Bá Thước: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển bền vững ngành nông nghiệp
Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, huyện Bá Thước đã chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân xã Thiết Ống thu hoạch sắn.
Sau khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, anh Hà Văn Tuấn, thôn Tôm, xã Ái Thượng quyết định chuyển đổi 1 ha vườn tạp để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Anh Hà cho biết: Trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thậm chí còn thiếu ăn; năm 2015, khi xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh đã mạnh dạn đưa một số loại cây ăn quả vào sản xuất. Đến nay, trang trại của gia đình đã có trên dưới 300 gốc bưởi da xanh, ổi, nhãn... Dưới tán cây, anh kết hợp nuôi lợn thương phẩm, lợn nái, trâu, bò và gia cầm... Theo tính toán của anh Tuấn, mỗi năm trang trại cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương. Qua đó khẳng định, việc chuyển đổi từ đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp là quyết định đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Còn đối với gia đình ông Lê Chí Dũng, thôn Điền Lý, xã Điền Lư trước đây cũng là một trong những hộ nghèo của xã, nguồn thu chính chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng từ năm 2015, được xã tuyên truyền, vận động, ông đã chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới. Với gần 300m2 xây dựng, ông Dũng đưa các loại cây trồng vào sản xuất, như: mùng tơi, cà pháo, mướp, lạc, rau các loại... Sau 3 tháng trồng, chăm sóc, mô hình trồng rau trong nhà lưới đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến năm 2018, ông Dũng thành lập HTX sản xuất rau an toàn Điền Lý, với 20 thành viên. Hiệu quả kinh tế từ mô hình đã khích lệ cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã cùng tham gia hợp tác. Theo tính toán, mô hình trên góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân ở xã Điền Lư gấp 2 đến 3 lần so với cây trồng truyền thống. Đến nay, thôn Điền Lý có 190/215 hộ dân tham gia mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP.
Hay như mô hình trồng dược liệu của HTX Pù Luông đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay HTX có 5 ha dược liệu, chủ yếu là cây xạ đen, chè đắng, cà gai, hoạt ngọc, ngải cứu... Nếu so sánh hiệu quả kinh tế, trồng cây dược liệu cho thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Từ hiệu quả kinh tế trồng cây dược liệu, HTX Pù Luông đang dự kiến trong năm 2023 sẽ nhân rộng khoảng hơn 60 ha ở 8 xã trên địa bàn huyện Bá Thước, trong đó quý I-2023 đã trồng được 16 ha ở 2 xã Thiết Ống và Lũng Cao...
Xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện Bá Thước đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó huyện tích cực hỗ trợ, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu canh tác, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương để tăng năng suất, sản lượng theo hướng bền vững gắn với những tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Ngoài ra, huyện cũng hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, các phương thức canh tác công nghệ cao, phá vỡ thế độc canh của các cây trồng, vật nuôi truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh việc liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân...
Cùng với đó, Bá Thước đã triển khai xây dựng chương trình “Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới để giảm nghèo nhanh, bền vững”; thực hiện 2 khâu đột phá “Phát triển chăn nuôi đại gia súc và sản phẩm có ưu thế cạnh tranh”, đồng thời ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển vật nuôi có lợi thế giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, lựa chọn 6 loại vật nuôi, gồm: bò lai sind, bò Úc, lợn cỏ, vịt Cổ Lũng, dê núi, gà đồi và các loại thủy sản lồng bè trên sông Mã, hồ thủy điện. Đối với cây trồng thì khuyến khích đưa các loại cây ăn quả, lúa, khoai tây, ngô dùng cho chăn nuôi và phát triển vùng rau an toàn... Huyện cũng đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; trồng rừng gỗ lớn; khoán khoanh nuôi; bảo vệ rừng phòng hộ; thâm canh khôi phục rừng luồng... Từ những giải pháp trên, đến nay, huyện Bá Thước đã hình thành được 6 ha rau an toàn; 60.000 ha lúa; gần 300 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 1.500 tấn; tổng đàn gia súc hơn 50.000 con, 490.000 con gia cầm, 36 trang trại chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm...
Phát huy những kết quả đạt được, huyện Bá Thước tiếp tục thực hiện một số chương trình trọng tâm, khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Trong đó tập trung làm tốt công tác quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm và vùng phụ cận đến năm 2040, bảo đảm khoa học, kết nối hài hòa với quy hoạch phát triển chung của tỉnh và các địa phương trong vùng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, từng bước hình thành một số sản phẩm hàng hóa chủ lực, có lợi thế, xây dựng thương hiệu gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước...