lần 3 để thuyết phục họ" - chị Bùi Thị Quỳnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Ái Thượng, cho hay. Mặc dù vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ "người vác tù và hàng tổng" của tổ truyền thông cộng đồng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Do đặc thù địa bàn vùng núi rộng lớn, việc đi lại, tập trung bà con đến các Hội nghị giao lưu, đối thoại không phải lúc nào cũng tập hợp được đông đủ. Bản thân người dân thời gian đầu còn chưa thực sự hiểu thế nào là định kiến giới, thế nào là bạo lực, vì vậy cũng có những thời điểm, các thành viên phải mất rất nhiều công sức, thời gian để làm công việc này.

Các buổi Hội nghị trao đổi truyền thông mẫu về xóa bỏ định kiến giới tại huyện Bá Thước nhận được sự quan tâm của rất đông nam, nữ thanh niên trên địa bàn huyện

Các buổi Hội nghị trao đổi truyền thông mẫu về xóa bỏ định kiến giới tại huyện Bá Thước nhận được sự quan tâm của rất đông nam, nữ thanh niên trên địa bàn huyện

Nhờ sự kiên nhẫn và trách nhiệm của tổ truyền thông cộng đồng, đến nay tình trạng nam giới say rượu giảm hẳn, bạo lực gia đình cũng vì thế hầu như không còn hiện diện trong thôn. Từ nền móng gia đình đầm ấm, hạnh phúc, việc làm ăn, sản xuất cũng tốt hơn với câu trả lời rõ nhất là số hộ nghèo trong thôn hiện nay giảm từ 50 hộ xuống còn 19 hộ. Việc tổ chức tang lễ cũng không còn rườm rà, kéo dài nhiều ngày như trước. Bên cạnh đó, tổ truyền thông cộng đồng cũng đặc biệt quan tâm động viên các trẻ em gái đi học đầy đủ, không phân biệt giới tính từ gia đình đến nhà trường, tạo sự tự tin cho các em.

Với những hiệu quả đó, hiện nay Hội LHPN huyện Bá Thước đã nhân rộng mô hình này lên 42 Tổ truyền thông cộng đồng tại 42 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 17 xã thực hiện Dự án 8. Chủ tịch Hội LHPN huyện Bá Thước Lê Thị Hải Lý cho biết trong 3 năm thực hiện dự án, Hội đã tổ chức 30 cuộc truyền thông mẫu về xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, phòng chống bạo lực gia đình cho thành viên tổ Truyền thông cộng đồng và người dân trong thôn; 08 lớp tập huấn tại huyện về kỹ năng quản lý, vận hành mô hình Tổ Truyền thông cộng đồng và tập huấn đánh giá giám sát về thực hiện Bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn.

"Với chức năng tuyên truyền, chúng tôi tập huấn nâng cao năng lực vận hành cho các Tổ truyền thông cộng đồng; kỹ năng truyền thông, tuyên truyền, viết tin, phát thanh cho cán bộ chủ chốt 21 thôn đặc biệt khó khăn chưa thành lập Tổ truyền thông cộng đồng để tiến tới thành lập tại các địa bàn này" - bà Lê Thị Hải Lý cho hay.

Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Bá Thước sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động truyên truyền của tổ Truyền thông cộng đồng như: tổ chức các Hội nghị giao lưu, diễn đàn, sân khấu hóa tuyên truyền về Bình đẳng giới; Tổ chức các hội thi nhằm kích thích tinh thần tìm hiểu về xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em để phát huy tốt hơn nữa nhứng thành quả mà mô hình này mang lại.

An Nhi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ba-thuoc-42-to-truyen-thong-cong-dong-ngay-dem-hoat-dong-vi-phu-nu-dan-toc-thieu-so-20240717154426427.htm