Ba tôi - người thương cây

Mẹ thường kể với mọi người rằng, hồi đó mẹ phải lòng ba chỉ vì ba thương cây.

Lạ chưa, chỉ vì một người thương cây thương cỏ thôi mà mẹ dám gửi trao đời mình cho họ. Mẹ nói nhìn vẻ ngoài đậm chất nông dân của ba thấy khó gần, nhưng một lần sau tết, ông ngoại sai mẹ mang cây mai bị suy đến cho ba “cấp cứu” cây. Mẹ nhìn cách ba ân cần đón cây, như đón một đứa trẻ yếu ớt, từng cử chỉ nhẹ nhàng quá đỗi vì sợ tổn thương cây.

Chẳng biết từ đâu mà mẹ có ý nghĩ rằng một người thương cả cỏ cây thì chẳng bao giờ hại đến ai. Sau cái lần ba cứu cây mai của mẹ mang lại ấy, mẹ phải lòng ba.

Suốt bao nhiêu năm mà mỗi lần kể lại, mẹ vẫn nhớ hình ảnh những ngón tay to bè của ba thoăn thoắt từng công đoạn để cứu cây mai. Bắt đầu là trộn loại đất cát cho phù hợp với tình trạng của cây, pha thêm ít xơ dừa giữ ẩm, ba nhẹ nhàng lấy gốc mai ra khỏi chiếc chậu sành có phần cạn đáy mà người ta chỉ dùng để chơi cây trong mùa xuân cho đẹp. Sau đó, ba hạ tàn, tỉa bớt chi vướng víu rồi thay sang chiếc chậu nhiều đất hơn. Lần sau quay trở lại, mẹ nhận không ra cây mai nhà mình, vì nó đã đâm chồi mới, non mơn mởn.

Mẹ nói, cây mai trước sân nhà tôi được ba trồng vào năm tôi sinh ra. Đó là mảnh đất ông bà nội cho ba mẹ ra riêng. Lúc mới dọn tới, trong khi mẹ loay hoay sắp xếp gian bếp thì ba vẫn quan tâm nhất việc đặt gốc mai ở đâu cho phù hợp. Đó là cây mai ba lựa chọn kỹ lắm, ba muốn cây mai sẽ sống thật lâu để cùng gắn bó với nhau như một thành viên trong căn nhà.

Khi tôi lon ton biết đi, mai đã xòe tán rợp sân nhà. Mỗi sáng mùa xuân, ba cõng tôi lên vai, để bàn tay bé xíu của tôi chạm vào những cánh mai mềm mịn, mát rượi.

Lớn hơn một chút tôi mới biết cây mai của nhà tôi là đẹp nhất xóm. Vào mùa xuân, mai bung sắc vàng rực. Từ trên đỉnh cầu bắc ngang dòng sông, nhìn xuống đã thấy cây mai nhà tôi bừng sáng cả góc trời. Các anh chị học cấp ba trên thị trấn rủ nhau chạy xuống chơi, cùng nhau chụp ảnh bên gốc mai rực rỡ. Khi ấy, ánh mắt ba vui lắm! Ba còn để sẵn bình nước mát để khi khát khách tự lấy uống.

Cứ như vậy, tôi bao nhiêu tuổi là bằng đó mùa xuân đi qua. Cây mai cả năm lặng lẽ nhưng cứ đến độ hái lá là lộ ra những chùm nụ chi chít, cả những chồi non cũng nhú ra rất nhanh. Từ 26 tết trở đi là nụ mai lớn thấy rõ. Khoảng thời gian đó, mỗi sáng thức giấc, việc đầu tiên của tôi là chạy ra xem mai đã nở chưa. Chừng 29 tết chỉ mới vài bông nở, nhưng đến chiều 30 cây đã đồng loạt bung sắc kín cành.

Sáng mùng 1 năm nào tôi thức giấc cũng thấy ba áo quần chỉn chu ngồi dưới gốc mai uống trà.

Mùa xuân năm tôi 18 tuổi, buổi sáng mùng 1 tiết trời mát mẻ, ba gọi tôi lại ngồi cùng dưới gốc mai, uống tách trà đầu năm. Ba hỏi tôi rằng: “Con có biết hoa mai nhà mình mấy cánh không?”. Quả thật, tôi chẳng khi nào đếm cánh hoa mai. Ba lại hỏi: “Mai nở bao lâu thì tàn, con có biết không?”. Câu ấy càng quá khó với tôi.

Mãi sau này đi học xa, bắt đầu thích trồng những chậu cây xanh trong nhà và cảm thấy thư giãn khi ngắm lá, ngắm hoa, tôi mới hiểu ý nghĩa những câu hỏi có phần cắc cớ của ba về hoa mai. Ba muốn con gái ba sống chậm lại, nhất là vào những ngày đầu năm. Sống chậm lại để có sự kết nối nhiều hơn với những gì đang hiện hữu. Có như vậy mới thấy lòng bình an hơn. Tâm trí con người vốn rất ít khi chịu dừng lại ở một nơi. Ngắm hoa đấy mà ý nghĩ còn ở tận chân trời nào, thì làm sao biết được hương sắc hoa ra sao, làm sao cảm nhận được mùa xuân tươi đẹp thế nào? Vậy nên kết nối với thiên nhiên còn là cách để đưa tâm trí mình trở về thực tại.

Sống xa nhà, nhưng mùa xuân nào tôi cũng háo hức trở về đón tết cùng gia đình. Mỗi lần về đến đầu ngõ, thấy cây mai nặng trĩu những chùm hoa, chuẩn bị bung sắc vàng rực cả góc sân nhà, không dưng tôi xúc động lạ kỳ. Cảm giác cây đi qua bao mùa mưa nắng, vẫn tận hiện cho cuộc đời những đóa hoa tươi, cây như một thành viên trong nhà, đón đợi mình trở về mỗi mùa xuân.

Sáng mùng 1, tôi cùng ba mẹ uống tách trà thơm dưới gốc mai. Thỉnh thoảng có cánh mai buông mình theo làn gió xuân, sắc vàng vẫn thắm thiết cho đến khi rời cành.

Những ngày đầu năm trôi qua trong nhẹ nhàng, thư thái. Ba muốn cả gia đình tôi được nghỉ ngơi thực sự, khi ấy, cơ thể mới nạp thêm nguồn năng lượng mới, sẵn sàng bước vào hành trình phía trước của mỗi người.

Có năm, tôi ở nhà đến qua mùng, và thể nào cũng nghe thanh âm quen thuộc của những vị khách hàng quen của ba: “May quá, có bác Tư ở nhà rồi!” – thanh âm như reo vui ấy còn mang hàm ý rằng, cây mai quý của vị khách đã được cứu sống!

Khi ấy, nhịp sống cho một năm mới đã bắt đầu!

ÁNH HƯỜNG

Q. Phú Nhuận, TPHCM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ba-toi-nguoi-thuong-cay-post726040.html